Tin KHCN trong nước
Sản xuất thử nghiệm giống lúa HDT8 tại các tỉnh phía Bắc (08/12/2021)
-   +   A-   A+   In  

Giống lúa thơm, chất lượng cao HDT8 được Bộ môn Công nghệ sinh học Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (CLT – CTP) chọn tạo bằng phương pháp ứng dụng chỉ thị phân tử chọn kiểu gen thơm từ các dòng đơn bội kép của tổ hợp lai ba Peai32/P6//HT1.

Giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho sản xuất thử (tháng 4 năm 2012). Đây là sản phẩm của đề tài “Tạo giống lúa thơm bằng chỉ thị phân tử”, thuộc “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến 2020” do Viện CLT - CTP chủ trì từ năm 2007. Giống lúa HDT8 thích hợp cho vụ Xuân và vụ Mùa tại các tỉnh phía Bắc, là giống lúa ngắn ngày, năng suất khá, có mùi thơm, chất lượng tốt, thích ứng rộng, khả năng chống chịu đồng ruộng tốt.

HDT8 có năng suất cao hơn giống BT7 từ 15 – 20%, có chất lượng cao, hạt gạo dài, trắng, cơm có mùi thơm, mềm, đậm, được đánh giá là tương đương với BT7. Trong sản xuất lúa gạo chất lượng cao, HDT8 được đưa vào sản xuất sẽ mang lại hiệu quả cao hơn giống BT7 từ 15 – 20%. Bên cạnh đó, đặc điểm về chống chịu sâu bệnh, chống đổ và chịu rét tốt hơn sẽ giảm được chi phí trong sản xuất (thuốc bảo vệ thực vật, công lao động), giảm độc hại cho môi trường. Tính ổn định và thích ứng rộng, đảm bảo cho phát triển diện tích giống lúa HDT8 trên phạm vi rộng, cụ thể là trên nhiều loại đất và nhiều vùng sinh thái khác nhau.

Giống lúa HDT8 được đưa vào thử nghiệm sản xuất từ năm 2010 tại các vùng sinh thái thuộc miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ. Tại các điểm thử nghiệm, so với giống lúa BT7 (giống lúa thơm, chất lượng cao đang trồng phổ biến ở các tỉnh phía Bắc), giống lúa HDT8 có nhiều ưu điểm vượt trội, có khả năng thay thế và mở rộng sản xuất tại các tỉnh phía Bắc.

Như vậy, có thể thấy rằng giống lúa HDT8 có một tiềm năng lớn để mở rộng sản xuất tại các tỉnh bao gồm của miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ. Giống lúa HDT8 được mở rộng sản xuất sẽ góp phần tăng cao thu nhập của người sản xuất. Bên cạnh đó, do có hiệu quả cao là động lực cho phát triển tăng diện tích, dẫn đến tăng sản lượng, tăng cung sản phẩm gạo chất lượng cao cho thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Như vậy, giảm nhập khẩu, tăng xuất khẩu gạo chất lượng cao sẽ tiết kiệm được ngoại tệ, góp phần ổn định nền kinh tế.

Để phát triển giống lúa HDT8 ra ngoài sản xuất, đồng thời khai thác tốt nhất tiềm năng năng suất cũng như chất lượng của giống, ta cần quan tâm một số vấn đề như: Quy trình công nghệ sản xuất hạt giống các cấp và quy trình kỹ thuật thâm canh cho giống; Tập huấn, chuyển giao công nghệ cho người sản xuất; Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm để giới thiệu quảng bá giống.

Dự án “Sản xuất thử nghiệm giống lúa HDT8 tại các tỉnh phía Bắc” do ThS. Phạm Đình Phục hiện đang công tác tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm làm chủ nhiệm đề tài đã được tiến hành nhằm xây dựng và chuyển giao các quy trình công nghệ kỹ thuật sản xuất hạt giống, kỹ thuật thâm canh và thử nghiệm sản xuất theo từng vùng sinh thái. Đây là điều kiện cần thiết và cũng là động lực để phát triển mở rộng giống lúa HDT8 ra sản xuất đại trà, khai thác có hiệu quả cao và đảm bảo được tính ổn định của giống.

Sau một thời gian thực hiện, đề tài đã thu được một số kết quả như sau:

- Dự án đã hoàn thiện được 1 quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống và 1 quy trình kỹ thuật thâm canh theo các vùng sinh thái cho giống lúa HDT8, được Hội đồng KHCN cấp cơ sở nghiệm thu đạt kết quả.

