Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - SOI ĐƯỜNG CHO NHÂN DÂN TA GIÀNH THẮNG LỢI TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (25/04/2022)
-   +   A-   A+   In  

Vài nét khái quát về bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tập tài liệu “tuyệt đối bí mật” - sau này, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng gọi theo đúng nghĩa của nó là Di chúc, được Bác viết vào những ngày kỷ niệm Sinh nhật của Người, từ năm 1965 đến 1969.

 

Vài nét khái quát về bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tập tài liệu “tuyệt đối bí mật” - sau này, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng gọi theo đúng nghĩa của nó là Di chúc, được Bác viết vào những ngày kỷ niệm Sinh nhật của Người, từ năm 1965 đến 1969. Trong đó, từ ngày 10 đến 15-5-1965, mỗi ngày Người dành 1 đến 2 giờ để viết và đã hoàn thành bản thảo Di chúc đầu tiên gồm 3 trang đánh máy ở cuối đề ngày 15-5-1965; năm 1966 bổ sung một câu vào phần nói về Đảng “Phải có tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau”; năm 1967 thì xem lại nhưng không bổ sung; năm 1968 đã bổ sung thêm 6 trang viết tay, gồm một số đoạn nói về việc riêng, về một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi; ngày 10-5-1969 đã viết lại toàn bộ phần mở đầu Di chúc, gồm 1 trang viết tay.

 

Sau khi Bác mất, Hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp chiều ngày 3-9-1969 đã giao Bộ Chính trị chịu trách nhiệm công bố Di chúc của Bác.
Di chúc gồm nhiều nội dung, trong đó có nội dung về cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Bác viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!

Dù khó khăn, gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà” [14; tr.39].

Những dự báo về cuộc kháng chiến chống Mỹ trong bản Di chúc 

Trong lúc nhân dân ta đang giành thắng lợi liên tiếp trên khắp chiến trường miền Nam, đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, Bác đã viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa”[14; tr.14], bởi lúc này tiềm lực kinh tế, quốc phòng của Mỹ còn rất mạnh; lợi ích chiến lược toàn cầu và khu vực Đông Nam Á là rất lớn; nhất là để cứu vãn nguy cơ thất bại hoàn toàn trên chiến trường miền Nam của Mỹ.

Năm 1965, Mỹ đã thay đổi chiến lược chiến tranh, từ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” sang chiến lược  “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Mục tiêu bao trùm là triển khai lực lượng lớn từ Mỹ sang, phản công tiêu diệt chủ lực Quân giải phòng miền Nam, leo thang đánh phá miền Bắc, buộc chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải thương lượng theo điều kiện của Mỹ. Để thực hiện mục tiêu này, Mỹ đã đưa một lực lượng quân tinh nhuệ, đông đảo gồm lính Mỹ và các nước đồng mình của Mỹ vào miền Nam Việt Nam lên đến 206.451 người, trong đó có 184.314 lính Mỹ [16; tr.30], năm 1964 mới chỉ 26 nghìn người [16; tr.137], năm 1969  tăng lên 543.400 lính [16; tr.136], nhiều vũ khí tối tân, như lần đầu tiên Mỹ sử dụng một tàu sân bay bằng năng lượng nguyên tử [16; tr.136] tham gia chiến tranh, đổ nhiều ngân sách chi phí cho chiến tranh, năm 1969 chiến tranh đã ngốn 1/3 tổng chi phí quân sự của Mỹ và chiếm khoảng 3% tổng sản phẩm quốc dân, chi phí của Mỹ cho toàn toàn bộ cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã lên đến hàng trăm tỷ USD [16; tr.143] và ráo riết tiến hành các hoạt động quân sự với mức độ ngày càng ác liệt, tháng 8-1965, quân viễn chinh Mỹ mở cuộc hành quân “tìm diệt” tấn công đơn vị quân giải phóng ở Vạn Tường - Quảng Ngãi, tiếp đó Mỹ mở liền hai cuộc phản công chiến lược trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 (Khí hậu miền Nam có hai mùa trong năm: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng tư năm sau, theo dương lịch) bằng hàng loạt các cuộc hành quân vào “đất thánh Việt cộng” (Từ của Mỹ và chính quyền Sài Gòn gọi vùng đất do cách mạng nắm giữ); tiếp theo sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 5-8-1964, lấy cớ “trả đũa” cuộc tấn công của quân giải phóng vào Plâyku, ngày 7-2-1965 chúng ồ ạt ném bom bắn phá miền Bắc, chính thức tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với nước ta. 

