Tin KHCN trong nước
Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, hoàn thiện công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng (17/08/2021)
-   +   A-   A+   In  
Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 được thực hiện với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao.

Những thành tựu to lớn

Theo Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 10/5/2011, Bộ Khoa học và Công nghệ với vai trò là cơ quan đầu mối đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan nhanh chóng tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Với tinh thần lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới và ứng dụng công nghệ, Chương trình đã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành nông nghiệp, công nghiệp, y - dược (như: chọn tạo giống, chế biến sau thu hoạch, chế biến thủy sản, công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ tự động hóa, sản xuất tế bào gốc...) nhằm nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, năng lực hấp thu công nghệ của doanh nghiệp; tạo ra các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm theo chủ trương, định hướng của nhà nước; hình thành và phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam mới có khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá thành.

Chương trình được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, viện, trường, hiệp hội và doanh nghiệp. Trong 7 năm triển khai (tính từ năm 2013 đến 2020), Chương trình đã nhận được hơn 500 đề xuất trên cơ sở xác định các ngành, lĩnh vực và định hướng ưu tiên từ các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội ngành, nghề Bộ Khoa học và Công nghệ đã lựa chọn được 58 đơn vị có năng lực tham gia thực hiện các nhiệm vụ.

Trong đó, gần 65% là doanh nghiệp, huy động được 1.320 tỷ đồng vốn đối ứng ngoài ngân sách chiếm 70% tổng kinh phí thực hiện, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước chỉ chiếm phần nhỏ khoảng 30% (560 tỷ đồng). Các nhiệm vụ được triển khai tại hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước và một số địa phương vùng kinh tế khó khăn, với các lĩnh vực công nghệ khác nhau, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh và địa phương.

Đầu vào của một số nhiệm vụ cũng là kết quả nghiên cứu ứng dụng từ các chương trình nghiên cứu cơ bản khác. Chương trình đã tập trung nghiên cứu triển khai các nội dung, nhiệm vụ theo chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng là liên kết nhiệm vụ theo chuỗi giá trị, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thông qua Chương trình, các doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, hàng trăm công nghệ, quy trình công nghệ được hấp thu và làm chủ, hàng chục bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được đăng ký bảo hộ, năng suất lao động trung bình tăng mạnh (trong đó một vài doanh nghiệp có năng suất lao động tăng gấp 5,4 lần) sau đổi mới công nghệ, sản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nước ngoài, doanh thu tăng hơn 2 lần (tổng doanh thu trước khi đổi mới công nghệ của các dự án là khoảng 6.477 tỷ đồng, sau khi đổi mới công nghệ từ 1 đến 3 năm tăng khoảng 14 nghìn tỷ đồng), lợi nhuận tăng khoảng 2,4 lần so với trước.

Như vậy, những kết quả đạt được trong thời gian qua của Chương trình đã có những đóng góp đáng kể trong việc tạo lập nền tảng quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực hấp thu, làm chủ công nghệ của một số ngành, lĩnh vực và góp phần hình thành một số sản phẩm thương hiệu quốc gia, sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao trên thị trường phù hợp với định hướng phát triển của ngành khoa học và công nghệ trong giai đoạn 2011 - 2020.

Ảnh minh họa 

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo

Thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia với tinh thần lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới và sáng tạo, ngày 25/01/2021 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 118/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 (Chương trình).

Chương trình giai đoạn năm 2021 - 2030 là một phần của nhiệm vụ tái cơ cấu các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ, nằm trong khung tổng thể các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia giai đoạn sau năm 2020, được xây dựng trên quan điểm có tính kết nối, bảo đảm không gián đoạn các nội dung đang triển khai, kế thừa quan điểm của Chương trình giai đoạn trước và bổ sung các quan điểm chỉ đạo trong giai đoạn sắp tới, nên mục của Chương trình gồm:

Chương trình được thực hiện với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao. Thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; tăng cường đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ việc chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ.

Trong đó, mục tiêu cụ thể của Chương trình là đưa số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm (đến năm 2025) và tăng trung bình 20%/năm (đến năm 2030). Hình thành tổ chức nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp sau khi kết thúc dự án đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng. Hình thành từ 3 đến 5 ngành (đến năm 2025) và từ 8 đến 10 ngành (đến năm 2030) sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra các sản phẩm, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường. Chương trình đặt mục tiêu đào tạo được 5.000 đến 10.000 kỹ sư, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp được tập huấn, đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ. Hình thành tại mỗi vùng kinh tế ít nhất hai mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ điển hình phù hợp với điều kiện đặc thù của địa bàn để triển khai nhân rộng.

Những nhiệm vụ chính giai đoạn năm 2021 - 2030

Nhiệm vụ của Chương trình được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa các nội dung khả thi của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và chủ trương của Nhà nước cho đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. So với giai đoạn năm 2011 - 2020, Chương trình đã điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, bổ sung mới 04 nội dung và loại bỏ 05 nội dung liên quan đến ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm (do các nội dung này đã đưa vào triển khai tại các chương trình khác). Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2030 thực hiện với 04 nhóm nhiệm vụ chính sau:

Một là, tiếp tục thúc đẩy xây dựng và thực hiện lộ trình nâng cao năng lực công nghệ quốc gia thông qua xây dựng bản đồ công nghệ quốc gia và lộ trình đổi mới công nghệ đối với các lĩnh vực sản xuất các sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia. Bổ sung nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ, thúc đẩy hình thành tổ chức nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp.

