Tin KHCN trong nước
Chương trình KH&CN cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016-2020: Bước tiến về năng lực KH&CN vũ trụ của Việt Nam (28/09/2021)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 27/9/2021, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình KH&CN cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ (CNVT) giai đoạn 2016-2020. Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Chu Hoàng Hà, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cùng các nhà khoa học, nhà quản lý của các bộ/ngành liên quan. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.

Báo cáo tại Hội nghị, PGS.TS Doãn Minh Chung - Chủ nhiệm Chương trình KH&CN vũ trụ giai đoạn 2016-2020) cho biết, Chương trình KH&CN cấp quốc gia về CNVT  giai đoạn 2016-2020 đã triển khai theo đúng các mục tiêu đề ra và cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cụ thể, Chương trình đã thực hiện 38 đề tài với hàm lượng KH&CN cao, đáp ứng được các nhu cầu cấp thiết về nghiên cứu triển khai, ứng dụng công nghệ vũ trụ giải quyết các vấn đề cấp bách của đời sống, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Nhiều đề tài đã có những đóng góp nổi bật như: ứng dụng viễn thám và GIS nghiên cứu xu thế biến động điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên làm cơ sở khoa học định hướng phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng biển, đảo Tây Nam Việt Nam; ứng dụng ảnh vệ tinh VNREDSat-1 trong nghiên cứu đánh giá tổng hợp hiện trạng và biến động môi trường khu vực quần đảo Trường Sa phục vụ bảo vệ môi trường và quốc phòng an ninh; nghiên cứu ứng dụng viễn thám và GIS trong quản lý, giám sát đường biên và trợ giúp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới phía Bắc, ứng dụng cho tỉnh Cao Bằng... Trong hướng phát triển công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, công nghệ trạm mặt đất và các công nghệ liên quan khác có các sản phẩm như: chế tạo được mẫu tên lửa nghiên cứu (sounding rocket) đưa thiết bị khoa học để thử nghiệm thu thập dữ liệu khí quyển tầng cao; tiếp cận công nghệ sử dụng khinh khí cầu thả ở tầng bình lưu tích hợp công nghệ trạm thu phát thông tin để giám sát, dẫn đường, tìm kiếm cứu hộ và đo đạc thông số vật lý môi trường tầng khí quyển; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo được vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano có tên gọi là NanoDragon (đã được chuyển sang Nhật Bản để phóng lên quỹ đạo vào tháng 10 tới); thiết kế và chế tạo hệ thống anten bám kiểu hexapod cho vệ tinh quan sát Trái đất... Bên cạnh đó, Chương trình đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng dự thảo về Chiến lược Nghiên cứu và ứng dụng CNVT đến 2030, tầm nhìn 2040, Dự thảo Quy định kỹ thuật bộ dữ liệu tính toán phát thải carbon tại điều kiện Việt Nam sử dụng tư liệu viễn thám; công bố 258 bài báo khoa học, xuất bản 4 bộ sách chuyên khảo phục vụ nghiên cứu và đào tạo sau đại học. Các đề tài của Chương trình cũng hỗ trợ đào tạo cho 14 nhóm nghiên cứu mạnh về ứng dụng CNVT; 36 nghiên cứu sinh và 75 thạc sỹ, 9 kỹ sư/cử nhân.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu trực tiếp.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đánh giá cao sự nỗ lực của các nhà khoa học tham gia Chương trình, khẳng định các kết quả của Chương trình đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra. Thứ trưởng nhấn mạnh, mặc dù Việt Nam còn nhiều khó khăn để phát triển CNVT nhưng đây là hướng nghiên cứu rất cần thiết và nghiên cứu CNVT là một quá trình lâu dài, kiên trì, cần có sự kế thừa và tiếp nhận những công nghệ tiên tiến trên thế giới. Thứ trưởng mong muốn trong thời gian tới, các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực này sẽ có hiệu quả hơn nữa, có sự thống nhất và tích hợp để bổ sung sức mạnh cho nhau, đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội và tiềm lực KH&CN cho đất nước.

Nguồn: vjst.vn

Số lượt đọc: 3136

Về trang trước Về đầu trang