Năm 1969, để thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” nhằm bám giữ miền Nam Việt Nam, Mỹ đã phát triển, hiện đại hóa quân đội, trong gần 4 năm 1969-1972, số quân chủ lực, quân địa phương từ 70 lên 110 vạn, lực lượng bán vũ trang từ 150 lên 200 vạn người [16; tr.280], lực lượng quân đội Sài Gòn là lực lượng quân đội đông nhất trong số các đồng minh của Mỹ. Tăng khối lượng vũ khí, đạn dược phương tiện chiến tranh, đến năm 1972, quân đôi Sài Gòn đã có 110 máy bay chiến đấu các loại, 1.897 xe tăng và xe thiết giáp, 1.300 khẩu pháo, 1.600 tàu chiến [16; tr.280]. Mở các cuộc hành quân phản kích hòng đẩy lực lượng của ta ra xa vùng thành thị, nông thôn, dùng khối lượng bom đạn gấp 2 lần trước đây để đánh phá, hủy diệt các vùng giải phóng, vùng căn cứ, hệ thống kho tàng, hành lang tiếp tế, tuyến vận tải chiến lược 559. Vì vậy, kháng chiến của nhân dân ta không thể giành thắng lợi trong thời gian ngắn được.

Để chống lại cuộc chiến tranh của Mỹ, “Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người” [15; tr.14], bởi vì nhân dân ta phải dồn hết sức người, sức của để chống lại các hoạt động quân sự tàn ác của đế quốc Mỹ.

Nhân dân miền Nam đã thực hiện quyết tâm “không buông vũ khí khi những mục tiêu độc lập, dân chủ, hòa bình… chưa thực hiện được”[14; tr.12]. Vì vậy quân dân miền Nam đẩy mạnh tiến công liên tục, rộng khắp với quy mô ngày càng lớn trên phương diện quân sự, chính trị và binh vận; vừa đánh vừa chuẩn bị tiềm lực mọi mặt; xây dựng và củng cố thế trận, xây dựng và mở rộng căn cứ, làng, xã, ấp chiến đấu… chuẩn bị trực tiếp cho những đòn tiến công quyết định.

Năm 1964-1968, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất gây cho miền Bắc những thiệt hại năng nề. Theo các tài liệu của Mỹ mới công bố, năm 1966, các chiến dịch đánh phá của máy bay Mỹ đã phá hủy 8.304 tòa nhà, năm 1967 con số đó là 3.947 (chỉ tính tòa nhà xây dựng nhiều tầng). Có 4.000/5.788 làng quê ở miền Bắc bị đánh phá. Cũng theo thống kê của Mỹ đã có 52.000 người dân miên Bắc bị chết và hàng trăm người khác bị thương do bom Mỹ. Có 225 xí nghiệp trong tổng số 345 xí nghiệp công nghiệp trung ương và địa phương bị đánh phá nhiều lần [10; tr.609], các trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của đất nước đều bị đánh phá ác liệt và bị tổn thất nghiêm trọng. Các thị xã, thị trấn, các vùng nông thôn với nhiều kho tàng, cơ sở y tế, trường học, công trình giao thông, công trình thủy lợi đầu mối đều bị tàn phá năng nề, thậm chí có những vùng bị đánh phá có tính chất hủy diệt. 

Đồng bào miền Bắc đã chi viện cho chiến trường miền Nam, năm 1968, có hơn 141 nghìn cán bộ, chiến sỹ quân đội, cán bộ dân - chính - Đảng và khoảng 72,5 nghìn tấn vật chất; năm 1969-1971 là 162,5 nghìn người và hơn 111 nghìn tấn vật chất [17; tr.178]; năm 1972 là 152.974 người [11; tr.393], khối lượng vật chất tăng lên 1,7 lần so với 1971; năm 1973-1974, có 150 nghìn người, khoảng 379 nghìn tấn vật chất; đến giữa năm 1975 tiếp tục 110 nghìn cán bộ, chiến sỹ [17; tr.178], với 230 tấn vật chất các loại được chuyển vào chiến trường.

Nhưng “Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Còn non, còn nước, còn người, Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”. Thể hiện ý chí, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là ý chí, khát vọng của mỗi người dân Việt Nam. Phát biểu tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa III, Người tuyên bố: “Lúc này, chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước” và long trọng kêu gọi “Tất cả chúng ta hãy đoàn kết nhất trí triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” [12; tr.435], đồng thời, khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp, có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” [13; tr.108]. Đó là sự tiếp nối ý chí giành độc lập, thống nhất từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “Dù có phải đốt cháy cả dãi Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” [9; tr.196] của Người, từ truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc được đã hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. 

