Tin KHCN trong nước
Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022: Đổi mới để ngày một uy tín hơn (28/04/2022)
-   +   A-   A+   In  
Những băn khoăn tranh luận của cộng đồng khoa học Việt Nam về Giải thưởng Tạ Quang Bửu sau tám năm tồn tại cho thấy, để ngày một trở nên uy tín hơn, không thể không có những đổi mới về tiêu chí xét chọn giải thưởng.

Có lẽ, không ai còn băn khoăn về một giải thưởng dành cho khoa học cơ bản ở Việt Nam như giải thưởng Tạ Quang Bửu nữa. “Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng đã được cộng đồng khoa học Việt Nam thừa nhận rộng rãi. Uy tín mà giải thưởng đã có được là dựa trên một quá trình chọn lọc rất chặt chẽ và nghiêm túc. Cho đến giờ, các hội đồng khoa học chuyên ngành cũng duy trì được quá trình đánh giá rất nghiêm túc ngay từ vòng xét chọn đầu tiên”, giáo sư Hồ Tú Bảo (Phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán), nhận xét với Khoa học và phát triển bên lề phiên họp đánh giá hồ sơ đề cử giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022, diễn ra vào ngày 23/4 vừa qua.
 
Vào năm 2018, trong một bài viết nhân dịp trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho ba nhà khoa học TS. Trần Đình Phong, PGS. TS Nguyễn Văn Hùng và TS. Đỗ Quốc Tuấn, giáo sư Pierre Darriulat đã nhấn mạnh vào ý nghĩa của giải thưởng này “Giải thưởng Tạ Quang Bửu rất đáng quý vì đã đem lại sự công nhận cho những công trình của các nhà khoa học đặc biệt xứng đáng, đồng thời khích lệ họ quyết tâm theo đuổi nỗ lực của mình. Giải thưởng còn tạo nên những tấm gương cho toàn bộ cộng đồng khoa học trong nước”.
 
Phòng thí nghiệm Công nghệ Nano - Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN. Ảnh: Bùi Tuần/ĐHQGHN
 
Một lần nữa, trong buổi họp đánh giá hồ sơ đề cử giải thưởng năm 2022, vấn đề ý nghĩa giải thưởng lại được các thành viên hội đồng nhắc đến như một mục tiêu quan trọng bởi bất cứ thay đổi nào về mặt tiêu chí hay cách thức xét chọn các ứng viên cũng nhằm đến cái cuối cùng đích này.
 
Có nên theo sát các tiêu chí định lượng?
 
Thật thú vị là câu chuyện “gẫu” trước giờ họp giữa các thành viên hội đồng giải thưởng trước khi phiên họp chính thức bắt đầu cũng xoay quanh vấn đề công bố và chất lượng công bố khoa học. Giáo sư Phan Tuấn Nghĩa, một thành viên của Hội đồng ngành y sinh dược học Quỹ NAFOSTED, đưa ra một nhận xét thú vị với các đồng nghiệp: người ta thường nói, các nhà khoa học thường làm việc theo những khuôn mẫu nhất định nhưng những nhà khoa học lớn thì thường thích “phá cách”. Ví dụ, những nhà khoa học đó thường có những suy nghĩ vượt ngoài khuôn khổ và khi công bố không nhất thiết lúc nào cũng trên các tạp chí hàng đầu. Có thể họ chỉ công bố trên các tạp chí có hệ số ảnh hưởng ở mức bình thường và không ai đánh giá là công trình của họ dở cả.
 
Có lẽ, những “nghịch lý” thú vị trong nghiên cứu khoa học như vậy cho thấy, trong các cộng đồng khoa học, dù trong nước hay quốc tế, thì việc đánh giá các công trình nghiên cứu không phải là việc dễ dàng và không phải lúc nào cũng có thể áp dụng những tiêu chí cứng “nhất thành bất biến” làm cơ sở phân định, ngay cả việc đánh giá lựa chọn các công trình xuất sắc cho một giải thưởng như Giải thưởng Tạ Quang Bửu cũng vậy.
 
Theo thời gian, quá trình lựa chọn hồ sơ cũng ngày một khó khăn hơn hơn bởi trong một vài năm gần đây, khi các hồ sơ ứng cử đã nhiều lên và chất lượng các công trình đều ở mức gần tương đương nhau. Đơn cử trong năm 2022, Quỹ NAFOSTED, đơn vị thường trực Giải thưởng Tạ Quang Bửu, đã nhận được tổng số 48 hồ sơ trong 8 ngành thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kỹ thuật, trong đó ngành Vật lý là ngành có nhiều hồ sơ đăng ký nhất với 17 hồ sơ. Do đó, việc lựa chọn được một công trình xứng đáng trong thế so kè với những công trình khác khiến các thành viên hội đồng buộc phải cân nhắc nhiều hơn.
 
