Tin KHCN trong nước
Bổ sung nội hàm về ‘đổi mới sáng tạo’ - cầu nối đưa KHCN vào cuộc sống (12/12/2021)
-   +   A-   A+   In  

Khoa học và Công nghệ tạo ra tri thức, còn đổi mới sáng tạo nhằm biến tri thức thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ứng dụng vào cuộc sống.

 

Ngày 11/12, tại Vĩnh Phúc, Bộ KH&CN phối hợp Viện Hàn lâm KH&CN, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị thường niên về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực.

 

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, KHCN và đổi mới sáng tạo là một nội dung quan trọng trong các đột phá chiến lược và được xác định là động lực chính để tăng trưởng kinh tế.

 

Cũng theo Bộ trưởng, trong thực tiễn phòng chống dịch COVID-19 vừa qua cho thấy, ngành KHCN có đủ năng lực để giải quyết các bài toán lớn, phục vụ rất thiết thực cho đất nước.

 

Diễn đàn được kỳ vọng là nơi chia sẻ, bàn bạc về việc thử nghiệm các chính sách có tính đột phá cùng thống nhất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian tới.  Trước mắt, Bộ KHCN đang tổ chức nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm chính sách về thương mại hoá các kết quả nghiên cứu có sử dụng ngân sách Nhà nước; đồng thời, tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa KHCN và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu ở nước ta.

 

Chia sẻ về định hướng Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện KHCN và đổi mới sáng tạo cho biết, Chiến lược đang được xây dựng, có sự kế thừa có chọn lọc quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020 và bổ sung những nội dung mới cho phù hợp với tình hình hiện nay.

 

Cụ thể, Chiến lược bổ sung nội hàm về đổi mới sáng tạo, là cầu nối đưa KHCN vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm. Trong xu thế của toàn thế giới ngày nay, KHCN gắn liền với sản xuất kinh doanh, gắn với quá trình thương mại hóa kết quả tạo thành một chuỗi KHCN và đổi mới sáng tạo. Trong đó, KHCN tạo ra tri thức, còn đổi mới sáng tạo nhằm biến tri thức thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ứng dụng vào cuộc sống.

 

Để đổi mới sáng tạo thành công

 

Là đơn vị dẫn đầu về số lượng bằng sáng chế và giải pháp hữu ích trong khối Viện nghiên cứu và Trường đại học tại Việt Nam, đại diện Viện Hàn Lâm KHCN Việt Nam cho rằng, để đổi mới sáng tạo thành công thì người lãnh đạo, quản lý cũng phải là người có tư duy đổi mới sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Chính vì vậy cần tạo điều kiện, động lực cho các nhà khoa học nghiên cứu, đổi mới. Kết quả của nhiệm vụ luôn phải gắn với sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa, nâng cao giá trị của công nghệ.

 

Theo ông Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KHCN), đổi mới sáng tạo có tính liên ngành do đó cần thành lập Hội đồng đổi mới sáng tạo Quốc gia do Thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng.

 

Nhà nước cần giao quyền sở hữu trí tuệ của các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nghiên cứu để đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học; cần xây dựng Quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ các spin-off tại các Viện nghiên cứu và Trường đại học lớn. Đặc biệt cần thử nghiệm mô hình thương mại hóa công nghệ đặc thù (sandbox) với một cơ chế đặc biệt tại các trường đại học, viện nghiên cứu lớn…

 

Chỉ ra một số hạn chế hiện nay, ông Lâm Quang Vinh, Trưởng ban KHCN, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, thương mại hóa sáng chế khó khăn dẫn đến nhà khoa học thiếu động lực đăng ký sáng chế; chưa có các mô hình tổ chức KH&CN mới để áp dụng các cơ chế và chính sách đặc biệt. Do đó, cần triển khai thí điểm mô hình hợp tác Doanh nghiệp – Nhà Khoa học – Nhà nước, từ đó hình thành vườn ươm, doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong trường Đại học, chú trọng nhiều đến sản phẩm tài sản sở hữu trí tuệ theo mô hình hợp tác doanh nghiệp.

 

Cũng theo ông Lâm Quang Vinh, cần nhanh chóng xây dựng một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập, viện nghiên cứu đẳng cấp có đủ khả năng triển khai thực hiện một số ngành khoa học mũi nhọn. Để thực hiện được điều này thì phải xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút, tập hợp nhân tài, chuyên gia và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Bàn về nguồn nhân lực, PGS.TS Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Mỹ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, trong thời gian tới, cùng với việc tập trung nghiên cứu các vấn đề khoa học xã hội cơ bản về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam, cần “tích cực cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách; bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, con người Việt Nam” mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

 

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần gắn chiến lược KHCN, đổi mới sáng tạo với giáo dục đào tạo; tạo môi trường bình đẳng cạnh tranh về nghiên cứu KH&CN công lập và tư nhân…

 

Nhân dịp này, Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KHCN, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết Chương trình phối hợp công tác trong giai đoạn tới nhằm gắn kết giữa các cơ quan, tiến tới có những hoạt động phát huy sức mạnh, tiềm lực chung để góp phần giải quyết các vấn đề của quốc gia và lan tỏa sự liên kết này đến các thành phần rộng rãi hơn.

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 4786

Về trang trước Về đầu trang