Tin KHCN trong nước
Tăng cường ứng dụng KHCN trong bảo đảm trật tự ATGT (28/01/2015)
-   +   A-   A+   In  

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trước hết là chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành vận tải; điều khiển giao thông; giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.

Kết luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2014 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương 10 địa phương giảm trên 20% số người chết do tai nạn giao thông, gồm: Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn, Ninh Thuận, Cao Bằng, Nam Định, Cà Mau, Bắc Giang, Đà Nẵng, Lạng Sơn.

 

Đồng thời, Phó Thủ tướng nghiêm khắc phê bình 5 tỉnh tăng trên 10% số người chết do tai nạn giao thông, gồm: Quảng Trị, Kon Tum, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bến Tre.

 

Tính mạng con người là trên hết

 

Phó Thủ tướng yêu cầu năm 2015 tiếp tục thực hiện Năm an toàn giao thông với chủ đề “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết” nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng; phấn đấu giảm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương so với năm 2014 ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.

 

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc triển khai Công điện số 2620/CĐ-TTgngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Mùi và Lễ hội mùa xuân 2015; quán triệt mục tiêu và nhiệm vụ tại Kế hoạch bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2015 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

 

Trong đó lưu ý một số nội dung như: Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trên toàn quốc, từ cấp Trung ương đến các cấp địa phương ngay từ tháng đầu, quý đầu và cả năm 2015; xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng nhiệm vụ, từng hoạt động, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị; tuyệt đối tránh hình thức, rườm rà; triệt để thực hành tiết kiệm.

 

Bên cạnh đó, phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trước hết là chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành vận tải; điều khiển giao thông; giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.

 

Siết chặt quản lý chất lượng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông

 

Theo Phó Thủ tướng, trong năm 2015, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ, chú trọng các khâu quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, thanh tra, tuần tra, kiểm soát.

 

Đẩy mạnh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, tập trung đầu tư xây dựng, phát triển và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; nghiên cứu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông; đẩy nhanh rà soát, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ; thường xuyên rà soát và khắc phục kịp thời các điểm đen, vị trí mất an toàn giao thông.

 

Đẩy nhanh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; tăng cường công tác bảo trì, bảo dưỡng, tổ chức giao thông, bảo đảm điều kiện an toàn về kết cấu hạ tầng cho hoạt động của phương tiện tham gia giao thông.

 

Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mất trật tự, an toàn giao thông; những vi phạm về điều kiện an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải, tải trọng phương tiện vận tải, an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo đảm an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng giao thông…

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 9945

Về trang trước Về đầu trang