Tin KHCN trong nước
Thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ ở địa phương (05/05/2022)
-   +   A-   A+   In  
Đến nay, đã có 26 tỉnh/thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ theo cách riêng hoặc lồng ghép nội dung sở hữu trí tuệ trong quy hoạch, kế hoạch, chương trình, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực ở địa phương.

Sở hữu trí tuệ đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới.

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, quốc tế, Việt Nam đã ban hành Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 kèm theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, lồng ghép sở hữu trí tuệ trong từng lĩnh vực kinh tế-xã hội nhằm xây dựng và phát triển một số ngành kinh tế sử dụng tài sản trí tuệ. Quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ đóng vai trò dẫn dắt quá trình thực hiện mục tiêu đó.

Hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại địa phương ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh, người dân... nhằm nâng cao giá trị tài sản trí tuệ và sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa trên thị trường. Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đến nay, đã có 42 tỉnh, thành phố ban hành các cơ chế, chính sách phát triển tài sản trí tuệ dưới các hình thức khác nhau.

Trong năm 2021, đã có 159 dự án được các địa phương triển khai thực hiện với 15 sáng chế, giải pháp hữu ích được hỗ trợ bảo hộ, khai thác, 205 sản phẩm đặc thù địa phương được hỗ trợ bảo hộ, quản lý quyền sở hữu công nghiệp, 18 tổ chức tập thể được thành lập để quản lý tài sản trí tuệ cộng đồng, 7.131 lượt người được tập huấn, đào tạo về sở hữu trí tuệ, 1178 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ về sở hữu trí tuệ, 160 lượt phát sóng truyền hình tuyên truyền về sở hữu trí tuệ.

Ảnh minh hoạ

Báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện nhiều địa phương có nhu cầu tiếp tục được Cục Sở hữu trí tuệ hướng dẫn, hỗ trợ trong hoạt động đăng ký xác lập quyền trong và ngoài nước, quản lý và khai thác các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận dùng cho các đặc sản địa phương; hỗ trợ địa phương tham gia thực hiện các dự án trong Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020.

Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở cả trung ương và địa phương đã đạt được kết quả tích cực.

Việc xây dựng chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ tập trung và hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ ba vào tháng 5/2022. Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã tham gia góp ý đối với dự thảo của 35 văn bản pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ; công tác hướng dẫn thi hành và giải đáp các vấn đề liên quan đến áp dụng pháp luật về sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân.

Đặc biệt, năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ đã tham gia Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); góp ý kiến về sở hữu trí tuệ để chuẩn bị cho Phiên họp Ủy ban các Hiệp định thương mại khu vực của WTO; thông báo cho Ban Thư ký WTO về các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ mới theo quy định của Hiệp định TRIPS (Các hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ).

Để triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, ông Nguyễn Văn Bảy cho biết, năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ; thảo luận với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về Kế hoạch hợp tác triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ; tiếp tục hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai các nhiệm vụ.

Đến nay, đã có 26 tỉnh/thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ theo cách riêng hoặc lồng ghép nội dung sở hữu trí tuệ trong quy hoạch, kế hoạch, chương trình, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực ở địa phương.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 4129

Về trang trước Về đầu trang