Tin KHCN trong tỉnh
Thu nhập cao nhờ nuôi ong dú (04/01/2022)
-   +   A-   A+   In  
Sau 2 năm nhân đàn, anh Trần Đức Văn (SN 1988, ngụ ấp Thèo Nèo, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) đã thành công khi sở hữu hơn 250 tổ ong dú. Mô hình nuôi ong này đã mang lại cho anh nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Anh Trần Đức Văn (bìa trái) giới thiệu mô hình nuôi ong dú với ông Trần Văn Mảng (giữa), Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

Dễ nuôi, lợi nhuận cao

Chia sẻ cơ duyên đến với mô hình nuôi ong dú, anh Văn cho hay, có lần ba anh vào rừng nhặt những khúc gỗ mục có tổ ong dú về nuôi thử nghiệm thì phát hiện lượng mật thu về khá nhiều và đậm đặc. Khi ấy, anh Văn chưa biết đó là loại ong gì nhưng nếm thử mật thì thấy vị ngọt thanh, thơm ngon.

Qua tìm hiểu, anh Văn biết được đây là ong dú. Loài ong này có kích thước nhỏ hơn ong mật, không có ngòi đốt, không bỏ tổ đi nơi khác, không chiếm nhiều diện tích nuôi. Nhận thấy đây là loài ong có tiềm năng để phát triển thành sản phẩm thương mại, anh Văn đã tập trung nhân đàn.

Vừa làm, anh vừa tham khảo kiến thức trên Internet. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, đàn ong của anh Văn nhanh chóng được nhân rộng. Từ vài tổ ban đầu, sau 2 năm, anh đã phát triển được hơn 250 tổ nuôi trong vườn nhà, tận dụng hoa của gần 2ha điều, các loại cây ăn trái và hoa cỏ dại cho ong làm mật.

Anh Văn cho hay, tổ ong được đóng bằng thùng gỗ thông, kích thước (45x15x15cm), bên trong có 2 ngăn để ong sinh sản và cho mật, bên hông đục một lỗ nhỏ để ong ra, vào. Từ lúc tách đàn đến khi thu hoạch mật khoảng 3 tháng. “Mùa mật chất lượng nhất là từ cuối năm trước đến tháng 4 năm sau do thời tiết nắng ráo, hoa nở nhiều. Mỗi tổ ong cho thu hoạch hai lần/năm với tổng cộng gần 1 lít mật/tổ. Ong dú không ăn đường mà chỉ hút nhụy hoa nên cho mật tự nhiên và nguyên chất. Mật ong dú vị ngọt, thanh và hơi chua, hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn các loại mật ong khác nên được nhiều người tìm mua”, anh Văn chia sẻ.

Năm nay, anh Văn tập trung nhân đàn nên chỉ thu được khoảng 100 lít. Giá bán mỗi thùng ong giống từ 1,2 - 1,5 triệu đồng; còn mật từ 1 - 1,2 triệu đồng/lít. Do sản lượng ít nên anh không đủ bán cho khách trong và ngoài tỉnh. “Sau khi trừ chi phí, mỗi năm mô hình nuôi ong dú mang lại cho tôi nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng”, anh Văn tiết lộ.

Nuôi ông kết hợp du lịch

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Trần Đức Văn cho biết, anh mong muốn được hỗ trợ để đầu tư mở rộng quy mô nuôi ong, xây dựng, quảng bá thương hiệu. Đồng thời, anh sẽ liên kết với các nhà vườn, nông trại, vườn cây ăn trái để cung cấp hoặc cho thuê ong giống thụ phấn an toàn với phương châm “tự nuôi ong lấy mật an toàn tại nhà”; cùng các hộ nuôi ong dú thành lập Tổ hợp tác nhằm giúp đỡ nhau về kỹ thuật, nâng cao chất lượng.

Tại xã Bình Châu còn có anh Trần Đức Toản (SN 1986) đang nuôi khoảng 700 đàn ong và gần 10 hộ nuôi ong nhỏ lẻ khác. Riêng trại nuôi ong của anh Toản, mỗi năm bán ra thị trường hơn 200 thùng ong giống và khoảng 300 lít mật.

Nhận xét về mô hình nuôi ong dú của anh Văn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Văn Mảng cho biết, đây là mô hình nuôi ong thân thiện và bền vững với môi trường, cho sản phẩm đặc thù từ thiên nhiên, góp phần bảo vệ đa chủng loài sinh vật. Mô hình nuôi ong dú không tốn kém nhiều chi phí đầu tư và nguồn nhân lực, có tính khả thi cao. Tận dụng lợi thế từ rừng nguyên sinh Bình Châu - Phước Bửu, anh Văn, anh Toản và một số hộ nuôi ong trong xã có thể liên kết tạo thương hiệu, ổn định đầu ra cho sản phẩm cũng như kết hợp làm du lịch.

Để hỗ trợ các ý tưởng, dự án nuôi ong dú gắn kết với du lịch của nông dân xã Bình Châu, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tạo điều kiện về vốn, quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tìm đầu ra cho các sản phẩm từ ong dú; liên kết các doanh nghiệp du lịch để giới thiệu sản phẩm độc đáo này với người tiêu dùng, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển du lịch sinh thái, giáo dục bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. “Mô hình nuôi ong dú lấy mật tại xã Bình Châu đã và đang trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, dựa trên lợi thế của địa phương. Trong tương lai, mô hình có thể kết hợp với phát triển du lịch sinh thái”, ông Trần Văn Mảng cho biết.

 

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 3378

Về trang trước Về đầu trang

TIN TỨC KHÁC
  • Hội đồng tư vấn tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện đề tài “Xác định nguyên nhân gây tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và đề xuất các biện pháp kiểm soát dư lượng thuốc có trong sản phẩm hạt tiêu được sản xuất tại tỉnh BR-VT đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU)” (10/08/2017)
  • Buổi nói chuyện của Giáo sư Ngô Bảo Châu về Khoa học và Công nghệ với HS-SV và trí thức tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (10/08/2017)
  • Hội đồng nghiệm thu đề án "Quản lý và sử dụng trí thức tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu" (04/08/2017)
  • Nghị quyết 05 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phát triển triển khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 (03/08/2017)
  • Hội đồng tư vấn giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện dự án Lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại Khu Ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo (03/08/2017)
  • Lễ trao giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho công ty TNHH SX-TM Đại Nam (03/08/2017)
  • Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 của BCH Đảng bộ tỉnh BR-VT (02/08/2017)
  • Nghị quyết 08 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng biển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 (02/08/2017)
  • Nghiệm thu đề án của các doanh nghiệp tham gia Chương KH&CN Hỗ trợ doanh nghiệp đợt 1 năm 2017 (02/08/2017)
  • Xét duyệt đề án của Chương KH&CN Hỗ trợ doanh nghiệp đợt 5 năm 2017 (13/07/2017)