Tin KHCN trong nước
Phát triển chính phủ điện tử hướng đến chính phủ số, kinh tế số (19/09/2021)
-   +   A-   A+   In  

Bộ TT-TT cho biết, để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển Chính phủ điện tử trong giai đoạn mới, nhiều quy định hiện hành phải được thay thế, bổ sung và xây dựng thêm nhiều quy định mới.        

Tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều tham luận đề cập tới việc thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xây dựng Chính phủ số trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Tại Báo cáo của Bộ Tư pháp về một số yêu cầu đặt ra đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế giai đoạn 2021-2026 và định hướng đến năm 2030, Bộ Tư pháp đề xuất nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý thử nghiệm đối với các mô hình kinh doanh mới theo hướng khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển tinh tế số, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo đảm trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.

Việc xây dựng khung pháp lý thử nghiệm đối với các mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo cần bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất với quá trình hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Đề cập tới giải pháp trong tổ chức thực hiện xây dựng thể chế, Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) đề nghị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phối hợp: tăng cường trao đổi trực tuyến, sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy, thực hiện trao đổi thông tin qua môi trường mạng giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp để giảm thiểu các chi phí, thủ tục không cần thiết, giảm thời gian lưu chuyển hồ sơ, giấy tờ.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, điểm nổi bật trong cải cách thuế của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua là công tác cải cách chính sách thuế luôn đi kèm với việc thực hiện đẩy mạnh cải cách về quản lý thuế.

Công tác quản lý thuế ngày càng được hoàn thiện theo hướng công khai minh bạch, tạo điểu kiện thuận lợi và giảm chi phí tuân thủ cho đối tượng nộp thuế và cơ quan thuế.

Phương thức quản lý thuế đã được chuyển sang chế độ tự khai, tự nộp, qua đó đề cao nghĩa vụ, trách nhiệm của người nộp thuế và cơ quan thuế, từng bước dựa trên nền tảng quản lý rủi ro, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế.

Trong định hướng nội dung cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2025, một trong các mục tiêu được Bộ Tài chính đề ra là công tác quản lý thuế được thực hiện thống nhất, minh bạch dựa trên nền tảng thuế điện tử và 3 trụ cột cơ bản: Thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; Nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; Công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số.

Tạo điều kiện phát triển hướng tới chính phủ số

Để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển Chính phủ điện tử trong giai đoạn mới, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết nhiều quy định hiện hành phải được thay thế, bổ sung, đồng thời nhiều quy định mới cần được xây dựng để tạo điều kiện phát triển hướng tới chính phủ số.

Theo đó, hoàn thiện chính sách pháp luật về chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và kinh tế số cần hoàn thiện xây dựng Luật Viễn thông sửa đổi để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ hạ tầng số phục vụ cho phát triển của chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Hoàn thiện xây dựng Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và các văn bản hướng dẫn nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc về hoạt động giao dịch điện tử và bổ sung các nội dung mới của hoạt động kinh tế số như kinh tế nền tảng, kinh tế dữ liệu, mô hình kinh tế số ngành/lĩnh vực.

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Lưu trữ để có quy định về lưu trữ điện tử, tạo điều kiện pháp lý cho việc thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn trong hoạt động và quy trình làm việc của các cơ quan, tổ chức nhà nước.

Nghiên cứu, xây dựng Luật Chính phủ số và các văn bản hướng dẫn nhằm tạo điều kiện phát triển chính phủ số.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Số lượt đọc: 1391

Về trang trước Về đầu trang