Tin KHCN trong nước
Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen vi sinh vật trồng trọt (30/06/2022)
-   +   A-   A+   In  
Nguồn gen vi sinh vật (VSV) có vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển công nghệ sinh học. Đây là nguồn vật liệu khởi đầu cho các kỹ thuật di truyền, công nghệ vi sinh và công nghệ lên men. Cho đến nay người ta đã biết hầu hết các loài động vật và 95% các loài thực vật trên trái đất, nhưng với VSV thì mới biết chưa đến 10%. 

Như vậy nguồn gen vi sinh vật vẫn ẩn chứa một tiềm năng to lớn mà con người vẫn chưa có khả năng làm chủ và khai thác. Hiện nay, nhiều nguồn gen VSV có ích đang được sử dụng trong sản xuất chế phẩm sinh học, phân bón VSV; nguồn gen này cũng cần được tiếp tục phân lập, tuyển chọn và nghiên cứu sử dụng. Do đó, việc bảo tồn, lưu giữ và tăng cường khả năng khai thác sử dụng nguồn gen vi sinh vật có ý nghĩa lớn trong sản xuất nông nghiệp.

Năm 2019, TS. Nguyễn Thu Hà cùng các cộng sự tại Viện Thổ Nhưỡng Nông hóa đã thực hiện đề tài: “Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen vi sinh vật trồng trọt”.

Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu bảo tồn và lưu giữ, góp phần sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn gen vi sinh vật trồng trọt (VSVTT) phục vụ phát triển nông nghiệp.

Đề tài đã thu được những kết quả sau:

- Lưu giữ, bảo quản nguồn gen VSVTT:

+ Lưu giữ, bảo quản thường xuyên 709 chủng vi sinh vật trồng trọt đảm bảo khả năng sống, mật độ tế bào VSV đạt ≥ 103 CFU/ống bảo quản. Trong đó bảo quản, lưu giữ dài hạn bằng phương pháp đông khô (12 chủng), lạnh sâu (226 chủng);

+ Cấy truyền định kỳ trên môi trường thạch nghiêng (709 chủng), trên môi trường thạch bán lỏng (22 chủng) và trong niơ lỏng (43 chủng).

+ Bảo quản thêm 30 chủng vi sinh vật trong nitơ lỏng.

- Đánh giá nguồn gen VSVTT:

+ Phân loại đến loài của 10 chủng VSVTT bằng giải trình tự gen 16s ARN riboxom.

+ 4/90 chủng Bacillus hiện lưu giữ (VACC 151; VACC 158, VACC 161 và VACC 169) có khả năng phân giải ACC.

+ 14/14 chủng Trichoderma hiện lưu giữ có khả năng phân giải xenlulo; đường kính vòng phân giải xenlulo đạt 10 - 31 mm; Trong đó, chủng VACC30035 và VACC30039 có đường kính vòng phân giải xenlulo đạt lần lượt là 30 mm và 31 mm. 14/14 chủng có khả năng đối kháng nấm Fusarium và Phytophthora (hiệu lực ức chế nấm Fusarium đạt 53,3 - 86,7% và đạt 47,1 - 77,3% đối với nấm Phytophthora); trong đó 8/14 chủng Trichoderma có hiệu lực ức chế nấm Fusarium đạt >70% (chủng VACC30020, VACC30021, VACC30029, VACC30030, VACC30031, VACC30033, VACC30035 và VACC30039) và 3/14 chủng Trichoderma có hiệu lực ức chế nấm Phytophthora đạt >70% (chủng VACC30018, VACC30032 và VACC30039). 6/14 chủng Trichoderma hiện lưu giữ (VACC20, VACC21, VACC29, VACC30, VACC35 và VACC39) vừa có khả năng phân giải xenlulo (đường kính vòng phân giải xenlulo ≥ 25 mm) và đối kháng nấm Fusarium >70%; 1/14 chủng Trichoderma hiện lưu giữ (VACC39) vừa có khả năng phân giải xenlulo (đường kính vòng phân giải xenlulo ≥ 25 mm) và đối kháng nấm Phytophthora >70%. Các chủng Trichoderma này có tiềm năng sử dụng trong sản xuất chế phẩm/phân bón vi sinh vật.

- Tư liệu hóa nguồn gen VSV: Chụp ảnh tế bào của 20 chủng vi sinh vật bằng kính hiển vi điện tử và cập nhập trên trang web (http://bmvisinhvat.blogspot.com).

- Cung cấp, trao đổi thông tin nguồn gen VSV: Cung cấp 11 chủng vi sinh vật trồng trọt cho các đơn vị có nhu cầu; gồm 06 chủng VSV cho xưởng sản xuất thực nghiệm vi sinh vật, Viện TNNH; 05 chủng VSV cho đề tài cấp Bộ; phục vụ nghiên cứu, sản xuất chế phẩm/phân hữu cơ VSV.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17308/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 3851

Về trang trước Về đầu trang