Tin KHCN nước ngoài
Phá kỷ lục bằng cách phát triển pin mặt trời hai mặt (26/08/2021)
-   +   A-   A+   In  
Một nhóm nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Australia đã đạt được kỷ lục thế giới tạo ra một loại pin mặt trời hiệu quả hơn bằng cách sử dụng laser.

Quy trình này được gọi là laser doping, tức là sử dụng tia laser để tăng cường độ dẫn điện cục bộ. Đây được xem là một công nghệ đầy hứa hẹn nhờ nhiều ưu điểm, bao gồm khả năng tồn tại của phương pháp ở nhiệt độ phòng và dễ dàng kiểm soát độ sâu phát xạ và nồng độ bề mặt. Hơn nữa, đó là một quy trình chi phí thấp và tương thích với ngành để tăng hiệu quả sử dụng pin mặt trời.

Nhờ laser doping, các nhà nghiên cứu đã có thể phát triển pin mặt trời silicon hai mặt với hiệu suất chuyển đổi phía trước là 24,3% và hiệu suất chuyển đổi phía sau là 23,4%, mang lại hệ số hai mặt là 96,3%. Các chuyên gia cho rằng, hiệu suất tương đương với sản lượng điện hiệu quả 29%, vượt xa hiệu suất của pin mặt trời silicon. Kết quả đã được xác minh độc lập bởi Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO).

"Đây là kỷ lục thế giới về pin mặt trời sử dụng laser doping có chọn lọc và nằm trong số pin mặt trời hai mặt có hiệu suất cao nhất", Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Marco Ernst khẳng định.

Pin mặt trời hai mặt tạo ra năng lượng từ cả hai mặt của tế bào, các tấm pin mặt trời hai mặt thu thập ánh sáng phản chiếu và biến nó thành điện năng. Theo nhà nghiên cứu chính, Tiến sĩ Kean Chern Fong, pin mặt trời hai mặt có thể dễ dàng hoạt động tốt hơn pin mặt trời silicon một mặt, do đó tăng hiệu quả cho dự án quang điện mặt trời (PV) . 

“Chúng tôi đã phát triển pin mặt trời hai mặt vì nó có khả năng phát điện gần như đối xứng trên cả hai bề mặt của thiết bị. Khi được triển khai trên một trang trại năng lượng mặt trời thông thường, một tế bào hai mặt sẽ hấp thụ ánh sáng chiếu vào trực tiếp, đồng thời tận dụng sự phản xạ của mặt đất, có thể góp phần tạo ra thêm 30% năng lượng. Pin mặt trời hai mặt ngày càng trở nên quan trọng trong việc triển khai các trang trại năng lượng mặt trời và dự kiến ​​sẽ có thị phần trên 50% trong 5 năm tới. Công việc của chúng tôi thể hiện khả năng đáng kinh ngạc của công nghệ này”. Tiến sĩ Fong nói.

Pin mặt trời hai mặt được cấp bằng sáng chế lần đầu vào năm 1966. Chúng bắt đầu được dùng cho vệ tinh và tàu vũ trụ những năm 1970. Đầu những năm 2000, công cuộc nghiên cứu diễn ra nhanh hơn. Các tấm pin hai mặt đầu tiên được đưa ra thị trường vào năm 2012.

Đến năm 2019, chúng chiếm khoảng 15% lượng lắp đặt năng lượng mặt trời, tổng cộng hơn 2000 MW công suất đỉnh và chúng đã được sử dụng tại một số trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Nghiên cứu mới nhất này của các nhà khoa học Đại học Quốc gia Úc sẽ chỉ giúp mở đường cho những tiến bộ hơn trong công nghệ năng lượng mặt trời khi thế giới chuyển đổi sang một tương lai xanh hơn.

Nguồn: Vietq.vn

Số lượt đọc: 4040

Về trang trước Về đầu trang