Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị quang đông cầm máu (APC) cho mô mềm (10/09/2021)
-   +   A-   A+   In  
Hiện nay, trong phẫu thuật mở người ta thường áp dụng nhiều công nghệ khác nhau như: phẫu thuật điện cao tần (Electrosurgery), phẫu thuật bằng laser, liệu pháp Quang động học PDT (Photodynamic Therapy),… Mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm riêng và thường được áp dụng trong từng trường hợp cụ thể.

Phương pháp phẫu thuật điện cao tần được sử dụng để cắt bỏ các mô mềm thay cho phương pháp phẫu thuật bằng dao mổ thông thường. Ưu điểm của phương pháp này là khả năng cầm máu cao, giảm xuất huyết trong quá trình phẫu thuật; chi phí phẫu thuật thấp;... Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của phương pháp này là gây tổn thương cho các mô xung quanh khu vực phẫu thuật do tác động nhiệt; xuất hiện khói trong quá trình đốt mổ, cản trở thao tác trong quá trình phẫu thuật và tiềm ẩn lây nhiễm do dao mổ tiếp xúc trực tiếp với mô.

Phương pháp phẫu thuật bằng Laser cũng đã trở nên phổ biến tại nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Những loại Laser thường được sử dụng gồm có: Laser CO2, Laser Nd: YAG (Neodymium - Yttri-Aluminium-Garnet), Laser KTP (Kali Titanyl Phosphate), Laser KTP: YAG, Laser Argon. Nhìn chung phương pháp phẫu thuật bằng Laser có nhiều ưu điểm như: hiệu quả cao, ít để lại di chứng, thời gian phục hồi sau phẫu thuật ngắn. Tuy nhiên, chúng cũng có một số hạn chế như độ sâu vết mổ chỉ vào khoảng 3 - 4 mm và chi phí phẫu thuật cao.

Liệu pháp quang động học PDT hay còn được gọi là quang hóa trị liệu (Photochemotherapy), là một hình thức trị liệu bằng ánh sáng. Phương pháp này liên quan đến nguồn sáng và một chất hoá học nhạy quang PS (Photosensitizer). Nó được sử dụng kết hợp với oxy nguyên tử để tạo độc tố đối với tế bào nhạy quang. Ưu điểm của phương pháp PDT là ở khả năng diệt các tế bào vi khuẩn, bao gồm vi khuẩn, nấm, vi rút. PDT được sử dụng để điều trị nhiều căn bệnh khác nhau như mụn trứng cá, thoái hóa điểm vàng ở người cao tuổi, bệnh vẩy nến, xơ vữa động mạch,…Đặc biệt PDT còn được sử dụng trong điều trị ung thư vùng đầu, cổ, phổi, bàng quang, da. ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, phương pháp PDT sử dụng chất nhạy quang hóa học trong quá trình điều trị nên có thể để lại nhiều tác dụng phụ.

Trong thời gian gần đây, tại một số nước phát triển như USA, CHLB Đức,… người ta đã phát triển một phương pháp phẫu thuật mới - Phương pháp phẫu thuật cầm máu APC(Argon Plasma Coagulation).Kỹ thuật APC có nhiều ưu điểm như mô không bị dính vào dao phẫu thuật nên giảm thiểu hiện tượng truyền nhiễm không mong muốn trong quá trình phẫu thuật; giảm thiểu hiện tượng ô xy hóa và khói; hiệu quả cầm máu cao và bề mặt phẫu thuật phẳng, mịn; giảm thiểu ảnh hưởng của nhiệt lên vùng điều trị; dễ thao tác trong quá trình phẫu thuật; giá thành thiết bị hạ hơn so với hệ thống laser phẫu thuật; an toàn, ít biến chứng. Chính vì vậy mà nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Trung tâm Công nghệ Laser - Viện Ứng dụng Công nghệ cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài KS. Lê Huy Tuấn để thực hiện đề tài Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết  bị quang đông cầm máu (APC) cho mô mềm”.

Đề tài nghiên cứu KH&CN  đã được hoàn thành sau hơn 2 năm làm việc tích cực. Công nghệ APC là một bước tiến mới, hiệu quả, an toàn trong lĩnh vực phẫu thuật cầm máu – là sự kế thừa và phát triển dựa trên công nghệ Dao mổ điện cao tần mà Trung tâm công nghệ Laser đã được cấp Giấy phép lưu hành trên 15 năm nay và đã được sử dụng trong hàng trăm cơ sở y tế trong nước: Bệnh viện TWQĐ 108, Bệnh viện 103, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trường Sa,…

Nhóm thực hiện đề tài đã hoàn thành các mục tiêu và nội dung đặt ra. Cụ thể:

- Hoàn thành 12 nội dung nghiên cứu theo đăng ký;

- Đã hoàn thiện thử nghiệm 01 mẫu thiết bị quang đông cầm máu (APC) cho mô mềm;

- Các thông số kỹ thuật của thiết bị đạt yêu cầu theo thiết kế (phù hợp với tiêu chuẩn CHLB Đức - thiết bị ERBEElektromedizin), đúng với các nội dung đã đăng ký và có khả năng ứng dụng điều trị trong các bệnh viện và cơ sở y tế trong nước;

- Các hệ thống của thiết bị (cơ khí, điện tử, khí áp lực) được thiết kế phù hợp với khả năng gia công của Việt Nam;

- Thiết bị đã được thử nghiệm lâm sàng trên mô động vật sống đạt kết quả khả quan. Hiện nay, thiết bị đang được triển khai thử nghiệm tại cơ sở y tế;

- Có 02 bài báo khoa học đăng trên kỷ yếu của hội nghị trong nước và quốc tế: Hội nghị Vật lý kỹ thuật và Ứng dụng Toàn quốc lần thứ V (CAEP 5) - Đà Lạt 10/ 2017 và Hội nghị Quang học quang phổ Toàn quốc lần thứ 10 - Hạ Long 11/2018;

- 01 Bài báo khoa học đăng trên Tạp chí Vật lý ngày nay (Hội Vật lý Việt Nam) - số 3 tháng 8/2018;

- Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được đăng trên các phương tiện truyền thông và báo điện tử: VTC, VTC News, VnExpres.net, Tạp chí Việt nam hội nhập, Tạp chí Vật lý ngày nay;

- Đã biên soạn Bộ tài liệu về sơ đồ, bản vẽ thiết kế điện tử, cơ khí chi tiết, rõ ràng;

- Đã biên soạn Tài liệu hướng dẫn vận hành sử dụng thiết bị chi tiết, dễ hiểu.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16490/2019) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 3632

Về trang trước Về đầu trang