Tin KHCN nước ngoài
Phong trào biến vỏ chai nhựa thành quần áo bảo hộ phục vụ phòng, chống Covid-19 (10/09/2021)
-   +   A-   A+   In  

Thái Lan đang tận dụng lượng rác thải nhựa lớn của nước này để tái chế thành quần áo bảo hộ cho những người tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Tổ chức Less Plastic Thailand của Thái Lan vừa khởi động chương trình “Yaek Khuat Chuai Mor (Dự án PET To PPE)” nhằm biến các chai nhựa Polythylene Terephthalate (PET) đã qua sử dụng thành thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) hoặc áo choàng cách ly có thể tái sử dụng cho các nhân viên y tế đang làm việc ở tuyến đầu chống dịch COVID-19.

Điều phối viên dự án “PET To PPE”, Metha Senthong cho biết, năm 2020, sau khi đại dịch COVID-19 tấn công Thái Lan, tổ chức Less Plastic Thailand đã khởi động dự án này. Tuy nhiên, thông tin về dự án vẫn chỉ xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Sau khi số ca nhiễm COVID-19 tăng lên, nhiều người đã liên hệ với tổ chức trên để quyên góp vỏ chai nhựa, nên số lượng các bộ áo quần PPE được sản xuất cho lực lượng nhân viên y tế sẽ tăng lên.

Dự án đã bắt đầu giai đoạn 4 và kéo dài cho đến ngày 25/12. Ông Metha Senthong cho biết, trước dự án hiện tại, tổ chức đã hoàn thành 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 4, tổ chức lên kế hoạch tặng 5.000 bộ PPE cho các bệnh viện trong 13 khu vực được đánh dấu nguy hiểm màu đỏ sẫm.

Vỏ chai nhựa được thu gom phục vụ tái chế. Ảnh: Reuters

Sau khi đưa vào sử dụng, sản phẩm đã nhận được những phản hồi tích cực từ nhân viên y tế Thái Lan về độ thoải mái sau vài giờ sử dụng. Những bộ đồ PPE có giá khoảng 450 Bath, mặc dù đắt hơn so với mức 150 Bath của loại PPE mặc 1 lần nhưng có thể giặt lên đến 20 lần, do đó, giá trung bình là 50 Bath cho mỗi lần sử dụng. Hào hứng với ý tưởng của dự án này, nhiều người dân Thái Lan ở xa các điểm thu gom chai nhựa bày tỏ mong muốn tham gia quyên góp. Điều phối viên của dự án cho biết, sẽ triển khai nhiều cách để hỗ trợ dự án ngày càng phát triển hơn.

Không giống như nhiều dự án quyên góp áo choàng cách ly dùng 1 lần cho nhân viên y tế, Less Plastic Thailand có mục tiêu tặng loại áo choàng cách ly có thể tái sử dụng được 20 lần cho các bệnh viện có dịch vụ giặt là riêng của họ. Theo đó, áo choàng cách ly loại có thể giặt và tái sử dụng được gọi là PPE cấp 2.

Nhân viên y tế mặc những bộ đồ này khi thực hiện các thủ thuật y tế nhỏ. Ông Metha và các cộng sự mong muốn sử dụng chất thải nhựa từ địa phương để tiến hành sản xuất sản phẩm PPE của riêng mình. Trước khi dự án được triển khai, những bộ đồ PPE có thể được làm từ sợi nhập khẩu từ Đài Loan.

Bộ đồ PPE đã nhận được những phản hồi tích cực từ nhân viên y tế Thái Lan về độ thoải mái sau vài giờ sử dụng. Ảnh: Less Plastic Thailand

Giải thích về sự khác nhau này, các chuyên gia dự án cho biết, sợi làm từ chai nhựa nhập khẩu từ Đài Loan có chất lượng tốt hơn và rẻ hơn bởi chai nhựa sạch hơn, giúp tiết kiệm chi phí cho công đoạn xử lý tái chế, trong khi đó, phế phẩm chai nhựa của Thái Lan lại cần xử lý nhiều hơn.

Tuy vậy, ông Metha cho biết, sử dụng chất thải nhựa từ địa phương là biện pháp giúp mọi người nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc phân loại rác thải và nhiều người đang ý thức được việc này. Bên cạnh việc thúc đẩy phân loại rác thải, dự án cũng nhằm thông tin cho cộng đồng về chai nhựa PET, khi 90% loại chai đựng nước ở Thái Lan đều là chai PET. Hiện có khoảng 18 triệu chai nhựa đã được sử dụng kể từ giữa năm 2020 để làm vải cho các bộ PPE. Những bộ đồ bảo hộ này đã được gửi đến các bệnh viện trên khắp Thái Lan.

Nguồn: Vietq.vn

Số lượt đọc: 3886

Về trang trước Về đầu trang