Hiện tại, việc đánh giá và xét chọn các hồ sơ ứng cử vẫn được áp dụng theo Thông tư 01/2015/TT-BKHCN quy định quy chế Giải thưởng Tạ Quang Bửu, giáo sư Nguyễn Hải Nam (Đại học Dược HN), Chủ tịch Hội đồng giải thưởng, cho biết như vậy tại phiên họp ngày 23/4. Theo thông tư này, tiêu chí đánh giá đối với công trình khoa học được xét tặng giải thưởng bao gồm 1/ ý nghĩa, giá trị khoa học của công trình; 2/ chất lượng của tạp chí khoa học đăng tải công trình, được xác định thông qua chỉ số tác động và các xếp hạng quốc tế tại thời điểm công bố công trình. “Đây là hai tiêu chí mang tính định tính và định lượng một sản phẩm khoa học mà quốc tế vẫn thường áp dụng khi đánh giá chung. Tuy nhiên, tôi cho rằng, với một giải thưởng lớn tầm cỡ quốc gia thì không phải bao giờ yếu tố định lượng với những chỉ số cụ thể cũng có thể giúp hội đồng xét giải tìm ra được công trình xứng đáng. Chúng ta có thể bị các con số ‘đánh lừa’”, một nhà nghiên cứu kỳ cựu tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, nói với KH&PT khi nhận xét về các ứng viên giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2021.
 
Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi việc cũng hoàn hảo để các thành viên Hội đồng khoa học chuyên ngành cũng như Hội đồng giải thưởng có thể chọn được ra một hồ sơ đáp ứng được cả hai tiêu chí này một lúc. Do vậy vào năm 2021, do những tranh luận trong Hội đồng giải thưởng về chất lượng công trình đi kèm với các chỉ số trắc lượng khoa học mà cuối cùng, không có công trình nào được trao giải. “Quy tắc cơ bản là các thành viên của hội đồng giải thưởng không nên bị trói buộc bởi những quy định cứng nhắc. Cụ thể, họ là những nhà khoa học chứ không phải là nhân viên kế toán: khi đánh giá một công trình khoa học, họ không nên được yêu cầu phải dựa trên những tiêu chí cố định”, giáo sư Pierre Darriulat nêu ý kiến của mình trong bài viết “Ý nghĩa giải thưởng khoa học” trên Tia Sáng.
 
Tiêu chí nào hoàn hảo?
 
Sau một năm không trao giải thưởng, những lo ngại về một sự lặp lại về việc áp dụng cứng nhắc tiêu chí đã dấy lên. Tuy nhiên trong phiên họp đánh giá hồ sơ, giáo sư Nguyễn Hải Nam đã cởi bỏ những lo ngại này bằng một quan điểm quyết liệt. “Hội đồng đã thống nhất là khi đánh giá, các chỉ số định lượng của tạp chí xuất bản công trình chỉ mang tính chất tham khảo, quan trọng nhất là giá trị và chất lượng khoa học”, ông nói. “Nếu như chỉ dựa vào các chỉ số trắc lượng khoa học để xét giải thì chúng ta không cần đến hội đồng khoa học nữa”.
 
Có lẽ, để đi đến quyết định này, các thành viên Hội đồng giải thưởng đã phải thảo luận với nhau rất nhiều trên cơ sở tham khảo rộng rãi ý kiến của các đồng nghiệp. “Dựa vào thực tế hiện nay, các nhà khoa học đều nhận thấy, có những công trình khoa học có chỉ số trắc lượng cao nhưng lại chưa hẳn xuất sắc hoặc ngược lại”, giáo sư Nguyễn Hải Nam nêu lý do để đi đến quyết định mới. Quan điểm này đã nhận được sự đồng tình của giáo sư Hồ Tú Bảo “Trong thời gian vừa rồi, cũng có một số ý kiến nêu ra là cần phải nâng cao hiệu quả chất lượng giải thưởng bởi mình đã đặt một số tiêu chí xét chọn ra từ 7, 8 năm trước trong khi khoa học tiến rất nhanh. Do đó, sau một thời gian, chúng ta đã nhìn thấy ưu điểm của giải thưởng và cũng thấy một số điểm có thể thay đổi ở tiêu chí giải thưởng”.
 
