Tin KHCN trong nước
Giải bài toán thúc đẩy đăng ký sáng chế tại các viện nghiên cứu, trường đại học (28/03/2022)
-   +   A-   A+   In  
Để có được một bằng độc quyền sáng chế, tác giả của sáng chế phải bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian. Do vậy, cần có những quy chế vinh danh thỏa đáng đối với các tác giả, chủ sở hữu sáng chế cả về mặt vật chất cũng như tinh thần.

Theo báo cáo hàng năm của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), số lượng đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích (GPHI) của các viện nghiên cứu, trường đại học ở nước ta vẫn ở mức độ khiêm tốn chưa tương xứng với tiềm lực khoa học công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học hiện nay. Số lượng đơn đăng ký sáng chế của nhóm trường đại học chỉ trên dưới 150 đơn/năm, số lượng đơn đăng ký sáng chế của nhóm viện nghiên cứu chỉ khoảng trên dưới 100 đơn/năm trong giai đoạn từ 2010-2020. Hình 2 chỉ ra số lượng đơn đăng ký GPHI đối với nhóm viện nghiên cứu chỉ khoảng trên dưới 90 đơn/năm, đối với nhóm trường đại học chỉ khoảng trên dưới 60 đơn/năm.

So với số lượng khiêm tốn đơn đăng ký sáng chế và GPHI, số lượng bài báo khoa học lại nhiều hơn rất nhiều. Cụ thể theo thống kê của Bộ giáo dục và đào tạo 5 năm qua, các tác giả Việt Nam đã công bố 39.408 bài báo WoS, 58.426 bài báo Scopus.

Vậy đâu là những nguyên nhân làm hạn chế số lượng đơn đăng ký sáng chế/GPHI tại các viện nghiên cứu, trường đại học ở nước ta trong thời gian qua? Kết quả điều tra, khảo sát do nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ thực hiện năm 2018 đã chỉ ra một số nguyên nhân chính như sau:

Thứ nhất, đăng bài báo khoa học thuận lợi hơn đăng ký sáng chế. Bài báo khoa học chủ yếu là công bố kết quả nghiên cứu cơ bản, sáng chế là các kết quả nghiên cứu mang tính ứng dụng và có tính mới, tính sáng tạo, thay vì đăng ký sáng chế thì lựa chọn đăng ký bài báo có thể phù hợp hơn, nguyên nhân là do:

i) Kinh phí dành cho đăng bài báo khoa học phong phú hơn (ngoài kinh phí của viện nghiên cứu, trường đại học còn có nguồn kinh phí từ Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia);

ii) Thời gian hoàn thành bài báo nhanh hơn (từ lúc nộp bài cho đến khi xuất bản thường trong vòng 6 tháng đến 1 năm) so với thời gian hoàn thành việc đăng ký một sáng chế (thường phải mất khoảng 3 năm);

iii) Kinh phí thực hiện đề tài cấp cơ sở của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu eo hẹp và phân bổ dàn trải, do đó rất khó để tạo ra được sáng chế, kết quả đề tài cấp cơ sở thường chỉ dừng ở công bố bài báo khoa học;

iv) Một số bài báo có tính mới theo hướng nghiên cứu ứng dụng có thể đăng ký sáng chế, nhưng nhiều tác giả không đăng ký do không nắm rõ trong Luật Sở hữu trí tuệ (văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH năm 2019) khoản 3 điều 60 có quy định trong vòng 12 tháng, kể từ ngày công bố báo cáo khoa học vẫn có thể nộp được đơn đăng ký sáng chế.

Thống kê số lượng bài báo khoa học được đăng tải trong giai đoạn 2016 - 2020. 

Thứ hai, các nhà khoa học gặp khó khăn khi viết bản mô tả sáng chế. Để chuẩn bị một đơn đăng ký sáng chế, trước hết nhà khoa học phải viết bản mô tả sáng chế. Nhiều nhà khoa học gặp khó khăn ở bước này vì ngoài những đòi hỏi đáp ứng các tiêu chí để cấp bằng sáng chế như tính mới, tính sáng tạo (trình độ sáng tạo, tính không hiển nhiên), sản xuất công nghiệp (áp dụng công nghiệp) thì để viết được một bản mô tả tốt cần phải nắm được văn phong, cách viết mô tả sáng chế theo Luật Sở hữu trí tuệ, phải biết cách tra cứu dữ liệu sáng chế để xác định tính mới, phải biết viết sao cho phạm vi bảo hộ của sáng chế rộng nhất có thể để có lợi thế trong quá trình thương mại hóa nếu xảy ra tranh chấp với các bên khác.

