Tin KHCN trong nước
'Đơn đăng ký nhãn hiệu của Việt Nam tăng gần 50% trong 5 năm' (26/04/2022)
-   +   A-   A+   In  

Ông Trần Lê Hồng, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, số đơn đăng ký nhãn hiệu tăng cho thấy doanh nghiệp Việt ngày càng có ý thức hơn trong bảo vệ, phát triển và thương hiệu.

Chia sẻ thông tin về Ngày sở hữu trí tuệ Thế giới (26/4), ông Trần Lê Hồng, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, năm nay Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) chọn chủ đề "Sở hữu trí tuệ và thế hệ trẻ đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn", nhằm tôn vinh những đổi mới và sáng tạo do thanh niên dẫn dắt.

Tại Việt Nam, Chính phủ xác định "sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ làm đòn bẩy thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế xã hội". Nhiều chính sách được xây dựng nhằm khuyến khích các quyền sở hữu trí tuệ ra thị trường để đổi lại lợi nhuận và tăng trưởng trong kinh doanh.

Vải thiều Lục Ngạn được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản năm 2021. Trong ảnh nông dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thu hoạch vải mùa vụ 2020. Ảnh: Giang Huy

Vải thiều Lục Ngạn được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản năm 2021. Trong ảnh nông dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thu hoạch vải mùa vụ 2020. Ảnh: Giang Huy

Ông Hồng dẫn ví dụ từ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, Thông tư 75/2021 đã đưa ra mức ngân sách nhà nước hỗ trợ trong đơn đăng ký bảo hộ trong nước.

Theo đó, đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/đơn; đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu được hỗ trợ 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ. Ngân sách nhà nước cũng hỗ trợ kinh phí triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Các hoạt động tổ chức trưng bày, triển lãm phân biệt sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; xác định, lựa chọn sản phẩm, tra cứu đánh giá sản phẩm được bảo hộ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... cũng nhận được hỗ trợ.

Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng có ý thức hơn trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển và thương hiệu. Năm 2015 có gần 37.300 đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp, nhưng năm 2020 có 55.600 đơn (tăng gần 50% trong vòng 5 năm). Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế cũng tăng gâp đôi, từ 105 đơn lên 269. "Quyền sở hữu trí tuệ là công cụ đắc lực, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sự phát triển của các doanh nghiệp, các chủ thể quyền khác trong nền kinh tế thị trường", ông Hồng nhận định. Riêng năm 2021 có hơn 9.000 đơn sáng chế; 52.926 đơn nhãn hiệu quốc gia và 9.495 đơn nhãn hiệu quốc tế; 11 đơn chỉ dẫn địa lý và 253 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam.

Tuy nhiên một thực tế "có đến 80% doanh nghiệp chỉ chi ra 5% doanh số cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu", ông Hồng cho biết. Nhiều thương hiệu, nhãn hiệu, sản phẩm mới chỉ dừng ở việc đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước, chưa chú trọng ở thị trường nước ngoài. Điều này có thể dẫn đến những rủi ro khi hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, Cục đã xây dựng và phê duyệt giải pháp để giải quyết tình trạng tồn đọng đơn đăng ký nhãn hiệu và đơn đăng ký sáng chế giai đoạn 2021-2025, bắt đầu thực hiện từ 2022. "Hoạt động tra cứu phục vụ thẩm định nội dung được cải thiện để tình trạng tồn đơn nhãn hiệu cơ bản được giải quyết vào năm 2024", ông Hồng cho biết.

 

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 4182

Về trang trước Về đầu trang