Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về hoàn thiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (15/04/2022)
-   +   A-   A+   In  
Sáng nay (15/4), Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2045 (Quy họach Điện VIII). Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị.

Tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, Quy hoạch Điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, cần phải sớm ban hành để làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ nguồn và lưới điện, bảo đảm vững chắc về an ninh cung ứng điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững quốc phòng an ninh của đất nước.

Trên cơ sở tổng kết đánh giá kết quả của Quy hoạch Điện VII, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục cho ý kiến về quá trình triển khai Quy hoạch Điện VIII; tổng nguồn công suất; phân bổ vùng, cơ cấu nguồn điện, hệ thống truyền tải điện... để có phương án phát triển điện lực tối ưu nhất. Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến đóng góp của các địa phương để hoàn thiện thêm một bước dự thảo Quy hoạch Điện VIII, trình Hội đồng thẩm định quốc gia họp, đánh giá, phấn đấu trong tháng 4 sẽ phê duyệt Quy hoạch Điện VIII.

IMG_0615.JPG
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, sau khi thực hiện Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) đã cung cấp điện cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng cải thiện. Quy mô nguồn điện của Việt Nam năm 2020 tăng gần 2 lần so với năm 2015, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN và đứng thứ 23 thế giới. Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) phát triển mạnh, từng bước góp phần vào việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và tăng tính chủ động trong việc cung cấp điện. Đầu tư hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước với gần 100% số hộ dân (99,47%) được cung cấp từ lưới điện quốc gia. Cơ sở hạ tầng điện lực này càng hiện đại, tỷ lệ tổn thất điện năng giảm đáng kể trong giai đoạn 2016-2020, vượt kế hoạch đề ra…. Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 9,6% (riêng năm 2020 chỉ đạt 3,36% do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19). Tính tới cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt các loại hình nguồn điện của hệ thống điện quốc gia đạt 69.342MW. Về phát triển lưới điện, tính đến cuối năm 2020, cả nước có 8.527km đường dây 500kV, 18.477km đường dây 220kV, 37 trạm biến áp 500kV/tổng dung lượng 42.900MVA, 136 trạm biến áp 220kV/tổng dung lượng 67.824MVA. Ngoài ra, có 866 trạm biến áp, 24.318km đường dây 110kV, 360.000km lưới điện trung áp, 350.000km lưới điện hạ áp, đảm bảo cung ứng điện cho 28,94 triệu khách hàng, 100% số xã, 99,47% số hộ dân (99,18% số hộ dân nông thôn). Về phát triển năng lượng tái tạo, có 175 dự án điện mặt trời được phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng công suất 19.126MWp; Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã phê duyệt danh mục nguồn và lưới điện đấu nối cho 11.741 MW/188 dự án điện gió...

IMG_0613.JPG
Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII đề ra các định hướng phát triển điện lực quốc gia như: công suất cực đại năm 2025 đạt khoảng 59.300-61.400 MW; năm 2035 khoảng 114.300-128.800 MW; năm 2045 khoảng 155.000-189.900 MW. Điện thương phẩm, năm 2025 đạt khoảng 335,0-346,6 tỷ kWh; năm 2035 khoảng 651,3-736,9 tỷ kWh; năm 2045 khoảng 886,9-1.101,1 tỷ kWh. Về phát triển nguồn điện, năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện 145.930MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát), trong đó, nhiệt điện than đạt 37.467 MW (25,7%) và giữ nguyên cho tới năm 2045 (9,6%); nguồn điện LNG đạt 23.900 MW (16,4%) và đạt 31.400 MW (14,8%) vào năm 2035 sau đó giữ nguyên đến năm 2045; điện gió trên bờ đạt 16.121 MW (11%) và đạt 55.950MW (14,3%) vào năm 2045; điện gió ngoài khơi đạt 7.000 MW (4,8%) và đạt 66.500 MW (17%) vào năm 2045; điện mặt trời quy mô lớn giữ nguyên như hiện tại là 8.736 MW (6%) và đạt khoảng 76.000 MW (19,4%) vào năm 2045; điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác đạt 1.230MW (0,8%) và đạt 5.210 MW (1,3%) vào năm 2045; thủy điện tích năng và pin lưu trữ đạt 2.450MW (1,7%) và đạt 29.250MW (7,5%) vào năm 2045. Truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc (liên miền) sẽ tăng dần từ giai đoạn 2030 trở đi với sản lượng truyền tải tăng từ 21 tỷ kWh vào năm 2035 tới 40 tỷ kWh vào năm 2040 và khoảng 52 tỷ kWh vào năm 2045.

Đại diện các địa phương đã có nhiều ý kiến liên quan đến việc cập nhật, bổ sung các dự án điện trên địa bàn vào Quy hoạch Điện VIII nhằm đảo bảm hiệu quả đầu tư về kinh tế - xã hội, cũng như quy hoạch chung của địa phương.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, việc thực hiện Quy hoạch điện VII luôn được ngành điện và địa phương quan tâm, tích cực phối hợp giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư phát triển lưới điện. Đến nay, hạ tầng điện lực đã được đầu tư tương đối đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu cấp điện cho các KCN, CCN và các dự án kinh tế trọng điểm trên địa bàn tỉnh, hoàn thành chương trình điện khí hóa nông thôn, thực hiện tốt tiêu chí số 4 về điện tại các xã xây dựng nông thôn mới.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 dự án điện mặt trời nối lưới với tổng công suất 294MW đã xây dựng hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại và 1 dự án thủy điện nhỏ sau đập thủy lợi đã xây dựng hoàn thành và phát điện thương mại. Tính đến nay, tổng công suất nguồn phát điện toàn tỉnh đạt khoảng 4.908MW, chiếm khoảng 7,08% tổng công suất nguồn điện quốc gia (công suất của hệ thống điện quốc gia đạt khoảng 69.300MW); đóng góp cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng điện sản xuất đạt khoảng 33,5 tỷ kWh/năm, chiếm khoảng 13,55% sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu quốc gia. 

Tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch điện VIII đối với 5 dự án điện khí LNG với tổng công suất 17.350MW; xem xét cập nhật, bổ sung có 6 dự án điện gió với tổng công suất 2.063MW; xem xét bổ sung vào quy hoạch điện VIII những những dự án được đánh giá theo tiềm năng, lợi thế của tỉnh; các dự án nguồn điện sinh khối, đồng phát, điện rác; tiếp tục chuyển tiếp vào Quy hoạch điện VIII đối với các dự án lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII đang được ngành điện triển khai thủ tục đầu tư; xem xét việc bố trí quỹ đất cho công trình nguồn và lưới điện (tên dự án, vị trí các dự án nguồn điện, trạm biến áp và đường dây truyền tải kèm theo hướng tuyến tổng thể; nhu cầu sử dụng đất, chiều rộng hành lang kỹ thuật các tuyến đường dây truyền tải (220kV và 500kV)…) để địa phương có cơ sở rà soát, cập nhật, tích hợp vào phương án phát triển hạ tầng mạng lưới cấp điện của Quy hoạch tỉnh, gắn với việc bố trí quỹ đất, hành lang kỹ thuật trong quá trình lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất...

 

Nguồn: baria-vungtau.gov.vn

Số lượt đọc: 302

Về trang trước Về đầu trang