Hai là, tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị, có tính cạnh tranh cao trên thị trường, trong đó bổ sung thêm nhiệm vụ thực hiện các hoạt động ứng dụng mô hình quản trị, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp theo hướng sản xuất thông minh trong sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm; phát triển hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ quan, tổ chức, cá nhân để triển khai các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, hoạt động nghiên cứu chung.

Ba là, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp thu công nghệ, nâng cao công nghệ của doanh nghiệp thông qua việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, khai thác cơ sở dữ liệu về công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, chuyên gia công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khai thác, sử dụng phục vụ đổi mới công nghệ.

Bốn là, tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư chuyển giao công nghệ vào vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn nhằm mở rộng các mô hình canh tác nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch và chế biến sản phẩm nông nghiệp; đổi mới công nghệ phục vụ việc duy trì, phát triển thế mạnh của các ngành nghề, làng nghề truyền thống. Bổ sung nhiệm vụ xây dựng và thực hiện các dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức khoa học và công nghệ.

Ngoài ra, Chương trình còn thực hiện các nhiệm vụ triển khai định kỳ nhằm hỗ trợ phát triển đổi mới công nghệ như tổ chức điều tra, đánh giá, xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu hiện trạng, trình độ và năng lực công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, nhu cầu công nghệ, chuyên gia công nghệ, hỗ trợ xây dựng mạng lưới tư vấn kết nối tự động; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác cơ sở dữ liệu; tổ chức hoạt động truyền thông về ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ, tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.

Thúc đẩy chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến

Giải pháp thực hiện của Chương trình giai đoạn năm 2021 - 2030 bao gồm việc hoàn thiện thể chế pháp lý thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ, trong đó, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ và thúc đẩy hình thành tổ chức nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn để đánh giá việc thực hiện đổi mới công nghệ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trong đó, thúc đẩy chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến từ các nước phát triển góp phần hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích, mở rộng, đa dạng hóa các hình thức và nội dung hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hợp tác khoa học và công nghệ với các quốc gia và địa bàn ưu tiên phục vụ các nội dung của Chương trình; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ, cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài trong tiếp nhận chuyển giao, hấp thụ và phát triển công nghệ, tham gia các triển lãm, hội chợ công nghệ và thiết bị ở nước ngoài.

Tăng cường nguồn lực tài chính thực hiện Chương trình, trong đó, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để đầu tư đổi mới công nghệ; tăng cường thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ. Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế hợp tác công tư và các hình thức hợp tác khác trong hoạt động khoa học và công nghệ; liên kết, hợp tác giữa các tổ chức khoa học và công nghệ công lập với doanh nghiệp trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ.

Với tinh thần lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới và ứng dụng công nghệ, Chương trình sẽ tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp, y - dược và ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao (tài chính - ngân hàng, bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin, nông nghiệp, năng lượng, hàng không, y tế và chăm sóc sức khỏe…) nhằm nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, năng lực hấp thu công nghệ của doanh nghiệp; tạo ra các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm theo chủ trương, định hướng của Nhà nước; hình thành và phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam mới có khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá thành.

Với tinh thần Nhà nước và doanh nghiệp cùng kết hợp đầu tư cho các dự án theo mô hình hợp tác công - tư (PPP - Public and Private Partner) sẽ tiếp tục được áp dụng thực hiện trong giai đoạn mới này. Trong đó, Nhà nước chủ yếu tập trung vào hỗ trợ công đoạn nghiên cứu, làm chủ công nghệ, doanh nghiệp tập trung vào giai đoạn sản xuất, phát triển và thương mại hóa sản phẩm. Với mô hình này sẽ khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động đổi mới sáng tạo, tăng cường trách nhiệm của mỗi bên và bảo đảm hiệu quả Chương trình.

Kết quả các nhiệm vụ sẽ góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngày 18/6/2021, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đã ký ban hành Thông tư số 06/2021/TT-BKHCN về việc Hướng dẫn quản lý Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030.

Thông tư được ban hành theo hướng đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, đơn vị nhất là các doanh nghiệp tham gia Chương trình. Theo đó, một số biểu mẫu, quy định đã được đơn giản hóa, một số nội dung mới có tính đột phá đã được đưa vào Thông tư và được Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đồng tình như: “Sau khi có Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, kinh phí và thời gian thực hiện nhiệm vụ, doanh nghiệp được triển khai các nội dung thuộc kinh phí đối ứng ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện dự án”.

Bên cạnh đó, nội dung phân công trách nhiệm đơn vị quản lý nhiệm vụ (Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ) và đơn vị quản lý kinh phí (Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia) theo hướng thống nhất một đầu mối và đơn giản hóa thủ tục cho các đơn vị tham gia. Cụ thể, đơn vị quản lý nhiệm vụ sẽ chủ trì các khâu xác định nhiệm vụ, tuyển chọn, giao trực tiếp, thẩm định kinh phí, tổ chức đấu thầu, đánh giá, nghiệm thu; đơn vị quản lý kinh phí phối hợp thực hiện các nội dung trên và chủ trì quản lý kinh phí Chương trình, xác nhận kinh phí, cấp kinh phí, kiểm tra định kỳ, điều chỉnh kinh phí và thanh quyết toán nhiệm vụ.

 

Nguồn: VietQ.vn

Số lượt đọc: 2811

Về trang trước Về đầu trang