Tin KHCN trong nước
Sử dụng công nghệ chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (28/08/2022)
-   +   A-   A+   In  
Sự bùng nổ của công nghệ dẫn tới gia tăng các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, chính công nghệ cũng là giải pháp giải quyết vấn đề này.

Trong Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả là một trong các quyền cơ bản của người sáng tạo, của đơn vị sản xuất và cung cấp nội dung. Quyền tác giả được bảo vệ sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo, từ đó tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng và giá trị. Tuy nhiên, trước sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là trên các nền tảng số, vấn đề bảo vệ bản quyền đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Các vi phạm ngày càng trở nên phổ biến, ở nhiều loại hình ấn bản, trong nhiều lĩnh vực, từ âm nhạc, phim ảnh, tác phẩm văn học đến chương trình truyền hình, báo chí điện tử, chương trình giáo dục…

Sự thuận tiện trong môi trường số giúp tạo điều kiện để các tác giả có thể đưa tác phẩm đến công chúng nhanh chóng, rộng rãi hơn, người dùng Internet cũng dễ dàng tiếp cận tác phẩm. Nhưng chính sự bùng nổ của công nghệ cũng khiến tình trạng sao chép tác phẩm, cắt, ghép tác phẩm trái phép và tạo ra nhiều bản sao. Thậm chí, một nội dung được đầu tư công phu nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã bị khai thác trái phép, sao chép, lan truyền rộng rãi.

Đối với các trường hợp sao chép, mua bán, phân phối các sản phẩm trí tuệ, tuỳ theo mức độ sẽ bị xử phạt theo các mức khác nhau, được quy định tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP về "Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan" với mức dao động cho một hành vi vi phạm từ 3.000.000 đến 35.000.000 triệu đồng và có thể lên đến 250.000.000 triệu đồng đối với các hoạt động có quy mô lớn và tái diễn.

Trong mọi trường hợp, vi phạm bản quyền không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cá nhân làm công việc sáng tạo, các đơn vị cung cấp nội dung mà còn ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế, việc chiếm đoạt trái phép tác phẩm, sản phẩm có bản quyền còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của người sáng tạo. Người tiêu dùng nên tiếp cận các tác phẩm, nội dung sáng tạo một cách đúng nghĩa, bởi các sản phẩm sao chép miễn phí khó có được chất lượng đảm bảo như tác phẩm gốc.

Ảnh minh hoạ

Bên cạnh hạ tầng công nghệ, yếu tố con người cũng là trở ngại lớn khi không phải cá nhân nào cũng có ý thức trong việc sử dụng đúng sản phẩm, tác phẩm chính gốc. Tâm lý ham lợi nhuận, ham rẻ sẽ dẫn tới việc vẫn sẽ tồn tại người bán và người mua trái phép các sản phẩm trí tuệ. Chỉ khi người tiêu dùng có ý thức hơn trong việc mua bán, sử dụng các sản phẩm chính hãng, có thái độ tôn trọng đối với tác giả, tổ chức tạo ra sản phẩm trí tuệ thì khi đó tình trạng vi phạm này mới có thể giảm thiểu.

Về giải pháp cụ thể, trước hết cần hoàn thiện cổng thông tin đăng ký tác quyền; từng bước triển khai việc nghiên cứu và phát triển công nghệ blockchain; tích hợp quản lý tác quyền số, nghiên cứu và phát triển các công nghệ thu phí tác quyền bằng blockchain... Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung hệ thống quy phạm pháp luật hoàn chỉnh hơn, cụ thể hơn, nhất là vấn đề bảo vệ bản quyền trên môi trường số và bảo vệ bản quyền bằng giải pháp công nghệ. Khi có được sự đồng bộ hệ thống luật pháp cùng với sự tham gia của các hiệp ước quốc tế thì vấn đề thực thi, minh bạch công khai trong khai thác bản quyền với sự góp phần của các nền móng công nghệ chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 1069

Về trang trước Về đầu trang