Thứ ba, thương mại hóa sáng chế khó khăn, dẫn đến nhà khoa học thiếu động lực đăng ký sáng chế. Thương mại hóa sáng chế là vấn đề không đơn giản, đặc biệt trong bối cảnh liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp tại Việt Nam còn hạn chế như hiện nay thì công tác này lại càng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Điều này dẫn tới việc các nhà khoa học không mấy mặn mà với việc đăng ký bảo hộ sáng chế, bởi đăng ký xong thì cũng khó thương mại hóa. Ngoài ra, phần lớn các viện – trường chưa có quy định rõ ràng về việc phân chia lợi nhuận cho tác giả, chủ sở hữu sáng chế sau khi thương mại hóa sáng chế thành công. Vì vậy các nhà khoa học không có nhiều động lực để đăng ký sáng chế từ kết quả nghiên cứu.

Thứ tư, nhận thức về SHTT còn hạn chế. Rất ít viện nghiên cứu, trường đại học có bộ phận chuyên trách về SHTT mà đa phần là phân công kiêm nhiệm cho các cán bộ hành chính trong viện – trường. Một mặt điều này khiến cho đội ngũ nghiên cứu của viện – trường không có điều kiện được tư vấn để nâng cao kiến thức về SHTT. Mặt khác điều này cũng cho thấy tài sản vô hình, trong đó có tài sản trí tuệ chưa trở thành đối tượng quản lý như đối với tài sản thông thường ở trong viện – trường. Thực tế hiện nay, SHTT vẫn tiếp tục là một lĩnh vực tuy không còn mới nhưng vẫn chưa phải là vấn đề cần quan tâm hàng đầu đối với đa số cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, nhà khoa học. Môi trường pháp lý hiện còn nhiều bất cập, hạn chế làm nhà khoa học chưa tin tưởng để đăng ký bảo hộ sáng chế, nhất là khi bị rơi vào các vụ kiện tụng, tranh chấp với những người khác.

Bên cạnh đó, mạng lưới đại diện SHTT chưa chú trọng nhiều đến việc hỗ trợ đơn sáng chế Việt Nam, vẫn tập trung chủ yếu hỗ trợ đơn sáng chế nước ngoài do thù lao khi hỗ trợ đơn sáng chế nước ngoài cao hơn nhiều so với đơn sáng chế Việt Nam. Ngoài ra, số lượt người khai thác thông tin sáng chế là rất thấp, phần lớn các yêu cầu tra cứu thông tin được tiến hành là về nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp chứ không phải là sáng chế.

Thứ năm, quy định có một sản phẩm đầu ra là đơn đăng ký sáng chế đối với nhiệm vụ nghiên cứu các cấp là chưa rõ ràng. Hiện nay nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu ứng dụng từ các viện nghiên cứu, trường đại học thông qua đề tài cấp cơ sở là có hạn, nên các nhà khoa học thường đăng ký các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng qua các chương trình KH&CN cấp Bộ, cấp Tỉnh, cấp Quốc gia. Tuy nhiên, đa phần các nhiệm vụ nghiên cứu không yêu cầu sản phẩm đầu ra bắt buộc phải có sáng chế. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm giảm đi số lượng đơn đăng ký sáng chế.

Những nguyên nhân nêu trên đã chỉ ra rằng, để nâng cao số lượng đơn đăng ký sáng chế cần xây dựng một hệ thống các giải pháp có tính đồng bộ, liên kết và phải lấy viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể trung tâm như sau:

