Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu quản lý màu trong sản phẩm in chất lượng cao và đề xuất ứng dụng trong thực tế (18/01/2022)
-   +   A-   A+   In  
Trong quá trình sản xuất in, màu sắc ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm. Nhưng quá trình kiểm soát màu tại thực tế các cơ sở in chưa được đầu tư nên sản phẩm màu in ra phụ thuộc rất nhiều vào người thợ. Người thợ cảm nhận, dự đoán và điều chỉnh quá trình sản xuất dựa vào kinh nghiệm của mình để hoàn thành sản phẩm. Nên đến công đoạn ra sản phẩm, chúng ta mới biết được màu của sản phẩm có được phục chế tốt không.

Quản lý màu cho phép người dùng kiểm soát và điều chỉnh màu khi hình ảnh được thể hiện trên các thiết bị và phương tiện truyền thông khác nhau. Quá trình này là một quá trình khoa học được phân tích từ các yếu tố tạo nên màu, đến những thiết bị phục chế được màu.

Việc đưa ra một quy trình chuẩn cho việc quản lý màu là một công đoạn rất cần thiết cho sản xuất in, giảm thiểu được việc sai màu, giảm thiểu được việc sản xuất phụ thuộc vào con người. Với mong muốn chúng ta biết được chúng ta đang làm gì bằng cách nhìn thực tế sản phẩm trước khi đưa vào dây truyền sản xuất hàng loạt; chúng ta nên trang bị kiến thức, nên đầu tư thiết bị để có thể kiểm soát tốt giá trị màu của sản phẩm.

Trong quá trình làm đề tài, chúng tôi đã khảo sát các doanh nghiệp in. Tất cả các doanh nghiệp đều có sai hỏng về màu sản phẩm, phải căn chỉnh lại trong quá trình sản xuất. Có những sai hỏng về màu có thể khắc phục được bằng cách căn chỉnh trên máy in (là khâu cuối cùng trước khi ra tờ in), nhưng cũng có những sai hỏng về màu mà khi ra sản phẩm không thể khắc phục được, phải tiến hành sản xuất lại từ những công đoạn đầu, mất rất nhiều công sức, chi phí và thời gian. Chính vì điều này, nhóm chúng tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu để đưa ra phương pháp chuẩn hóa quá trình quản lý màu, cũng như đưa ra một trường hợp thực tế, được khảo sát để áp dụng vào thực tế sản xuất.

Việc đưa ra một quy trình chuẩn cho quản lý màu cũng giúp cho người sản xuất, người nghiên cứu và cả chương trình giáo dục cũng được hoàn thiện dễ dàng đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế. Việc đưa được quản lý màu vào quá trình sản xuất là một bước tiến đáng kể trong ngành công nghiệp in, sẽ cho ra sản phẩm có độ chính xác về màu rất cao, và đó là mong muốn của các doanh nghiệp in. Nhưng do việc đầu tư vào quá trình này khá cao, nêu hầu như các doanh nghiệp chỉ đầu tư được phần nào đó trong quá trình quản lý màu như máy đo màu, màn hình máy tính. Nên khi thay đổi điều kiện sản xuất như thay đổi giấy in là màu sắc của sản phẩm cũng dễ bị thay đổi. Để ổn định màu sắc, để sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng cao thì điều cần thiết là quản lý màu. Đề tài Nghiên cứu quản lý màu trong sản phẩm in chất lượng cao và đề xuất ứng dụng thực tế”, do Cơ quan chủ trì Trường Cao Đẳng Công nghiệp in cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Phạm Thị Phương Anh thực hiện với mục tiêu xây dựng được quy trình chuẩn của quá trình quản lý màu và ứng dụng được đề tài vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp.

Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong đề tài là phương pháp nghiên cứu lý luận, phương pháp nghiên cứu thực tiễn thông qua quá trình điều tra, tổng hợp, thống kê, kế thừa và phân tích số liệu, thu thập thông tin để đưa ra phương án xử lý màu tiêu chuẩn cho sản phẩm in chất lượng cao và dựa vào đó để đề xuất phương án phù hợp nhất với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

Đề tài đã hoàn thành các yêu cầu chính khi đăng ký đề tài, đưa ra quy trình để quản lý màu và đã đưa ra đề xuất thực tế dựa trên phiếu khảo sát. Do dựa vào tình hình thực tế của doanh nghiệp, và cũng do điều kiện nhà trường không đủ thiết bị, và không có phần mềm để sử dụng nên đề tài mới đưa ra được một trường hợp: sử dụng giấy Couche định lượng 150g/m2, mực Impression của hãng Huber, sử dụng tiêu chuẩn Fogra 51; và đã tiến hành in được sản trên máy in thử và in Offset. Quá trình kiểm tra đạt yêu cầu, nên phương án giấy Couche định lượng 150g/m2, độ trắng của giấy L= 95, a=1,5, b= -6 có thể sử dụng tiêu chuẩn Fogra51 để in đạt chất lượng cao.

Ý nghĩa khoa học của đề tài: Đối với nhà trường: Là một cơ sở giáo dục phục vụ cho ngành in, nên những vấn đề gặp phải của doanh nghiệp thì nhà trường cũng mong muốn đưa ra những giải pháp tối ưu để tránh những rủi ro có thể xảy ra ở doanh nghiệp. Giảm thiểu sự cố cho doanh nghiệp, đó cũng là một trong những thành công của nhà trường. Đối với nhà giáo giảng dạy, đào tạo nghề in: Làm cở sở để thiết kế nội dung bài giảng khi giảng về màu sắc, quản lý màu trong sản phẩm in. Đối với doanh nghiệp: Khi hiểu về quy trình tiêu chuẩn có trong quá trình quản lý màu, doanh nghiệp sẽ đầu tư được trang thiết bị phục vụ cho quá trình kiểm soát màu một cách tốt nhất, phù hợp với khả năng tài chính và nguồn nhân lực của doanh nghiệp.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17001/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.

 

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 4323

Về trang trước Về đầu trang