Khi việc đánh giá và xét chọn các hồ sơ ứng cử dựa vào ý nghĩa và giá trị khoa học thì “quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc rất nhiều, thậm chí là chủ yếu, vào chính hội đồng khoa học”, giáo sư Nguyễn Hải Nam cho biết. Vậy quy trình hiện nay đã đủ tốt? Khi nhìn nhận lại quy trình xét chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu, có thể thấy khâu sàng lọc đều được công nhận là chặt chẽ và nghiêm cẩn khi trải qua các bước là các hội đồng khoa học ngành và hội đồng giải thưởng. “Gồm 9 thành viên đều là những người nghiên cứu nhiều kinh nghiệm, Hội đồng khoa học ngành đã có những trao đổi hết sức công tâm, coi cơ sở chất lượng khoa học là yếu tố quan trọng nhất. Tôi cho rằng, với số lượng hồ sơ hiện nay thì quy trình hai bước này rất hợp lý vì khi xem xét công trình đúng lĩnh vực của mình thì các thành viên sẽ có nhận xét sâu sắc hơn”, ông nói.
 
Tuy nhiên, điều khiến Hội đồng giải thưởng còn cảm thấy chưa hoàn hảo chính là ở khâu đề cử, vốn vẫn còn cho là bỏ sót một số công trình có giá trị khoa học cao. Theo quy định của giải thưởng, các cá nhân, các tổ chức nghiên cứu khoa học và các hội đồng khoa học ngành đều có thể tự ứng cử và đề cử. “Tôi nghĩ, việc đề cử nhà khoa học không vì vấn đề cá nhân như một số người vẫn nghĩ mà là vì sự phát triển chung của KH&CN đất nước. Những người làm khoa học có thể không màng danh hiệu nhưng việc tham gia giải thưởng để khích lệ những người khác, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, có động lực nghiên cứu”, giáo sư Nguyễn Hải Nam nhận xét và cho rằng, điều quan trọng là làm thế nào để các tổ chức nghiên cứu tích cực giới thiệu các công trình khoa học nhiều hơn.
 
Năm 2022, số hồ sơ được các tổ chức, đề cử tham gia Giải thưởng là 18 hồ sơ, chiếm 37,5% tổng số hồ sơ đăng ký. “Năm nay, số lượng các công trình do cơ sở gửi đến còn ít, dưới 50% thôi. Tôi mong vào những năm sau, các cơ sở nghiên cứu có những công trình nghiên cứu xuất sắc tích cực hơn trong việc đề xuất để chúng ta có thêm thật nhiều hồ sơ ứng cử, qua đó chúng ta có được nhiều cơ hội lựa chọn thêm những hồ sơ tốt”, ông nói.
 
Có cần sửa đổi thêm?
 
Những sửa đổi về quy chế, có lẽ, không chỉ dừng ở tiêu chí lựa chọn và đề cử hồ sơ ứng cử giải thưởng. “Nếu chúng ta xem xét có gì cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới thì nên điều chỉnh, ví dụ một số điểm có thể thay đổi ở tiêu chí giải thưởng, ví dụ như tăng số lượng giải trẻ lên hay xét lại tiêu chí giải trẻ để vừa có giải chất lượng cao, vừa khuyến khích được nhiều nhà nghiên cứu trẻ”, giáo sư Hồ Tú Bảo nhận xét.
Đó không chỉ là quan điểm của Hội đồng giải thưởng năm 2022 mà Hội đồng một vài năm trước đã từng nghĩ đến khía cạnh này. Bên lề phiên họp đánh giá hồ sơ đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2021, giáo sư Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng, cho rằng, “Việt Nam cần quan tâm hơn đến các nhà khoa học trẻ bởi họ mới là thế hệ tương lai quyết định sự phát triển lâu dài của khoa học Việt Nam và đối với họ, được công nhận thông qua giải thưởng rất quan trọng”. Với suy nghĩ như vậy, giáo sư Ngô Việt Trung nói, ông và các thành viên khác mong muốn “đề nghị với Bộ KH&CN sao cho mỗi ngành có một giải thưởng trẻ và người nhận được giải thưởng trẻ sẽ là nhà khoa học tiêu biểu cho chuyên ngành của mình”.
Nếu việc trao giải thưởng Tạ Quang Bửu trẻ áp dụng theo đề xuất này thì hiệu quả của nó không chỉ giúp khuyến khích các nhà khoa học ở giai đoạn đầu sự nghiệp nỗ lực lao động nhiều hơn trên con đường khoa học mà còn giúp các thành viên hội đồng thoát khỏi sự bất bình đẳng trong đánh giá, giáo sư Ngô Việt Trung phân tích. “Việc so sánh một nhà vật lý hay toán học trẻ với một đồng nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp trẻ rất khập khiễng. Việc so sánh như vậy nếu chỉ dựa theo tiêu chí chất lượng công bố thì cũng có sự bất bình đẳng trong đó”, ông nói. Đây là lý do mà theo giáo sư Ngô Việt Trung “đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại cơ cấu giải thưởng và xem lại quy định chung” để tạo cơ hội phát triển mới cho khoa học Việt Nam.
 
