Tiêu chuẩn ĐLCL
Xây dựng lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật khí thải mức 4 (17/03/2022)
-   +   A-   A+   In  
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa có ý kiến về việc xây dựng lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật khí thải mức 4 (tương đương Euro 4) đối với phương tiện mô tô, xe gắn máy sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới.

Cụ thể, về kiến nghị xây dựng lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật khí thải mức 4 (tương đương Euro 4) đối với phương tiện mô tô, xe gắn máy sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan để thống nhất về cơ quan chủ trì, cơ sở pháp lý, đảm bảo phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường 2020, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, các quy định của pháp luật liên quan khác, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tránh trùng dẫm, chồng chéo trong hoạt động quản lý nhà nước giữa các cơ quan liên quan.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, thẩm quyền của mình và quy định của Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 1/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô, mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô tham gia giao thông và ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu, để triển khai, thực hiện các lộ trình hiện hành.

Việt Nam là quốc gia điển hình ở khu vực và thế giới về sử dụng mô tô, xe gắn máy khi chiếm tới 95% tổng số xe cơ giới. Đây là loại phương tiện đi lại được nhiều người dân lựa chọn bởi dễ sử dụng, khả năng cơ động và giá thành hợp lý.

Ảnh minh hoạ

Bên cạnh những lợi ích mà mô tô, xe gắn máy mang lại thì đây cũng là nguồn chính thải ra các chất độc hại như CO, HC, VOC, NOx... gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở đô thị lớn, nơi có mật độ phương tiện tham gia giao thông nhiều. Lượng phát thải chất gây ô nhiễm từ các loại xe cơ giới nói chung và mô tô, xe gắn máy nói riêng không hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng xe cũng như lượng nhiên liệu tiêu thụ, mà chủ yếu phụ thuộc vào chất lượng nhiên liệu, công nghệ giảm khí thải được lắp trên xe; chế độ bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành xe…

Thực tế cho thấy, trung bình một mô tô, xe gắn máy tiêu thụ nhiên liệu chỉ bằng khoảng 1/5 so với một ô tô con, nhưng lại có thể thải ra lượng khí độc hại gấp nhiều lần nếu như mô tô, xe gắn máy đó có kết cấu, công nghệ lạc hậu (không có các hệ thống kiểm soát khí thải trên xe). Nhiều nghiên cứu cho thấy, hệ số phát thải CO, HC của mô tô cao gấp 6,4 lần ô tô hạng nhẹ.

Như vậy, có thể thấy không giống như ô tô đang lưu hành (tham gia giao thông) phải kiểm tra khí thải định kỳ tại các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới, mô tô, xe gắn máy ngoài việc phải đăng ký cấp biển số thì khi tham gia giao thông lại chưa phải chịu bất kỳ hình thức kiểm soát khí thải nào.

Vì vậy, đa số mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông là những xe "bẩn", là nguồn phát thải chính các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường không khí. Trước thực trạng đó, việc xây dựng lộ trình áp dụng mức khí thải mức 4 cho mô tô, xe gắn máy tại Việt Nam là rất cần thiết.

 

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 1990

Về trang trước Về đầu trang