Kết quả và ý nghĩa những dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Kết quả

- Với ý chí, quyết tâm, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo sức mạnh làm cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta được thực hiện tích cực, chủ động, sáng tạo.

Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa III của Đảng (tháng 3-1965) đã nhận định: “Nếu chúng đưa thêm mấy vạn quân chiến đấu của chúng và chư hầu vào miền Nam và mở rộng chiến tranh bằng không quân và hải quân với quy mô lớn hơn đối với miền Bắc thì…, cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta có thể có những khó khăn, phức tạp mới và sẽ lâu dài hơn, nhưng nhân dân và quân đội ta trong cả nước sẽ càng trở nên căm thù và quyết tâm chiến thắng đế quốc Mỹ,… và nhất định chúng sẽ bị thất bại hoàn toàn”[3; tr.106].

Để phát huy sức mạnh tổng hợp, Hôi nghị Trung ương lần thứ 13 (tháng 1-1967) của Đảng đã quyết định mở mặt trận đấu tranh ngoại giao, nhằm tranh thủ sự đồng tình ủng hộ sâu rộng và mạnh mẽ của thế giới đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược; phối hợp với đấu tranh quân sự, chính trị đang trên đà thắng lợi ngày càng to lớn cả ở hai miền đất nước.

Hội nghị Bộ Chính trị (tháng 12-1967) và Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (tháng 1-1968) đã đi đến quyết định lịch sử “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tổng công kích và nổi dậy giành thắng lợi quyết định” [4; tr.50], nên nhiệm vụ trọng đại và cấp bách là “động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định” [4; tr.50].

Hiệp định Paris đã mở ra bước ngoặt mới trong cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, với quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hội nghị Trung ương lần thứ 21 (đợt 1, tháng 6-1973 và đợt 2, tháng 10-1973) đã ban hành Nghị quyết, trong đó xác định nhiệm vụ của cách mạng miền Nam “Hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện một miền Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, trung lập, phồn vinh, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà” [5; tr.233].

Tiếp đó, Hội nghị Bộ Chính trị (từ ngày 30-9 đến 8-10-1974) đã họp bàn chủ về chủ trương giải phóng miền Nam, trên cơ sở phân tính tình hình, Hội nghị hạ quyết tâm “động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà” [6; tr.185].

Sau đó, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (ngày 18-12-1974 đến 8-1-1975) nhằm thảo luận và quyết định lần cuối cùng kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Hội nghị ra Nghị quyết lịch sử: “Nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc” [7; tr.6]. 

Như vậy, Hội nghị Bộ Chính trị đợt 1 (tháng 10-1974) và đợt 2 (tháng 1-1975) có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Bộ Chính trị đã phân tích một cách chính xác tình hình, hạ quyết tâm và đề ra phương hướng hành động đúng đắn cho quân và dân cả nước trước thời cơ của lịch sử, thời cơ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước theo ý nguyện của Bác. 

- Nhân dân cả nước đã giành những thắng lợi lớn trên các mặt trận, nhất là những thắng lợi có tính chất quyết định trên mặt trận quân sự để kết thúc cuộc chiến tranh, giành thắng lợi hoàn toàn, đó là lần lượt đánh bại:

Cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất, năm 1965-1966, làm phá sản kế hoạch bình định của chính quyền Sài Gòn, làm cho nội bộ chính quyền và quân đội Sài Gòn thêm trầm trọng; đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ngay từ những hiệp đầu.

Cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai, năm 1966-1967, đẩy Mỹ và quân đội Sài Gòn ngày càng lún sâu vào thế bị động, lúng túng. Thắng lợi này, quân dân miền Nam đã đánh thắng cơ bản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.

Thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải bắt đầu quá trình xuống thang chiến tranh, chuyển hướng chiến lược “phi Mỹ hóa”, rồi “Việt Nam hóa chiến tranh”. Ngày 31-3-1968, Giônxơn tuyên bố không ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai cùng với việc thông báo quyết định hạn chế hoạt động của Mỹ ở Việt Nam, ra lệnh ngừng ném bom bắn phá hạn chế miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra (đến ngày 1-11-1968 thì ngừng ném bom bắt phá miền Bắc hoàn toàn) và cử người đàm phán 2 bên từ ngày 13-5-1968 (và đàm phán 4 bên với cả Việt Nam Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, bắt đầu từ ngày 25-1-1969). Đây là sự thừa nhận thất bại của Mỹ trong “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ 2 của đế quốc Mỹ, (ngày 6-4-1972 đến 15-1-1973). Quân dân miền Bắc đã vượt qua những khó khăn, thử thách ác liệt đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của đế quốc Mỹ, đặc biệt là đánh bại cuộc tập kích chiến lược trong 12 ngày đêm bằng B52, làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” gây chấn động thế giới. Đây là đòn chiến lược có ý nghĩa quyết định làm cho đế quốc Mỹ phải thay đổi kế hoạch [2; tr.133].

