Tin KHCN trong nước
Từng bước làm chủ công nghệ, thực hiện ước mơ chinh phục không gian (26/09/2021)
-   +   A-   A+   In  

Ngày 1/10 tới đây, vệ tinh NanoDragon “Made in Việt Nam” - vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng 3,8 kg với kích thước 3U (100 x 100 x 340,5 mm) dự kiến được phóng lên quỹ đạo. Cùng với những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành vũ trụ của Việt Nam được đánh giá là “non trẻ” nhưng cũng đầy tiềm năng và cần sự tiếp sức hơn nữa.

Dấu ấn phát triển vệ tinh “Made in Vietnam”

 

Thời gian qua, ngành vũ trụ Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định như: Phóng 2 vệ tinh viễn thông VINASAT, 1 vệ tinh quan sát trái đất VNREDSat và tự phát triển 3 vệ tinh nhỏ (PicoDragon, NanoDragon và MicroDragon).

 

Ngày 1/10 tới đây, vệ tinh NanoDragon dạng cubesat lớp nano nặng 3,8 kg với kích thước 3U sẽ được phóng bởi tên lửa Epsilon 5 tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, Nhật Bản. Sau đó, vào cuối năm 2023, vệ tinh LOTUSat-1 dự kiến được đưa lên quỹ đạo. Đây sẽ là vệ tinh quan sát trái đất sử dụng công nghệ radar đầu tiên của Việt Nam, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và rất phù hợp với điều kiện khí hậu của chúng ta.

 

Để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, tiến tới làm chủ công nghệ tự sản xuất vệ tinh nhỏ của Việt Nam, bên cạnh việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ chế tạo vệ tinh, đào tạo nguồn nhân lực, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm vệ tinh đến 200 kg cũng được thực hiện trong Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

 

Ngoài ra, các nhà khoa học tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam còn có nhiều sản phẩm về ứng dụng công nghệ vũ trụ như: Cơ sở dữ liệu vệ tinh Vietnam Datacube, các hệ thống theo dõi mất rừng nhanh, giám sát rừng, giám sát lúa, giám sát lũ lụt; các hệ thống thông tin nông nghiệp sử dụng công nghệ vũ trụ kết hợp với các trạm đo sử dụng thiết bị internet vạn vật (IoT) giúp giám sát thời gian thực…

 

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, PGS. TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, Việt Nam đã rất chậm so với thế giới trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, nếu chúng ta không bắt đầu phát triển, mãi mãi sẽ chỉ là con số 0. Tuy nhiên Việt Nam đã nắm bắt được xu thế phát triển vũ trụ của thế giới, lựa chọn công nghệ phù hợp phục vụ đất nước trong điều kiện hạn hẹp về tiềm lực kinh tế và nguồn lực đầu tư.

 

Ngày nay, với sự tiến bộ của KH&CN, xu thế kích thước của vệ tinh ngày càng nhỏ đi, thời gian chế tạo ngắn lại, yêu cầu công nghệ cũng đơn giản hơn, đây chính là cơ hội cho các quốc gia như Việt Nam có thể tham gia vào cuộc chơi này. Tuy nhiên, chúng ta không nên nhìn dưới con mắt cạnh tranh, mà nên tham gia với tâm thế hợp tác, phối hợp, chia sẻ dữ liệu. Công nghệ AI, Bigdata ngày càng phát triển, các dữ liệu ngày càng cần nhiều hơn, nếu Việt Nam tham gia đóng góp được vào nguồn dữ liệu này, chúng ta cũng dễ dàng tiếp cận hơn với các nguồn dữ liệu khác hay các kết quả được trích xuất từ đó ra.

 

Do đó, hiện nay, Chính phủ đã định hướng vào phát triển và ứng dụng vệ tinh nhỏ, từng bước xây dựng chùm vệ tinh nhỏ quan sát trái đất của Việt Nam. Đây chính là một trong những công nghệ tốt nhất, ảnh hưởng sâu rộng nhất trong các công nghệ vũ trụ góp phần hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của một quốc gia được đưa ra bởi Liên Hợp Quốc.