Các công trình được đề cử giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022
 
Ba đề cử giải thưởng chính
 
1. GS.TSKH Ngô Việt Trung (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) với công trình “Depth functions of symbolic powers of homogeneous ideals” xuất bản trên tạp chí Inventiones Mathematicae.
 
Công trình này nghiên cứu một bất biến rất cơ bản đối với một đối tượng rất quan trọng nhưng lại khó nghiên cứu trong đại số giao hoán và hình học đại số.
 
2. PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu (ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) với công trình “Tailoring the Hard−Soft Interface with Dynamic Diels−Alder Linkages in Polyurethanes: Toward Superior Mechanical Properties and Healability at Mild Temperature” xuất bản trên tạp chí Chemistry of Materials năm 2019.
 
Công trình của PGS. TS Nguyễn Thị Lệ Thu triển khai theo một hướng rất hay là phát triển tính năng tự lành (self healing) và nâng cấp cơ tính của PU composite theo cơ chế D-A. Vật liệu PU khá bền và rẻ, có thể tổng hợp từ nhiều nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng như dầu cọ, dầu ăn… nên tốt cho môi trường. Có thể nói, đây là bài tiên phong trong xu hướng vật liệu PU composites tự lành, một hướng rất có tiềm năng ở Việt Nam. Có lẽ bài hoàn toàn từ trong nước nên chưa được quan tâm đúng mức nhưng tôi nghĩ, lượng trích dẫn sắp tới sẽ còn tăng nhiều”. (TS. Nguyễn Thanh Sơn (Viện Nghiên cứu Công nghệ quốc gia, Kushiro College, Kushiro, Nhật Bản).
 
Công trình đã được trích dẫn 40 lần (bởi hầu hết là các bài báo đăng trên tạp chí Q1 và sách chuyên ngành của nhà xuất bản Springer và Elsevier). Đặc biệt, công trình của nhóm nghiên cứu được thực hiện hoàn toàn ở Việt Nam, với toàn bộ tác giả là người Việt Nam.
 
3. PGS. TS. Phạm Quang Thái (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) “The First 100 Days of Severe Acute Respiratory Syndrome Coronavirus 2 (SARS-CoV-2) Control in Vietnam” trên tạp chí Clinical Infectious Diseases năm 2021.
 
Công trình khái quát hóa quá trình kiểm soát dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra tại Việt Nam trong đó tổng kết được bài học kinh nghiệm trong chống dịch tại Việt Nam, bao gồm các biện pháp chỉ đạo từ chính phủ cho tới hoạt động cụ thể của các tuyến từ đó giúp xác định giá trị của các biện pháp can thiệp.
 
* Hai đề cử giải thưởng trẻ:
 
1. TS. Đoàn Lê Hoàng Tân (Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử - ĐHQG TP.HCM) với công trình “Microwave-assisted synthesis of nano Hf-and Zr-based metal-organic frameworks for enhancement of curcumin adsorption” trên tạp chí Microporous and Mesoporous Materials.
 
Chủ đề nghiên cứu của công trình này liên quan đến tổng hợp vật liệu xốp tiên tiến - vật liệu khung hữu cơ kim loại MOF - có khả năng lưu trữ/nhả dược chất kháng ung thư Curcumin nhằm xử lý tế bào ung thư. Để đáp ứng yêu cầu của vật liệu nano chứa thuốc, TS. Đoàn Lê Hoàng Tân và cộng sự đã tạo ra một hệ vật liệu có độ tương thích sinh học, phân hủy sinh học, xốp, đạt yêu cầu về lưu trữ và dẫn truyền thuốc.
 
Từ năm 5/2020 đến nay, công trình được trích dẫn 35 lần theo WoS (hoặc 43 theo Google Scholar) bởi các công bố khoa học khác (8 tự trích dẫn).
 
2. TS. Trần Tiến Anh (Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ, ĐH Hàng hải Việt Nam) với công trình “Effect of ship loading on marine diesel engine fuel consumption for bulk carriers based on the fuzzy clustering method” xuất bản trên tạp chí Ocean Engineering.
 
Điểm mới trong công trình nghiên cứu này là đạt được sự kết hợp độc đáo giữa lý thuyết với thực nghiệm trong quá trình nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật điều khiển thông minh vào lĩnh vực hàng hải và khai thác tàu biển. Công trình có tính sáng tạo về công nghệ, đạt tính liên ngành cao giữa Cơ học – Cơ khí – Hàng hải – Vận trù (Logistics) – Điều khiển. Công trình được công bố trên tạp chí có uy tín, chất lượng tốt, có chuyên ngành phù hợp; đã được nhiều công bố trên các tạp chí uy tín trích dẫn theo hướng đánh giá rất tích cực.

 

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Số lượt đọc: 4691

Về trang trước Về đầu trang