Tin KHCN trong nước
Động lực cho start-up đổi mới sáng tạo, vượt qua đại dịch (08/12/2021)
-   +   A-   A+   In  

Việc không ngừng hoàn thiện chính sách, hành lang pháp lý phục vụ cho sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã giúp cộng đồng start-up vẫn có nhiều điểm sáng trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Hà Nội tạo điều kiện tối đa cho các start-up  phát triển. Ảnh: Thành Nam

 

Nhiều chính sách hỗ trợ start-up

 

Những năm vừa qua, Hà Nội đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hiện, Hà Nội hội tụ nhiều yếu tố để trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bởi trên địa bàn thành phố tập trung hơn 70% tổ chức khoa học và công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu của cả nước; 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, chiếm 82% số phòng thí nghiệm của cả nước.

 

Đặc biệt, đầu năm 2021, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã chính thức được khởi công tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Một thuận lợi nữa là số nhà khoa học đầu ngành đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước.

 

Ngoài những lợi thế trên, thời gian qua, Hà Nội đã khẳng định vai trò là trung tâm hàng đầu về khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Nổi bật có thể kể đến Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT), thuộc Sở Thông tin và Truyền thông; Vườn ươm doanh nghiệp thực phẩm do Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý, phát triển.

 

Các Tổ chức Hội, Hiệp hội doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Thủ đô cũng đã hình thành các Trung tâm, câu lạc bộ startup đã và đang hoạt động hết sức hiệu quả... Đây là những nền tảng rất tốt tạo điều kiện cho các start-up phát triển.

 

Kế hoạch “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025” được UBND TP. Hà Nội ban hành mới đây nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ để phát triển kinh tế Thủ đô.

 

Theo đó, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung Chương trình 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội sẽ nghiên cứu, đề xuất với Trung ương hoàn thiện các chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; nhất là cơ chế quản lý, chính sách tài chính; cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế, thử nghiệm chính sách mới, trước hết là các chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...

 

Nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, bảo đảm tính khả thi để đề xuất đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi). Hoàn thiện chính sách vượt trội nhằm thu hút, đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức, nhất là đội ngũ chuyên gia công nghệ, nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học quốc tế.

 

Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thành phố. Tăng cường kết nối, phát huy có hiệu quả tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia trên địa bàn trong việc tháo gỡ, giải quyết các thách thức của Thành phố.

 

Việc không ngừng hoàn thiện chính sách, hành lang pháp lý phục vụ cho sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã giúp cộng đồng start-up vẫn có nhiều điểm sáng trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

 

Start-up chuyển hướng trước thách thức đại dịch

 

Trong những tháng đầu năm 2021, với việc hạn chế tụ tập và hoạt động trực tiếp, giãn cách xã hội, cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thủ đô vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của mình qua các kênh online, hoạt động, sự kiện trực tuyến. Bên cạnh đó, họ duy trì nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm tại các vườn ươm hay cơ sở start-up của mình.

 

Đặc biệt, nhiều start-up lớn vẫn có sự liên kết hỗ trợ từ các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, đằng sau những con số thống kê doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động giải thể, nhiều doanh nghiệp đã có sự chuyển hướng trước khó khăn, thách thức của đại dịch.

 

Các start-up cũng đã có những nghiên cứu sản phẩm, dịch vụ theo hướng tận dụng thành tựu công nghệ hiện nay để có thể tạo ra những sản phẩm mới, dịch vụ mới có thể cung cấp cho người tiêu dùng trong điều kiện hạn chế tiếp xúc, giãn cách do đại dịch. Để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã quan tâm đến việc thúc đẩy chuyển đổi số và tạo nên làn sóng lan tỏa trên thị trường. Các doanh nghiệp ở đa lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử.

 

Là doanh nghiệp start-up hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Công ty TNHH Công nghệ sạch Nông nghiệp (Thanh Xuân, Hà Nội) không ngừng nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất các dòng sản phẩm sinh học, vi sinh, hữu cơ vi sinh ứng dụng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng năng suất cao, chất lượng, an toàn và bền vững.

 

Sau một thời gian nghiên cứu, ứng dụng, chế phẩm sinh học biến gốc rơm rạ thành phân bón hữu cơ vi sinh đã ra đời. Đáng nói, chế phẩm sinh học xử lý nhanh rơm rạ là một trong những sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn.

 

Hay Đại học Bách khoa Hà Nội, trong chiến lược phát triển, luôn thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Vừa qua, trường đã cho ra đời những sản phẩm nghiên cứu sáng tạo để phòng, chống và đẩy lùi đại dịch COVID-19, như: Máy thở hỗ trợ điều trị BK-Vent, bộ kit thử nhanh virus Corona RT-Lamp và buồng áp lực dương lọc virus trên chuyến bay đến Guinea Xích đạo.

 

Đây là những điển hình về đổi mới sáng tạo, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 4238

Về trang trước Về đầu trang