Tin KHCN trong nước
'Sáng chế phải bám sát nhu cầu thị trường mới có giá trị' (04/11/2021)
-   +   A-   A+   In  

Sáng chế cần gắn với sự trăn trở hay “nỗi đau” của doanh nghiệp, để đưa ra các giải pháp mới đáp ứng nhu cầu cần thiết của thị trường – đó là nhận định của ông Đỗ Hùng, Chủ tịch Novaedu tại hội thảo trực tuyến “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên sáng chế, công nghệ và tài sản trí tuệ”.

Theo ông Đỗ Hùng, hiện nay, một sáng chế hay giải pháp sở hữu trí tuệ thường đến từ nhu cầu thị trường. Đối với nhiều nhà khoa học đôi khi sự sáng chế, giải pháp xuất phát từ chuyên môn của nhà nghiên cứu là cái mà họ cho rằng quan trọng nhất, nhưng thực tế khi đưa ra thị trường lại không được đón nhận. Do đó, sáng chế cần gắn với sự trăn trở hay “nỗi đau” của doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp mới đáp ứng nhu cầu cần thiết của thị trường. Tất cả giải pháp nhằm đi vào cuộc sống người dân, thương mại hóa được, thực sự có giá trị thì ngay từ khâu nghiên cứu phải xuất phát từ nhu cầu của thị trường, tránh được xu thế xuất phát từ những gì mình có.

Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu, sáng chế dù vĩ đại đến đâu nếu đi sớm quá nhu cầu xã hội cũng không thành công, muộn quá cũng không thành công. Do vậy, sáng chế phải bám sát nhu cầu thị trường mới có giá trị, nếu không đáp ứng nhu cầu đa số của người dân thì cũng khó thành công.

 Ảnh minh họa.

Bắt đầu từ nhu cầu thị trường, sáng chế cũng cần tính đến các yếu tố phải làm sao để đảm bảo yếu tố thành công, thu hút được nhà đầu tư, sự sẵn sàng chi trả cho giải pháp của người dùng. Nhiều giải pháp rất hay nhưng không được người dùng đón nhận, nên cũng chia tay sớm thị trường. Do đó phải bắt đầu từ sự sẵn sàng chi trả của người dùng. Quy mô chi trả, nhu cầu của thị trường phải đủ lớn thì mới có thể đạt thành công.

Theo phân tích của ông Đỗ Hùng, nếu 1 sáng chế được sự công nhận của cộng đồng thì giá trị sáng chế sẽ nâng lên rất nhiều. Năm 2020, Novaedu có tổ chức cuộc bình chọn trực tuyến các giải pháp khởi nghiệp, chỉ trong 2 tuần có hơn 7.000 đăng ký và thu hút hàng triệu lượt truy cập từ nhiều nước, chứng tỏ nhu cầu tìm hiểu, chia sẻ về các giải pháp sáng chế rất lớn.

Cũng theo ông Hùng, một sáng chế, giải pháp đạt giá trị phải là sự kết hợp của 3 yếu tố: Giải pháp sáng chế, sẵn sàng chi trả và quy mô chi trả.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cho rằng, cần phải tăng cường hoạt động thực thi quản lý nhà nước để tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ của các giải pháp đổi mới sáng tạo. Theo ông Hải, nếu không bảo vệ được quyền tác giả, quyền sở hữu sáng tạo thì sẽ không khuyến khích được khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo phát triển.

Trong khi đó, ông Bạch Kim Khương, thành viên Hội sáng chế Việt Nam lại có quan điểm, niềm tin của người tiêu dùng cần gắn với chất lượng, để phát triển bền vững phải có chất lượng tạo nên niềm tim. Ông Khương cũng kiến nghị, mong cơ quan nhà nước phụ trách cấp bằng cho các nhà sáng chế, cần giải quyết thủ tục cấp bằng nhanh để các nhà sáng chế triển khai, khai thác tài sản của mình.

Nguồn: Vietq.vn

Số lượt đọc: 3940

Về trang trước Về đầu trang