Tin KHCN nước ngoài
Loại vải công nghệ cao tác dụng làm mát khi đổ mồ hôi (20/12/2021)
-   +   A-   A+   In  
Khi nóng và đổ mồ hôi, con người thường thích những loại quần áo thông thoáng giống như lưới. Tuy nhiên, lưới lại không đủ giữ ấm cơ thể lúc bình thường. Một loại vải có mục đích kép mới được thiết kế sẽ giải quyết vấn đề này, vì nó có các lỗ thông hơi làm mát mở ra khi thấm mồ hôi.

Vật liệu này đang được phát triển bởi nhóm các nhà khoa học tại Đại học Duke phía Bắc Carolina, đứng đầu là Giáo sư Po-Chun Hsu. Về cơ bản vật liệu mới là nylon với một mặt phủ lớp bạc mỏng và cắt nhiều miếng lật tí hon. Khi mặt trong tiếp xúc với da và không phủ bạc, hấp thụ nước hay mồ hôi, nó sẽ phồng lên.

Hiện tượng này khiến các miếng lật cong ra ngoài. Sau đó, khi vật liệu khô đi, nylon co trở về kích thước ban đầu và các miếng lật đóng lại.

Một mẫu vật liệu có lỗ thông hơi kích hoạt mở do phát hiện mồ hôi (trái) và đóng lại khi khô ráo (phải).

Nhóm nghiên cứu bổ sung lớp bạc dày 50 nanomet để phản lại nhiệt tỏa ra từ cơ thể vào bên trong, giúp giữ ấm cho người mặc khi những miếng lật đóng lại.

Ban đầu, Hsu băn khoăn liệu sức nặng của lớp kim loại có cản trở hiệu ứng uốn cong của tấm lật hay không. Nhưng thực tế, lớp bạc còn làm tăng hiệu quả. Nguyên nhân là lớp bạc ở mặt trên mỗi tấm lật không phồng lên, khiến nylon bên dưới buộc phải giãn nở ở đáy nhiều hơn ở trên, khiến nó cong thêm.

Để kiểm tra hiệu quả làm mát, nhóm nhà khoa học chế tạo một tấm vải kích thước 6 cm x 6 cm với những miếng lật dài vài mm. Kết quả, so với tấm vải kín làm bằng hỗn hợp polyester - spandex truyền thống, vải thoáng khí giữ ấm tốt hơn 16% khi các miếng lật đóng lại và mát hơn 14% khi chúng mở ra.

Thay vì làm cả bộ quần áo từ loại vải mới, nhóm chuyên gia cho rằng có thể gắn những mảnh vải ở một số vị trí nhất định, nơi mọi người đổ mồ hôi nhiều. Họ đang nghiên cứu cách thu nhỏ các miếng lật mà không làm mất tác dụng, đồng thời hy vọng thay thế được bạc bằng vật liệu nanocomposite có thể chế tạo với bất cứ màu sắc nào.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 4144

Về trang trước Về đầu trang