Tin KHCN trong nước
Doanh nghiệp KHCN cần nắm vững quy định để tận dụng các lợi thế từ cơ chế chính sách (17/05/2022)
-   +   A-   A+   In  
Các doanh nghiệp khoa học công nghệ cần phải nắm rõ thông tin thay đổi, biết rõ các quy định pháp luật, nắm vững các điều ước quốc tế, các quy định mới về sở hữu trí tuệ trong các FTA thế hệ mới để tận dụng các lợi thế từ các cơ chế chính sách...

Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm đã tác động tiêu cực đến mọi ngành, mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, đại dịch cũng là nhân tố thúc đẩy kinh tế số phát triển. Kinh tế số giúp kết nối doanh nghiệp, tối ưu nguồn lực, tiết kiệm chi phí, loại bỏ các khâu trung gian. Kinh tế số làm thay đổi mạnh mẽ sự phát triển của nhân loại.

Ngày 27/9/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mục tiêu tổng quát tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số, phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao...

Trong bối cảnh này, cộng đồng doanh nghiệp khoa học công nghệ hiện nay vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Theo đó, chuyên gia này đề xuất Bộ KH&CN rút bớt một số thủ tục hành chính không cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi lẽ, hiện nay tuổi thọ của sản phẩm khoa học công nghệ rất ngắn, nếu phải thực hiện đầy đủ các thủ tục sẽ mất nhiều thời gian, đến khi ra mắt được sản phẩm thì đã bị lỗi thời. Bộ KH&CN cũng cần nghiên cứu về tín dụng, đầu tư mạo hiểm của Mỹ để hỗ trợ các dự án tiềm năng phát triển trong tương lai.

Ảnh minh hoạ

Nói thêm về các giải pháp, ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM cho rằng, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần tra cứu thông tin sở hữu trí tuệ để định hướng, nghiên cứu phát triển sản phẩm, quyết định đầu tư khởi nghiệp.

Để xây dựng và phát triển thương hiệu, tạo ra sự phát triển đột phá và bền vững, ông Khuê gợi ý doanh nghiệp cần tạo nên sự khác biệt độc đáo, đáp ứng các giá trị cốt lõi của sản phẩm và thương hiệu. Doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khoa học công nghệ cần phải nắm rõ thông tin thay đổi, biết rõ các quy định pháp luật, nắm vững các điều ước quốc tế, các quy định mới về sở hữu trí tuệ trong các FTA thế hệ mới để tận dụng các lợi thế từ các cơ chế chính sách, từ đó biến thành nguồn lực của doanh nghiệp.

Để bắt kịp với xu thế của thời đại, doanh nghiệp cần lưu tâm đến vấn đề hội nhập, thị trường các nước có tiềm năng, chủ động tìm hiểu thông tin qua VCCI, các hiệp hội hoặc các cơ quan, ban, ngành để có đầy đủ thông tin về FTA, cũng như thông tin về thị trường.

"Trong bối cảnh hội nhập, khoa học công nghệ, tri thức, tài sản trí tuệ của thế giới rất nhiều, doanh nghiệp phải biết tận dụng các cơ hội từ FTA để đứng trên vai “người khổng lồ”, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Khuê nhấn mạnh.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 4210

Về trang trước Về đầu trang