- Kết quả hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa HDT8: Dự án đã xây dựng được bảng mô tả của giống lúa HDT8 phân biệt với các giống lúa khác, làm cơ sở cho quá trình sản xuất hạt giống. Tại các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Hồng, thời vụ phù hợp để tiến hành sản xuất hạt giống lúa HDT8 là khoảng 25/01 trong điều kiện vụ xuân và 05/06 trong điều kiện vụ mùa, cấy với mật độ 50 khóm/m2, trên nền phân 1 tấn phân HCVS + 110kg N + 110kg P2O5 + 90 K2O trong cả vụ xuân và mùa. Tại các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, thời vụ gieo cấy phù hợp trong vụ Xuân là từ 05/01 - 15/01 và trong vụ mùa là từ 01/06 - 10/06, cấy với mật độ 50 khóm/m2, trên nền phân 1 tấn phân HCVS + 110 kg N + 110 P2O5 + 80 K2O trong cả vụ xuân và mùa.

- Kết quả hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh giống lúa HDT8: Trong quá trình canh tác giống lúa HDT8 nên áp dụng phương thức làm mạ sân trong vụ xuân và mạ dược trong vụ mùa. Tại các tỉnh thuộc khu vực ĐBSH, trong điều kiện vụ xuân nên gieo cấy vào khoảng 25/01, cấy với mật độ 55 khóm/m2. Trong điều kiện vụ mùa nên gieo cấy vào khoảng 05/06, cấy với mật độ 50 khóm/m2. Tại các tỉnh khu vực Miền Núi Phía Bắc, trong vụ xuân nên gieo từ 15/01 - 25/01, cấy với mật độ 50 khóm/m2. Trong vụ mùa, nên gieo từ 05/06 - 12/06, cấy với mật độ 45 - 50 khóm/m2. Tại khu vực Bắc Trung Bộ, trong điều kiện vụ Đông Xuân, nên gieo từ 05/01 - 15/01 cấy với mật độ 50- 55 khóm/m2. Trong điều kiện vụ Hè Thu, nên gieo từ 25/05 - 05/06 cấy với mật độ 50 khóm/m2. Lượng phân bón sử dụng cho trong cả vụ xuân và mùa tại tất cả các vùng sinh thái là 1,0 tấn phân HCVS + 110 N + 110 P2O5 + 90 K2O, để đảm bảo chất lượng và năng suất của giống nên thu hoạch khi lúa chín 90%.

- Trong các năm 2013 – 2014, Dự án đã sản xuất được 3000 kg hạt giống cấp SNC (2000 kg được chuyển giao cho Công ty Đầu tư NN&PTNT Hà Nội; 1000 kg được chuyển giao cho công ty Cổ phần GCT Con nuôi Ninh Bình phục vụ sản xuất hạt NC và XN); 100 tấn hạt giống cấp NC và 300 tấn hạt giống cấp xác nhận (chuyển giao toàn bộ tới người sản xuất). Sản xuất hạt giống các cấp theo quy trình sản xuất giống lúa (10TCN: 395-2006) của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Chất lượng hạt giống được kiểm định đạt tiêu chuẩn Việt Nam.

- Dự án đã xây dựng được 5 mô hình (50 ha) sản xuất giống lúa HDT8 tại các địa phương: Tứ Kỳ - Hải Dương; Phú Bình - Thái Nguyên; Can Lộc – Hà Tĩnh. Năng suất mô hình đạt từ 5,5 - 6,2 tấn/ha, hiệu quả tăng từ 18 % – 42,7 % so với giống lúa BT7 tại các điểm triển khai Dự án, được người sản xuất đánh giá cao và đề nghị phát triển rộng ra sản xuất.

- 7 lớp tập huấn (500 lượt người) về kỹ thuật sản xuất hạt giống và kỹ thuật thâm canh giống lúa HDT8. Lớp tập huấn đã cung cấp cho người sản xuất đầy đủ các thông tin về giống lúa mới, những kỹ thuật trong sản xuất hạt giống và kỹ thuật thâm canh đối với giống lúa HDT8 tại các vùng sinh thái.

- Trong các năm triển khai dự án, diện tích sản xuất giống lúa HDT8 trên đồng ruộng được mở rộng đạt trên 2.000 ha. Hồ sơ công nhận chính thức HDT8 đã được hội đồng KHCN cấp cơ sở thông qua và đề nghị cho công nhận chính thức cấp Bộ.

 

Nguồn: https://www.most.gov.vn/

Số lượt đọc: 3975

Về trang trước Về đầu trang