Tiêu chuẩn ĐLCL
Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về công nghệ xử lý chất thải (18/12/2021)
-   +   A-   A+   In  

Bộ TM&MT đang xây dựng và triển khai chương trình trọng điểm về quản lý chất thải; xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở khoa học cho công nghệ xử lý chất thải.

Phát biểu tại Hội thảo “Công nghệ xử lý chất thải” vừa diễn ra, PGS. TS Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng và triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong thời đại hiện nay, ở các nước phát triển, bản thân chất thải đã được chuyển thành nguồn tài nguyên tái tạo lớn và những nước này đang dần dịch chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính, chỉ quan tâm đến “sản xuất-sử dụng-thải bỏ” sang nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới sự phát triển bền vững.

Việc đưa khái niệm “kinh tế tuần hoàn” vào Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua năm 2020 là một trong những bước đột phá trong chính sách môi trường của Chính phủ. Để hiện thực hóa khái niệm này, ngoài việc đòi hỏi một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ rất cần có các công nghệ hiện đại được “nội địa hóa” cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.

GS. TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, hiện nay công nghệ xử lý chất thải rắn của Việt Nam đã có bước phát triển, tiến bộ, đặc biệt các nhà khoa học, doanh nghiệp đã tích cực tham gia vào xử lý chất thải.

Dẫn số liệu của Bộ TN&MT, giai đoạn 2016-2020, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm, GS. TS Trịnh Văn Tuyên cho hay, hiện nay, nhiều địa phương đã lựa chọn công nghệ để giải quyết các vấn đề chất thải.

“Cách đây 5-10 năm, phần lớn các địa phương dùng phương pháp chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Quá trình kiểm soát ô nhiễm chưa thực sự đem lại hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, do đó, gây bức xúc trong xã hội”, GS. TS Trịnh Văn Tuyên cho hay.

Lò đốt VHI-18B do các nhà khoa học chế tạo có khả năng xử lý khí thải hiệu quả tránh ô nhiễm môi trường.

Không chỉ tiêu tốn nhiều quỹ đất, gây ô nhiễm mùi, gia tăng khí metan, phát sinh nước rỉ rác gây tốn kém trong xử lý, phương pháp này cũng không tận dụng được các loại chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng. Nhiều địa phương đã chuyển dần sang mô hình khác, đó là sử dụng công nghệ đốt rác.

Tuy nhiên, nếu chỉ đốt rác đơn thuần thì sẽ lãng phí tài nguyên mà cần lựa chọn công nghệ đốt rác thu hồi để phát điện. Hiện nay, công nghệ này đã được triển khai tại một số thành phố lớn như Cần Thơ, TPHCM...

Với định hướng tăng giá trị thu được từ chất thải, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đẩy mạnh nghiên cứu các công nghệ xử lý phù hợp và đưa vào ứng dụng thực tế, đạt hiệu suất cao tại hàng trăm cơ sở xử lý chất thải. Chẳng hạn như đối với chất thải y tế, lò đốt VHI-18B ra đời với công suất đa dạng từ 50-100 kg/mẻ, được thiết kế tích hợp công nghệ đốt theo mẻ trên cơ sở áp dụng nguyên lý đốt đa vùng và khả năng xử lý khí thải hiệu quả, tránh ô nhiễm môi trường, tối ưu hóa khả năng xử lý triệt để nhằm nâng cao hiệu quả xử lý của lò đốt.

Hay việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ khí sinh học tiên tiến phát điện và sử dụng bùn thải sau khi lên men yếm khí để sản xuất phân bón hữu cơ phát triển nông nghiệp sạch tại Đắk Lắk rất phù hợp với xu thế số hóa, tiết kiệm năng lượng và tạo ra năng lượng sạch từ rác thải. Đây là cột mốc đánh dấu sự hoàn thiện của nghiên cứu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Ngoài ra, còn có chế phẩm vi sinh Sagi Bio, ngoài tác dụng tăng cường phân giải chất hữu cơ, rút ngắn thời gian ủ còn có tác dụng hạn chế phát sinh mùi, ngăn chặn sự sinh sản các ấu trùng của ruồi, muỗi và các loại vi sinh vật gây bệnh có trong chất thải, tạo ra nguồn phân hữu cơ sạch và an toàn cho sản xuất nông nghiệp, làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho người lao động.

So với công nghệ nhập khẩu của nước ngoài, GS. TS Trịnh Văn Tuyên cho rằng công nghệ của Việt Nam có ưu thế hơn, do được "nội địa hóa" nên chúng ta có thể nâng cấp, bảo dưỡng, sửa chữa trong bất cứ điều kiện nào; trong khi những việc này rất khó đối với công nghệ của nước ngoài sau khi hết thời gian bảo hành.

GS. TS Trịnh Văn Tuyên cũng đề nghị các cơ quan quản lý về chính sách cần có những giải pháp hỗ trợ, khuyến khích để thúc đẩy phát triển các mô hình từ đề tài nghiên cứu thành mô hình cấp vùng hoặc quy mô công nghiệp. Doanh nghiệp có thể trao đổi trực tiếp với các nhà khoa học, tìm hiểu sâu hơn về nhu cầu thực tế, giải pháp phát triển và đặt hàng cho các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu giải quyết các nhu cầu thực tiễn của mình.

Tại Hội thảo, đại diện Tổng cục Môi trường, Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cũng đưa ra yêu cầu thực tiễn trong lĩnh vực quản lý đối với công nghệ nhằm giúp các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam định hướng nghiên cứu trong công cuộc bảo vệ môi trường, đưa chất thải thành nguồn tài nguyên tái tạo. Đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, Bộ TM&MT đang xây dựng và triển khai chương trình trọng điểm về quản lý chất thải; xây dựng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở khoa học cho công nghệ xử lý chất thải.

Trong bối cảnh hiện nay, các nhà khoa học cần nghiên cứu công nghệ để xử lý, tái chế các loại chất thải nguy hại đặc thù, phù hợp với điều kiện của Việt Nam; nghiên cứu phát triển công nghệ tái chế chất thải từ các nhà máy nhiệt điện, phân bón và hóa chất…

Các công nghệ cũng phải đáp ứng được việc chuyển đổi số trong quản lý chất thải thông qua tự động hóa trong thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân loại, thu gom và xử lý chất thải; ứng dụng điện toán đám mây trong lưu trữ và phân tích số liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 2175

Về trang trước Về đầu trang