Tin KHCN trong nước
Phát hiện nhanh gạo và cà phê bị pha trộn bằng phương pháp phổ hồng ngoại (03/11/2021)
-   +   A-   A+   In  

Phương pháp do PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM và TS Nguyễn Quốc Cường, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, nghiên cứu cho phép phát hiện một số nông sản giả mạo hoặc bị trộn lẫn một cách chính xác mà không phải dùng đến hóa chất.

Tại Hội thảo “Ứng dụng phương pháp phổ hồng ngoại để xác thực nhanh chất lượng nông sản” do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM tổ chức ngày 29/10, PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy cho biết, Việt Nam có hơn 150 loai gạo khác nhau và thực tế hiện nay có một số doanh nghiệp phối trộn gạo chất lượng cao và gạo chất lượng thấp như Jasmin 85 và Đài Thơm hoặc OM 6976 với IR50404, nhằm giảm giá thành sản phẩm.
 
Bên cạnh đó, khi một thương hiệu gạo nào được ưa thích, các nhà bán lẻ cũng sẽ trộn chúng với loại gạo giá trị thấp hơn để tăng lợi nhuận, điều đó làm mất niềm tin của người tiêu dùng với thương hiệu. Vì vậy, người tiêu dùng khó biết được đâu là gạo chất lượng, có bị phối trộn hay không. Doanh nghiệp làm ăn chân chính thì lo lắng khi tạo ra một thương hiệu gạo nào đó, thường bị làm giả rất nhanh. Tương tự với cà phê, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng pha trộn cà phê nguyên chất với một số chất độn khác như bắp, đậu nành để giảm giá thành sản phẩm.
 
G
Khó phân biệt gạo thật, giả hay bị trộn lẫn trên thị trường Ảnh: NNC
 
Để bảo phát hiện nhanh tình trạng giả mạo hay phối trộn nguyên liệu, theo TS Duy, đã có các phương pháp hóa học như HPLC (sắc ký lỏng hiệu năng cao), GCMS (sắc ký khí khối phổ). Tuy nhiên, các phương pháp này đòi hỏi thiết bị đắt tiền, tiêu tốn nhiều mẫu, và yêu cầu nhân lực trình độ cao và sử dụng hóa chất, ảnh hưởng đến môi trường.
 
Trước thực tế đó, nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu phương pháp mới, đó là dùng quang phổ hồng ngoại. Dựa vào các rung động của các phân tử trong thực phẩm sẽ tạo thành các phổ đặc biệt, sau đó phân tích phổ bằng phần mềm chuyên dụng, có thể phát hiện những mẫu giả mạo.
 
C
Cà phê cũng thường bị pha trộn với các chất độn khác Ảnh: NNC
Đầu tiên, nhóm tác giả tạo cơ sở dữ liệu cho mẫu chuẩn từ 216 mẫu gạo thu thập tại các tỉnh Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang và Sóc Trăng. Trong đó, sử dụng 5 loại gạo được chia làm 3 nhóm giá trị cao (Đài Thơm 08, ST24), trung bình (M5451, OM6976), thấp (IR50404) để phối trộn. Thiết bị quang phổ cận hồng ngoại (NIRS) được sử dụng trong nghiên cứu là SCiO.
 
Nhóm thu thập phổ hồng ngoại của các mẫu gạo thu thập được để lấy dữ liệu, và các mẫu gạo trộn giá trị cao với giá trị thấp ở các tỷ lệ khác nhau. Sau đó nhóm tiền xử lý phổ bằng các phương pháp (hiệu chuẩn phân tán nhiều lần, biến đổi chuẩn hóa kết hợp đạo hàm bậc 1). Ngoài ra, nhóm sử dụng phần mềm xử lý số liệu Stat graphic Centurin XV và SIMCA 16 (phân tích phổ). Kết quả cho thấy, nếu phối trộn 5% (mẫu giả) thì phương pháp này phân biệt được một cách chính xác.
 
TS Duy cho biết, qua nghiên cứu cho thấy, có thể sử dụng phương pháp quang phổ hồng ngoại để xác thực chất lượng gạo cũng như phân biệt các mẫu trộn gạo chất lượng thấp vào chất lượng cao. Đồng thời, có thể xác nhận xuất xứ địa lý của cùng một giống gạo nhưng trồng ở nhiều vùng khác nhau. Ngoài ra, có thể phân biệt giữa gạo hữu cơ và gạo thường của cùng một giống gạo.
 
c
Thiết bịSCiO (trái) và biểu đồ phân tán mẫu gạo nguyên, phối trộn 5% Ảnh: NNC
 
Tương tự với cà phê, nhóm sử dụng 11 loại cà phê robusta ở lâm đồng, Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, và bắp rang, nghiền mịn. Qua phân tích phổ hồng ngoại, nhóm phân biệt được các mẫu cà phê nguyên chất và các mẫu cà phê trộn bắp với tỷ lệ trộn 5%, 20%.
 
Theo TS Duy, đây là phương pháp không tốn nhiều thời gian, dễ thực hiện với thiết bị đơn giản. Mẫu sau khi thực hiện phân tích phổ không bị mất, cho hiệu quả cao và không phải sử dụng hóa chất. Nhóm nghiên cứu mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản để phát triển, mở rộng công nghệ này, không chỉ ở lúa gạo mà còn có thể phát hiện giả mạo ở các nông sản khác như cà phê, yến, nước mắm, rượu vang,…
 

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Số lượt đọc: 3488

Về trang trước Về đầu trang