Một là, nâng cao nhận thức, kiến thức về SHTT: đây là giải pháp cốt lõi và cần triển khai liên tục trong nhiều năm nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về SHTT cho các nhà quản lý, nhà khoa học và các đối tượng có liên quan. Điều này sẽ giúp họ tự tin và có trách nhiệm phải đăng ký sáng chế hoặc GPHI để chuyển giao phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, nêu cầu đề tài cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh thuộc lĩnh vực KH&CN ứng dụng phải có đơn đăng ký sáng chế: Hội đồng xét duyệt đề cương nghiên cứu tùy theo mục đích, nội dung nhiệm vụ nghiên cứu cần yêu cầu chủ nhiệm đề tài phải có đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích. Những chuyên gia, nhóm nghiên cứu nào trong chu kỳ 3 – 5 năm có tỷ lệ đơn đăng ký sáng chế/GPHI được cấp bằng độc quyền cao thì cần được ưu tiên hơn trong việc xét chọn các đề xuất nhiệm vụ KH&CN giai đoạn tiếp theo.

Ba là nâng cao kỹ năng viết bản mô tả sáng chế cho nhà khoa học: cần có các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng viết các bản mô tả sáng chế để nhà khoa học chuyên sâu trong các lĩnh vực khác nhau có thể hiểu cách viết các bản mô tả sáng chế khác nhau. Hiện nay, Cục SHTT thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ năng viết bản mô tả sáng chế miễn phí tại Cục dành cho mọi đối tượng. Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng viết bản mô tả sáng chế. Mô hình này cần được phổ biến và nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới. Bên cạnh đó Nhà nước cần khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức trung gian có trình độ chuyên môn hỗ trợ các nhà khoa học viết bản mô tả sáng chế.

Bốn là thành lập bộ phận chuyên trách về SHTT tại các viện nghiên cứu, trường đại học: tại các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… các viện nghiên cứu, trường đại học đều thành lập các trung tâm chuyển quyền sử dụng công nghệ (Technology Licensing Office) hỗ trợ các nhà khoa học viết bản mô tả sáng chế. Trung tâm chuyển quyền sử dụng công nghệ cũng hỗ trợ đăng ký sáng chế đối với các sáng chế có khả năng thương mại hóa và trợ giúp các nhà khoa học gặp gỡ, đàm phàn với doanh nghiệp để chuyển giao sáng chế. Ở Việt Nam những năm gần đây, một số viện nghiên cứu, trường đại học cũng đã thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ nhằm hỗ trợ các nhà khoa học viết bản mô tả sáng chế nhưng hiệu quả không cao.

Nguyên nhân là do đa số cán bộ tại các trung tâm này là kiêm nhiệm, rất ít người có chuyên môn và hiểu biết sâu về SHTT nên chất lượng của các bản mô tả sáng chế không đồng đều. Trong khi đó trung tâm lại bị hạn chế về kinh phí hoạt động, dẫn đến những bất cập về chế độ ưu đãi dành cho cán bộ phụ trách. Vì vậy theo nhóm nghiên cứu, phòng quản lý KH&CN của các viện nghiên cứu, trường đại học (là nơi quản lý các hoạt động KH&CN) nên có bộ phận chuyên trách về SHTT. Cán bộ của phòng quản lý KH&CN phải được đào tạo nâng cao nghiệp vụ thông qua các khóa học về SHTT và phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với các nhà khoa học để hỗ trợ họ viết các bản mô tả sáng chế một cách kịp thời.

Năm là, vinh danh các nhà sáng chế. Để có được một bằng độc quyền sáng chế, tác giả của sáng chế phải bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian. Do vậy, cần có những quy chế vinh danh thỏa đáng đối với các tác giả, chủ sở hữu sáng chế cả về mặt vật chất cũng như tinh thần. Ví dụ, các viện nghiên cứu, trường đại học nên xem xét nâng bậc lương hoặc đề bạt giữ các vị trí nghiên cứu xứng đáng với sự cống hiến của các nhà khoa học có nhiều sáng chế... Điều này sẽ tạo động lực khuyến khích đội ngũ nhà khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học tích cực đăng ký sáng chế hơn cho các kết quả nghiên cứu của họ.

Ngày 31/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 37/2018/QĐ-TTg về việc “Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư”, trong đó quy định bằng sáng chế được tính từ 0 đến 3 điểm, khác so với thông tư cũ tính từ 0,5 đến 1,5 điểm. Với quyết định này chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng các nhà khoa học sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc đăng ký sáng chế trong thời gian tới.

 

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 4079

Về trang trước Về đầu trang