Tin KHCN trong nước
Công bố Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015 (12/03/2015)
-   +   A-   A+   In  

Sáng 10/3/2015, tại Hà Nội, Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức lễ công bố Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015. Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng cùng các thành viên thuộc Ban tổ chức Giải thưởng, các nhà khoa học có uy tín thuộc các viện, trường đại học, cơ quan nghiên cứu trong nước và các cơ quan báo chí.

Lễ công bố có sự tham dự của hàng trăm đại biểu là các nhà khoa học, quản lý và phóng viên báo chí

 

Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng của Bộ KH&CN, được tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng và khoa học công nghệ Việt Nam nói chung tiếp cận trình độ quốc tế, tạo tiền đề cho KH&CN của đất nước hội nhập và phát triển.

 

Tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014, Giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao cho GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng, Khoa Toán,Trường Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội thuộc lĩnh vực Toán học, với công trình “Các đồng cấu giữa các đại số Dickson- Mùi xem như các Moodun trên đại số Steenrod” và PGS.TS Nguyễn Bá Ân, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thuộc lĩnh vực Vật lý, với công trình “Đồng viễn tạo trạng thái lượng tử thông qua các trạng thái W và kiểu W”. Việc tổ chức Giải thưởng đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam.

 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Tiến Dũng- Giám đốc Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia cho biết, Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015 có nhiều nét mới. Cụ thể, giải thưởng xét tặng cho các công trình nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Trong đó bao gồm: Khoa học tự nhiên (toán học, khoa học máy tính và thông tin, vật lý, hóa học, các khoa học trái đất và môi trường liên quan, sinh học, khoa học tự nhiên); Khoa học kỹ thuật và công nghệ; Khoa học y, dược; Khoa học nông nghiệp...

 

Đối tượng tham gia xét Giải thưởng Tạ Quang Bửu gồm các nhà khoa học là tác giả của công trình nghiên cứu khoa học cơ bản xuất sắc thuộc các lĩnh vực xét tặng Giải thưởng.

 

Ban Tổ chức cho biết, cơ cấu Giải thưởng Tạ Quang Bửu bao gồm: Từ một (01) đến ba (03) Giải thưởng dành cho tác giả của công trình khoa học và một (01) Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) là tác giả của công trình khoa học.

 

Mỗi giải thưởng sẽ gồm: Bằng chứng nhận Giải thưởng của Bộ trưởng Bộ KH&CN và tiền thưởng 200 triệu đồng (đối với Giải thưởng dành cho tác giả của công trình khoa học) hoặc 50 triệu đồng (đối với Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ là tác giả của công trình khoa học).

 

Tại lễ công bố, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến hữu ích cho giải thưởng. GS. Ngô Việt Trung, Viện Toán Học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015 cho rằng, thông thường thành viên hội đồng xét giải thưởng KH&CN có tới một nửa là các nhà quản lý khoa học nên nhiều khi giải thưởng không phản ánh đúng chất lượng nghiên cứu hoặc công trình người được giải. Các công trình tham dự Giải thưởng Tạ Quang Bửu có hai hội đồng là các nhà khoa học tiêu biểu chuyên ngành. GS. Trung cũng hy vọng trong tương lai có thể mời thêm nhiều nhà khoa học có uy tín trong và ngoài nước tham gia, giải thưởng sẽ giữ được chất lượng như năm vừa qua.

 

PGS.TSKH Trần Trọng Hòa, Viện Địa chất, Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam chia sẻ, đối với ngành nghiên cứu khoa học về địa chất khi tham gia Giải thưởng gặp nhiều khó khăn. Khó khăn từ lĩnh vực nghiên cứu, đối tượng đến điều kiện nghiên cứu. Theo PGS. Trần Trọng Hòa, đây được coi là một cú huých rất tốt để các nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực rất khó khăn này dám lao vào những nghiên cứu đỉnh cao.

 

Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại lễ công bố giải thưởng

 

Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, năm 2015, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 01/2015/TT-BKHCN ngày 12/01/2015 về việc ban hành Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu, trong đó có một số điểm được điều chỉnh so với Quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu ban hành kèm theo Quyết định số 2635/QĐ-BKHCN ngày 26/8/2013 của Bộ trưởng Bộ KH&CN.

 

Ban tổ chức Giải thưởng đã tham khảo và quyết định mời Giáo sư Ngô Việt Trung tiếp tục làm Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng năm 2015. Các thành viên Hội đồng Giải thưởng sẽ được cân đối, quyết định dựa trên cơ cấu hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng.

 

Thứ trưởng nhấn mạnh: Chúng tôi tin tưởng rằng, Giải thưởng Tạ Quang Bửu sẽ trở thành một giải thưởng uy tín, tạo được lòng tin trong cộng đồng khoa học Việt Nam, góp phần thúc đẩy các nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, xây dựng các nền móng cơ bản và vững chắc cho các nghiên cứu ứng dụng, qua đó góp phần nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước.

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 9738

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ chất lượng cao (22/10/2018)
  • Bộ KH&CN giải đáp cho doanh nghiệp về hiệu lực Giấy chứng nhận hợp quy (22/10/2018)
  • Hiện trạng và giải pháp ứng dụng công nghệ bảo quản trên tàu khai thác xa bờ và tàu hậu cần thuỷ sản của tỉnh BR-VT (22/10/2018)
  • Công nghệ chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ nguyên liệu còn lại trong công nghiệp chế biến cá (19/10/2018)
  • Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN không chính thức lần thứ 10 (IAMMST-10) (19/10/2018)
  • Giải pháp ứng dụng công nghệ thủy phân đối với nguyên liệu cá tạp và triển vọng ứng dụng (18/10/2018)
  • Giải pháp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm surimi và sản phẩm mô phỏng từ surimi trong quá trình chế biến và bảo quản tại các nhà máy chế biến surimi trên địa bàn tỉnh (18/10/2018)
  • Ứng dụng kỹ thuật sấy bằng bơm nhiệt (heat pump) để cải thiện chất lượng và tiết kiệm năng lượng cho quá trình sản xuất các sản phẩm khô thủy sản (18/10/2018)
  • Những giải pháp công nghệ mới trong sản xuất chitin, chitosan từ phế liệu của các nhà máy chế biến (tôm, mực, ghẹ, …) trên địa bàn tỉnh BR-VT (18/10/2018)
  • Công nghệ sản xuất collagen, gelatine từ nguyên liệu còn lại của nhà máy chế biến thủy sản (xương, da, vây, vẩy) và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh BR-VT (17/10/2018)