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với 3 chiến dịch lớn: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và cuộc tiến công, nổi dậy của các tỉnh Trung Bộ và Chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Đây là “Thất bại nghiêm trọng nhất trong toàn bộ lịch sử 200 năm của Hoa Kỳ” [1], đế quốc Mỹ phải rút quân đội ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đất nước hoàn toàn không còn bóng một tên xâm lược, nguyên vọng thiết tha của nhân dân ta được sống trong độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đã trở thành hiện thực, điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chắc chắn từ trước: “Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà” [15; tr.39].

Ý nghĩa những dự báo về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong bản Di chúc đối với sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay

Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng những dự báo thiên tài về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, không chỉ soi đường cho nhân dân ta giành thắng lợi trong kháng chiến mà còn trong sự nghiệp xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới. Đó là, phân tích đúng tình hình, đề ra đường lối đúng đắn, kiên trì, kiên quyết thực hiện đường lối; phát huy sức mạnh tổng hợp, sức mạnh đoàn kết toàn dân; sức mạnh đoàn kết trong nước và ngoài nước thì sự nghiệp xây dựng đất nước sẽ đạt được những thành tựu to lớn. 

Hiện nay, cả nước đang đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng (tháng 1-2021), trong đó xác định: “Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, sâu rộng có hiệu quả” [8; tr.37], nên việc nghiên cứu và vận dụng nội dung trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền và hội nhập quốc tế của đất nước.    

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Báo Pháp Le Figago, ngày 3-5-1975.
2.    Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam. Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2012, tr.133.
3.    Đảng Cộng sản Việt Nam (2000-2001), Văn kiện Đảng toàn tập, t.26, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
4.    Đảng Cộng sản Việt Nam (2000-2001), Văn kiện Đảng toàn tập, t.29, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
5.    Đảng Cộng sản Việt Nam (2000-2001), Văn kiện Đảng toàn tập, t.34, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
6.    Đảng Cộng sản Việt Nam (2000-2001), Văn kiện Đảng toàn tập, t.35, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
7.    Đảng Cộng sản Việt Nam (2000-2001), Văn kiện Đảng toàn tập, t.36, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
8.    Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
9.    Võ Nguyên Giáp (1994), Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
10.    Ngô Vình Long, The war in the North, Trích trong Encyclopedia of the Vietnam war, tr.609.
11.    Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975, tập VII, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
12.    Hồ Chí Minh (1995-1996), Toàn tập, t.11, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
13.    Hồ Chí Minh (1995-1996), Toàn tập, t.12, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
14.     Những văn kiện chủ yếu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (từ tháng 11-1964 đến 12-1965), Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1986.
15.     Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật (1999), Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
16.     Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Sử học (2017), Lịch sử Việt Nam tập 13 (năm 1965-1975), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.30.
17.     Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (1997), Hậu phương chiến tranh nhân dân Việt Nam (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội.
18.     Sức mạnh Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội

Nguồn: baria-vungtau.dcs.vn

Số lượt đọc: 503

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Phát huy tinh thần "vì dân phục vụ" (11/04/2017)
  • Công văn số 2195/UBND-VP của UBND tỉnh BR-VT xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCHTW khoá XII (21/03/2017)
  • Kế hoạch Tổ chức tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2017 của Đảng bộ Sở Khoa học và Công nghệ (08/03/2017)
  • Chương trình hành động của Đảng uỷ Sở KH&CN thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương (khoá XII) (08/02/2017)
  • Quy chế làm việc của Đảng ủy Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (12/01/2017)
  • Hướng dẫn số 03 của Đảng ủy Khối cơ quan tỉnh Học tập chuyên đề “Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (09/01/2017)
  • Kế hoạch số 93 KH/ĐU của Đảng uỷ Sở Khoa học và Công nghệ về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Sở KH&CN (12/12/2016)
  • Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (19/10/2016)
  • Kế hoạch số 03/KH-TW của Ban chấp hành Trung ương về Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" (13/10/2016)
  • Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về Một số nội dung cụ thể thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 03-KH/TW, ngày 25-7-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" (12/10/2016)