Tin KHCN trong nước
Đánh giá hiện trạng, năng lực công nghệ và khả năng phát triển công nghệ trong một số lĩnh vực sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử bán dẫn (28/07/2021)
-   +   A-   A+   In  
Ngành công nghiệp điện tử bán dẫn là ngành sản xuất có vị trí then chốt trong nền kinh tế quốc dân. Sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử sẽ thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp khác phát triển, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người lao động. Những quốc gia ở châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á với lợi thế về giá nhân công và chi phí hoạt động có tính cạnh tranh đã trở thành điểm thu hút đầu tư để phát triển mạng lưới sản xuất của các công ty, tập đoàn lớn hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử. Với sự đầu tư của các công ty đa quốc gia và việc thành lập các công ty nội địa, ngành công nghiệp điện tử đã nhanh chóng trở thành ngành công nghiệp xuất khẩu số một ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Singapo, Malaixia, Thái Lan và Philipin.

Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định ngành công nghiệp điện tử bán dẫn của nước ta cần được phát triển thành một ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế với định hướng xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện những mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Trong vòng 5 năm qua (2011-2015), số lượng các doanh nghiệp điện tử tăng gấp 2 lần và đạt 1.237 doanh nghiệp (bao gồm cả các doanh nghiệp thương mại). Số lao động trong ngành này cũng tăng 2 lần và đạt khoảng 400.000 lao động trong năm 2015 và trên 600.000 lao động trong năm 2017. Tuy con số xuất khẩu đạt khá cao nhưng thực chất vai trò chủ đạo trong xuất khẩu hàng điện tử thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm hơn 95%, 5% còn lại là của các doanh nghiệp Việt Nam. Những kết luận rút ra qua các báo cáo đánh giá về tình hình ngành công nghiệp điện tử Việt Nam cho thấy rằng, nếu không có định hướng phát triển đúng đắn, Việt Nam sẽ không thể vượt ra khỏi công đoạn gia công, lắp ráp - công đoạn mang lại giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp điện tử. Do vậy, để phát triển công nghiệp điện tử, Việt Nam cần nhanh chóng di chuyển sang các công đoạn khác có giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế của Việt Nam, chưa thể ngay lập tức tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu phát triển, sở hữu trí tuệ, nhưng hoàn toàn có thể tiến thêm một bước trong chuỗi giá trị, đó là bước phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất các loại vật liệu và linh kiện điện tử trước khi đưa vào lắp ráp.

Trước những yêu cầu cấp bách này, việc tiến hành một nhiệm vụ điều tra đánh giá đầy đủ hiện trạng & năng lực công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này tại Việt Nam là rất cấp thiết. Chính vì vậy, nhóm đề tài Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ (AIST) do PGS. TS. Phương Đình Tâm làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện đề tài: “Đánh giá thực trạng năng lực công nghệ và khả năng phát triển công nghệ trong một số lĩnh vực sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử bán dẫn” là việc cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn cao nhằm đánh giá được thực trạng công nghệ và khả năng phát triển công nghệ trong lĩnh vực vật liệu và linh kiện điện tử bán dẫn từ đó xây dựng được danh mục công nghệ liên quan đến công nghệ sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử bán dẫn; đánh giá được thực trạng công nghệ công lĩnh vực sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử bán dẫn; đánh giá được nhu cầu đổi mới công nghệ, đề xuất lộ trình đổi mới công nghệ cho một số sản phẩm trong lĩnh vực sản xuất vật liệu điện tử bán dẫn.

Thông qua việc đánh giá năng lực công nghệ và nhu cầu đổi mới công nghệ trong lĩnh vực sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử bán dẫn, nhóm đề tài đã thu được một số kết quả chính như sau:

1) Đã xây dựng được danh mục các công nghệ liên quan đến lĩnh vực sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử bán dẫn. Trong đó, lĩnh vực sản xuất vật liệu có 7 công nghệ chính, 42 công nghệ thành phần, lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử bán dẫn có 6 công nghệ chính, 39 công nghệ thành phần.

2) Đã đánh giá được năng lực công nghệ của các công nghệ chế tạo vật liệu và linh kiện điện tử đang sử dụng trong nước so với các công nghệ đang sử dụng trên thế giới. Kết quả đã chỉ ra cho thấy, công nghệ chế tạo vật liệu có khoảng cách công nghệ đạt ~38% so với công nghệ thế giới. Công nghệ chế tạo linh kiện chủ động và thụ động có khoảng cách công nghệ đạt 0% so với công nghệ của thế giới. Công nghệ nghiên cứu chế tạo chip cảm biến có khoảng cách công nghệ đạt ~38% so với công nghệ thế giới.

3) Đã đề xuất được lộ trình công nghệ cho ngành sản xuất vật liệu điện tử bán dẫn. Trong đó tập trung vào việc phát triển các công nghệ sản xuất vật liệu nhôm và đất hiếm. Đối với ngành sản xuất linh kiện điện tử bán dẫn sẽ tập trung vào sản xuất các chip/cảm biến chuyên dụng ứng dụng trong một số lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, và an ninh quốc phòng.

4) Đã đề xuất một số giải pháp để phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử bán dẫn. Trong đó, cần tập trung vào các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các giải pháp về cải tiến công nghệ, nghiên cứu khoa học, giải pháp về chính sách phát triển.

Để có thể cụ thể hoá được các mục tiêu trong lộ trình sản xuất vật liệu và chip/cảm biến rất cần có sự quan tâm chỉ đạo của Nhà nước trong việc hoạch định những chính sách phù hợp, đầu tư phát triển các sản phẩm, công nghệ, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Nhà nước cần có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử bán dẫn bằng cách đưa ra những chính sách về vay vốn cho những doanh nghiệp tư nhân phát triển trong lĩnh vực này. Đối với lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử bán dẫn, Nhà nước cần có những chính sách điều chỉnh các Công ty định hướng vào sản xuất các sản phẩm cụ thể thay vì gia công lắp ráp như hiện nay. Ngoài ra, Nhà nước cần có chiến lược vĩ mô đầu tư vào khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực bởi nâng cao trình độ công nghệ là chìa khoá để phát triển các ngành công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp điện tử bán dẫn nói riêng.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16369/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 1316

Về trang trước Về đầu trang