Tin KHCN trong nước
Việt Nam: Phát triển công nghệ ứng dụng IoT phục vụ tương lai (27/11/2021)
-   +   A-   A+   In  
Một nhóm nghiên cứu bao gồm 24 thành viên đang xây dựng một bản đồ lộ trình và xu hướng phát triển công nghệ mới trên thế giới, từ đó xác định những công nghệ ưu tiên cần đầu tư tại Việt Nam để phục vụ cho phu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

Nhóm nghiên cứu gồm 24 thành viên của Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC vừa thực hiện đề tài "Xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình đổi mới công nghệ trong việc phát triển và ứng dụng IoT tại Việt Nam". Bắt tay làm từ tháng 1/2019, đến cuối tháng 6/2021 đề tài hoàn thành.

TS Đặng Minh Tuấn, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC cho hay, dù công nghệ IoT đã phát triển mạnh trên thế giới nhưng ở Việt Nam, công nghệ mới chỉ xuất hiện trong một số lĩnh vực. Điều đáng nói, các giải pháp IoT chủ yếu là nhập khẩu, khả năng sản xuất và làm chủ công nghệ ở Việt Nam chưa cao.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng bản đồ công nghệ IoT mô tả, phân tích hiện trạng và khả năng sử dụng công nghệ, mối tương quan giữa các loại công nghệ, sản phẩm, thị trường và nhận diện các xu hướng phát triển công nghệ. Nhìn vào bản đồ có thể biết được thông tin về số lượng, chủng loại công nghệ, công nghệ nào không có, công nghệ nào Việt Nam đang có và năng lực so với thế giới như thế nào... Bản đồ cũng thể hiện xu hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ mới trên thế giới.

Dựa trên phân tích hiện trạng công nghệ, thị trường, nhóm thực hiện xác định được 17 công nghệ ứng dụng ưu tiên gồm: Công nghệ cảm biến (không dây, năng lượng thấp), phần cứng truyền thông không dây, chế tạo pin dung lượng cao, chế tạo vi xử lý dùng cho các phần cứng truyền thông, xử lý AI và bảo mật tại biên, làm chủ các thuật toán AI trong xử lý ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

Các công nghệ như triển khai các thuật toán AI xuống phần cứng GPU, FPGA, ASIC, AI chip, xây dựng, làm chủ IoT platform chuyên biệt cho từng lĩnh vực, công nghệ nhận diện khuôn mặt, mống mắt, chống giả mạo xác thực hay các công nghệ chống tấn công (tường lửa, antivirus, IDS/IPS)... cũng đang là xu hướng cần quan tâm.

image105-jpeg-8242-1637660039

TS Đặng Minh Tuấn (thứ ba từ phải sang) cùng một số thành viên nhóm nghiên cứu. Ảnh: CMC 

TS Tuấn cho biết, ở Việt Nam đã có một số nghiên cứu tương tự về việc xây dựng bản đồ công nghệ Việt Nam cho các lĩnh vực khác nhưng với IoT thì chưa có.

Bản đồ công nghệ IoT tổng hợp một cách cơ bản và có hệ thống các công nghệ hiện có tại Việt Nam và trên thế giới, mối liên hệ giữa sản phẩm - công nghệ. Từ đây nhóm đề xuất các sản phẩm ưu tiên, trọng tâm là một số ngành Việt Nam có thế mạnh hoặc có nhu cầu cao trong phát triển và ứng dụng IoT.

Nhóm đã thực hiện đánh giá xu hướng của thế giới và khoảng cách công nghệ của Việt Nam, xây dựng phần mềm khai thác và xử lý số liệu bao gồm cơ sở dữ liệu hồ sơ công nghệ phục vụ nhu cầu tìm kiếm, đánh giá, phân tích, dự báo phát triển công nghệ và sản phẩm.

ban-do-cong-nghe-6148-1637660039

Bản đồ công nghệ IoT của nhóm nghiên cứu. 

Dựa trên bản đồ có thể xác định cần ưu tiên phát triển hệ thống nuôi trồng thủy sản, quản lý kho chứa, giám sát vật nuôi, thu thập dữ liệu mạng xã hội, tư vấn trả lời tự động, điều hành giao thông, giám sát giao thông, môi trường, an ninh, hệ thống kho tự động, tự động hóa và điều khiển giám sát mạng cung cấp điện, giám sát sức khỏe bệnh nhân, cố vấn và giám sát đường cao tốc, hệ thống tín hiệu giao thông thông minh, giám sát thông minh, an ninh, hỏi đáp tương tác thông tin, xử lý chất thải, thu gom rác...

Trên cơ sở các phân tích lựa chọn danh mục sản phẩm, công nghệ ưu tiên, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được lộ trình công nghệ IoT giai đoạn 2021-2030, định hướng 2035. Lộ trình cho 9 lĩnh vực: nông nghiệp, du lịch, đô thị, giao thông, công nghiệp, tòa nhà, y tế, giáo dục, môi trường. Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn ba doanh nghiệp thuộc ba nhóm điển hình để xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ riêng.

Theo TS Tuấn, đối với các doanh nghiệp, muốn xây dựng lộ trình này cần phải thiết kế mô hình riêng dựa trên các yếu tố chính như phạm vi hoạt động, thị trường mục tiêu, định hướng chiến lược, năng lực công nghệ, cơ sở hạ tầng và nguồn lực...

Mục tiêu của nhóm nghiên cứu hướng đến là nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, từ đó gia tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước trước thách thức toàn cầu hóa. Đồng thời giúp họ tận dụng được các cơ hội do IoT mang lại, giảm thiểu các rủi ro về đầu tư chệch hướng do thiếu thông tin và thiếu định hướng.

Thông tin trên bản đồ cũng hỗ trợ các nhà quản lý trong việc định hướng chiến lược phát triển ngành, hay ra các quyết định đầu tư ứng dụng công nghệ IoT.

CMC-3-jpeg-6589-1637660039

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh để ứng dụng IoT. Ảnh: CMC 

TS Nguyễn Đức Hoàng, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao nghiên cứu này. Qua bản đồ, doanh nghiệp có thể đánh giá năng lực công nghệ của mình so với các đối thủ cạnh tranh, tìm cơ hội kinh doanh, tối ưu hóa quá trình đầu tư đổi mới công nghệ. Đây là dữ liệu để cơ quan quản lý xây dựng, triển khai, đánh giá các chiến lược, định hướng phát triển công nghệ của ngành, lĩnh vực và địa phương phù hợp với năng lực hiện có và mục tiêu trong tương lai.

Nghiên cứu này là cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đóng góp thực thi các chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, chương trình phát triển sản phẩm quốc gia.

Nguồn: sohuutritue.net.vn

Số lượt đọc: 3382

Về trang trước Về đầu trang