Tin KHCN trong nước
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Khánh Hòa” cho sản phẩm ốc hương (15/11/2021)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 09/11/2021, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 5160/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00113 cho sản phẩm ốc hương “Khánh Hòa”. Hội nghề cá tỉnh Khánh Hòa là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Khánh Hòa là một tỉnh ven biển nằm trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Khi nói đến các món ăn ngon của biển ở Khánh Hòa người ta nghĩ ngay đến các món ăn chế biến từ “Đệ nhất ốc” đó là ốc hương.

Ốc hương Khánh Hòa có khối lượng ruột ốc từ 4,8 - 5,5g/con, phần gan tụy lớn, khối lượng tuyến gan tụy từ 1,55 - 1,87g/con, hàm lượng nước ít, hàm lượng nước từ  66,3 - 67,1%, vì vậy khi chế biến, thịt ốc ít bị hao, còn khi ăn thịt ốc có mùi thơm, vị ngọt tự nhiên, hương vị đậm đà hơn ốc hương nuôi ở các tỉnh khác. 

Hình 1. Khối gan, tụy của ốc hương Khánh Hòa 

Tỉnh Khánh Hòa có bờ biển dài với một hệ thống vũng vịnh, đảo, bán đảo, cửa sông, đầm phá, ít bị gió bão. Đặc thù địa hình này giúp cho hình thức nuôi ốc hương tại Khánh Hòa đa dạng. Ngoài nuôi ốc hương bằng lồng trên biển, người dân địa phương còn nuôi ốc hương trong ao, trong đầm bằng cách dẫn nước từ biển vào.

So với các địa phương khác, tỉnh Khánh Hòa có môi trường nước biển ổn định quanh năm, nhiệt độ nước biển trung bình dao động từ 28,9 - 30oC, nồng độ muối từ 32,4 - 33‰, hàm lượng ôxy hoà tan trong nước cao từ 5,0 - 5,3mg/l, hàm lượng NH4 và NO2 dưới ngưỡng cho phép. Môi trường nuôi này tương đối sạch, nhờ vậy, ốc hương ít bị bệnh, người dân tại tỉnh Khánh Hòa có thể chủ động được nguồn giống. Việc chủ động nguồn giống giúp cho người nuôi ốc hương tại tỉnh Khánh Hòa có nhiều cơ hội lựa chọn giống tốt để thả nuôi.

Người dân Khánh Hòa nuôi ốc hương 2 vụ/năm (vụ chính thả giống từ tháng 3 - tháng 4, vụ phụ thả giống từ tháng 9 - tháng 10), trong khi các tỉnh khác phải nhập giống ốc hương từ Khánh Hòa về nuôi và chỉ nuôi được 1 vụ/năm. Vào vụ nuôi phụ, mặc dù đây là mùa mưa ở tỉnh Khánh Hòa nhưng do đặc điểm khu vực nuôi ốc hương không gần cửa sông lớn nên độ mặn và nhiệt độ nước vẫn đảm bảo cho ốc hương sinh trưởng và phát triển tốt. 

Không giống với các địa phương khác là dùng công cụ thô sơ tự chế để đào xới, đảo nền đáy nuôi ốc hương, thì tại tỉnh Khánh Hòa, người dân dùng máy sục xới đảo nền đáy. Máy xới đảo sẽ giúp nền đáy nuôi ốc hương được xới đảo đều hơn, nhờ đó nền đáy sạch đều hơn. Mặt khác, việc dùng máy xới đảo sẽ giúp các nguồn thức ăn trong khu vực nuôi được phân tán đều, do đó, trong một vụ nuôi, phần lớn khối lượng con ốc hương Khánh Hòa đồng nhất, ít xảy ra tình trạng con to con bé, phiến vân trên vỏ ốc cách đều nhau. Ở các khu vực nuôi có nền đáy bẩn, ốc hương hay bị bệnh, phiến vân trên vỏ ốc không đều nhau. 

                                          

 Hình 2. Ốc hương Khánh Hòa

Thức ăn cho ốc hương chủ yếu là các loại được khai thác tự nhiên trên vùng biển Khánh Hòa, như cá dìa, cá nục, cá sơn nhão, cá cơm, được người dân địa phương tính toán phù hợp để tránh xảy ra tình trạng thức ăn dư thừa.

Khu vực địa lý: Xã Vạn Thọ, xã Vạn Phước, xã Vạn Khánh, xã Vạn Thắng, xã Vạn Hưng, xã Vạn Thạnh, thị trấn Vạn Giã thuộc huyện Vạn Ninh; Xã Ninh Phú, xã Ninh Phước, phường Ninh Thủy, phường Ninh Hải thuộc thị xã Ninh Hòa; Xã Cam Thịnh Đông, xã Cam Bình, phường Cam Nghĩa, phường Cam Phúc Bắc, phường Cam Phúc Nam, phường Cam Thuận, phường Cam Linh thuộc thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Nguồn: ipvietnam.gov.vn

Số lượt đọc: 3072

Về trang trước Về đầu trang