 

PGS. TS Phạm Anh Tuấn hy vọng với cách tiếp cận này, trong 10 đến 20 năm tới Việt Nam có thể tiệm cận được công nghệ vệ tinh của thế giới.

 

Cần định hướng phát triển cân đối và bền vững

 

Ngày 4/2/2021, “Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành (tại Quyết định số 169/QĐ-TTg). Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm ứng dụng rộng rãi thành tựu của khoa học và công nghệ vũ trụ; phấn đấu làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo, tích hợp các cảm biến quang học, ra-đa cho vệ tinh quan sát trái đất và phát triển thị trường, hỗ trợ khởi nghiệp dần hình thành nền công nghiệp vũ trụ của Việt Nam.

 

PGS.TS Phạm Anh Tuấn nhận định chiến lược đã cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển khoa học và công nghệ vũ trụ trong nước thời gian tới; tạo nhiều cơ hội cho các nhà khoa học, nhà sản xuất, doanh nghiệp và các thành phần liên quan lĩnh vực này phát triển.

 

Trong tương lai gần, Việt Nam cần chủ động về công nghệ vũ trụ, đặc biệt là công nghệ vệ tinh, như chúng ta đang rất mong sớm chủ động công nghệ sản xuất vaccine trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

 

Tuy nhiên, cũng theo PGS. TS Phạm Anh Tuấn, con đường phát triển ngành vũ trụ Việt Nam là một chặng đường rất dài, chông gai, cần nhiều nỗ lực và đầu tư chiến lược dài hạn để tạo ra được những sản phẩm có tính ứng dụng cao hơn nữa. Đảng và Nhà nước nên xác định không gian vũ trụ là một trong 5 không gian (vùng đất, vùng trời, vùng biển, không gian mạng và không gian vũ trụ) mà Việt Nam cần làm chủ để bảo vệ quyền lợi quốc gia.

 

Ngoài ra, công nghệ vũ trụ cần có sự đầu tư lớn về các nguồn lực tài chính, nhân lực và cả thời gian. Nếu không có một sự bảo đảm về định hướng, rất khó có một tổ chức nào dám đầu tư. Từ đó, Đảng và Chính phủ cần bảo đảm định hướng phát triển cân đối và bền vững cho lĩnh vực này bằng việc xây dựng Luật Vũ trụ của Việt Nam, đây là tiền đề để cho các thành phần khác yên tâm đầu tư phát triển.

 

Bên cạnh đó, để phát triển khoa học vũ trụ cũng như ngành công nghiệp vũ trụ, nước ta cần thúc đẩy nhu cầu khai thác các ứng dụng từ công nghệ vũ trụ, tạo nhu cầu đủ hấp dẫn các thành phần kinh tế, các startup công nghệ cùng tham gia xây dựng nền kinh tế vũ trụ; tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, rút ngắn khoảng cách để có thể tham gia đóng góp vào các chương trình nghiên cứu chung của thế giới. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách nuôi dưỡng nguồn nhân lực hiện có bằng môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ tốt, thu hút và chuẩn bị nguồn nhân lực kế cận. Việt Nam cũng cần sớm tham gia các công ước của Liên Hợp Quốc về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình.

 

“Trong lĩnh vực này, rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ để tăng cường khả năng phối hợp giữa các bộ, ngành, tránh đầu tư phát triển không đồng bộ, trùng lặp thiếu hiệu quả; sự hỗ trợ về nguồn lực, cơ chế để chúng ta có thể thực hiện hóa giấc mơ làm chủ công nghệ, từng bước chinh phục không gian”, PGS. TS Phạm Anh Tuấn cho hay.

Nguồn: Chinhphu.vn

Số lượt đọc: 4116

Về trang trước Về đầu trang