Tin KHCN trong nước
Tìm công nghệ bảo quản để tăng giá trị vải thiều (15/07/2022)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 14/7, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) phối hợp với Sở KH&CN Bắc Giang tổ chức tọa đàm "Tìm kiếm, lựa chọn công nghệ bảo quản vải thiều phù hợp với điều kiện hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang".

Tìm công nghệ bảo quản để tăng giá trị vải thiều - Ảnh 1.

Cục Ứng dụng và Phát triển, Sở KH&CN Bắc Giang ký Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN, giai đoạn 2022-2025 - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Thời gian qua, Bắc Giang luôn quan tâm nghiên cứu, ứng dụng KH&CN nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó tập trung cho cây vải.

Tại Bắc Giang, diện tích trồng vải thiều duy trì  duy trì hằng năm gần 29.000 ha. Năm nay thời tiết thuận lợi nên cây vải thiều sinh trưởng và phát triển tốt, tỉ lệ ra hoa đậu quả cao, cùng với việc kiểm soát chặt chẽ các mã vùng trồng nên chất lượng và sản lượng ước đạt khá cao (trên 180.000 tấn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang, việc sản xuất và tiêu thụ vải thiều Bắc Giang còn gặp nhiều hạn chế khi vải thiều có tính mùa vụ cao, sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn, chất lượng vải thiều không đồng đều giữa các địa phương và các vùng trong khi công tác bảo quản, đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ tương đối khó khăn.

Hiện nay, vải thiều được bảo quản ở các dạng khô, tươi, đóng hộp. Tuy nhiên, với bảo quản vải khô thì mẫu mã chưa đẹp (mới sấy khô bằng phương pháp sấy thủ công, sấy truyền thống sử dụng nhiệt từ than, củi). Do đó, vải thiều Bắc Giang mới chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, thị trường gần Việt Nam về mặt địa lý còn với thị trường quốc tế khác khó tính hơn như châu Âu, châu Mỹ... thì vải thiều Bắc Giang mới đang dần tiếp cận để mở rộng, phân khúc khách hàng.

Đối với chế biến cùi vải đóng lon, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 2 công ty đầu tư công nghệ chế biến cùi vải đóng lon, chế biến nước ép nhưng sản lượng còn khá hạn chế, chỉ đạt khoảng 2.000-3.000 tấn nguyên liệu/năm (cấp đông sản xuất quanh năm).

Việc nâng công suất gặp rất nhiều khó khăn do các công đoạn sơ chế ban đầu hoàn toàn bằng thủ công (bóc vỏ, tách cùi, cắt cuống) mà chưa có công nghệ, thiết bị thay thế nên doanh nghiệp cần đến hàng trăm công nhân làm việc thủ công ở công đoạn này.

Tại tọa đàm, các ý kiến đã thảo luận về những giải pháp KH&CN, giới thiệu một số công nghệ bảo quản để khắc phục một số hạn chế hiện nay.

Một trong những loại công nghệ được giới thiệu là công nghệ sấy lạnh đa năng trong chế biến, bảo quản thực phẩm. 

Nhờ hệ thống UV diệt khuẩn không khí trước khi đưa vào buồng sấy và công nghệ tuần hoàn kín, công nghệ này giúp giảm tối đa khả năng nhiễm khuẩn, nấm mốc từ không khí, môi trường, giảm thiểu tối đa tổn thất năng lượng. Hệ thống tách ẩm qua dàn ngưng tụ độc lập, hiệu suất cao, không phụ thuộc vào điều kiện môi trường và điều kiện sấy sẽ giúp giữ nguyên màu, mùi vị của sản phẩm và có thể áp dụng với nhiều loại nông sản...

Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Tùng, Viện Nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy nông nghiệp (Bộ Công Thương), dù sấy bằng công nghệ nào thì tiết kiệm năng lượng là yếu tố quan trọng, quyết định đến giá trị gia tăng. Do đó cơ quan chuyên môn, các địa phương cần nghiên cứu, lựa chọn mô hình phù hợp với nguồn lực cũng như lao động tại địa phương.

Với chất lượng vải thiều của Bắc Giang như hiện nay, người dân nên sử dụng phương pháp sấy đối lưu cưỡng bức sử dụng lò đốt gián tiếp nhiên liệu sinh khối để tạo tác nhân sấy bởi vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa tận dụng nguồn lá, cành cây sau thu hoạch để tạo nhiệt.

Ông Phạm Thế Dũng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho rằng, Bắc Giang cần xác định khâu bảo quản chế biến có ý nghĩa rất quan trọng để chủ động trong sản xuất và tiêu thụ; giải quyết được bài toán sản lượng, không bị áp lực khi thu hoạch rộ; tránh rủi ro trong sản xuất, khắc phục hiện tượng được mùa rớt giá. Đây cũng là tiền đề quan trọng để phát huy chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và phát triển thương hiệu sản phẩm.

Trong thời gian tới, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ sẽ phối hợp với Sở KH&CN Bắc Giang xây dựng các mô hình công nghệ sấy tiên tiến nhằm đa dạng công nghệ phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau để làm cơ sở triển khai nhân rộng mô hình.

Đồng thời đề nghị tỉnh Bắc Giang xem xét đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu cứu một số giải pháp, công nghệ cụ thể giải quyết tồn tại nhằm nâng cao giá trị quả vải thiều, trong đó có việc nghiên cứu, lai tạo giống vải trái vụ hoặc kéo dài thời gian thu hoạch của quả vải; nghiên cứu một số công nghệ, thiết bị phụ trợ nhằm phục vụ cho các dây chuyền sản xuất cùi vải đóng lon, nước vải như: Công nghệ bóc vỏ quả; thiết bị bóc cùi vải... Tiếp tục nghiên cứu cải tiến công nghệ bảo quản quả vải tươi nhằm nâng cao công suất, tăng thời gian bảo quản đáp ứng việc xuất khẩu bằng đường biển.

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 3844

Về trang trước Về đầu trang