Tin KHCN nước ngoài
Thiết bị giúp người khiếm thính dùng lưỡi để "nghe" được âm thanh (26/01/2015)
-   +   A-   A+   In  

Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học bang Colorado (CSU) vừa giới thiệu thiết bị giúp những người khiếm thính có thể nghe bằng lưỡi.

Về cơ bản, thiết bị này không phục hồi thính lực của con người, nhưng nó chuyển âm thanh thành các rung động đặc trưng có thể cảm nhận được bằng lưỡi, và thông qua đó, người dùng có thể "cảm nhận" được âm thanh hoặc từ ngữ trong môi trường. Phương pháp này không chỉ có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với biện pháp cấy ghép ốc tai (có giá lên tới 100.000 đô la) mà còn không cần phải trải qua những ca phẫu thuật xâm lấn phức tạp.

 

Cho tới hiện tại đối với những trường hợp suy giảm hoặc mất thính lực, 2 phương pháp phổ biến nhất là dùng thiết bị trợ thính hoặc phẫu thuật cấy ghép ốc tai. Nếu như máy trợ thính khuếch đại âm thanh để bệnh nhân có thể phát hiện được, thì việc cấy ghép ốc tai sẽ vượt qua những thành phần bị tổn thương trong tai và trực tiếp kích thích vào dây thần kinh thính giác. Âm thanh trong môi trường được thu về từ microphone và giọng nói sẽ được phân tích bằng vi xử lý. Các thông tin này sau đó được chuyển thành xung điện và gởi tới một khu vực khác thuộc hệ thần kinh thính giác. Sau thời gian làm quen, người dùng có thể nhận biết được những từ ngữ dựa vào các xung điện tương ứng.

 

Về cơ bản, thiết bị của các nhà khoa học tại CSU cũng hoạt động theo phương pháp tương tự nhưng chỉ khác ở con đường đi của tín hiệu. Một tai nghe hỗ trợ bluetooth sẽ thu âm thanh và truyền tới vi xử lý - nơi chuyển âm thanh thành xung lực điện đại diện cho từ ngữ. Nhưng thay vì truyền các xung lực đến thần kinh thính giác, thiết bị của CSU sẽ truyền tín hiệu này đến thành phần gắn sẵn trong miệng. Khi người dùng để lưỡi của họ chạm vào thiết bị này, các điện cực trong đó sẽ phóng xung điện và chuyển tiếp tín hiệu đến não. Vậy liệu người dùng có bị điện giật hay khó chịu? Nhà nghiên cứu John Williams cho biết: "Một số người dùng thử cho rằng cảm giác nó tương tự như bọt sâm panh hoặc kẹo nổ Pop Rocks trên lưỡi".

 

Trong đoạn video bên trên, các nhà nghiên cứu đang "dạy" cho lưỡi và não cùng nhau phối hợp sử dụng thiết bị trợ thính này. Họ cho rằng thời gian để người dùng làm quen với thiết bị là vài tuần hoặc vài tháng, nhưng cuối cùng, não sẽ có thể nhận được các thông tin hữu ích từ thiết bị này. Trên thực tế, lưỡi là bộ phận cứa hàng trăm dây thần kinh và não người cũng rất nhạy cảm với thông tin mà lưỡi cảm nhận được. Nhà nghiên cứu Leslie Stone-Roy cho biết: "Chúng ta có thể cảm nhận được những biến đổi rất nhỏ trên lưỡi. Điều này tương tự như cách người mù có thể dùng ngón tay để đọc chữ Braille. Thậm chí, lưỡi còn có thể hoạt động chính xác hơn".

 

Hiện tại, phiên bản thử nghiệm của thiết bị có kích thước khá lớn, nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ phát triển phiên bản khác nhỏ hơn rất nhiều, có thể đặt trong miệng và thậm chí là khó lòng nhìn thấy được. Theo ước tính, thiết bị sẽ có giá thành vào khoảng 2000 đô la, vẫn rẻ hơn rất nhiều so với phương pháp cấy ghép ốc tai hiện nay. Bước tiếp theo, các nhà nghiên cứu sẽ xác định bản đồ dây thần kinh trên lưỡi để tìm ra vị trí đặt thiết bị tối ưu.

Nguồn: khoahoc

Số lượt đọc: 7013

Về trang trước Về đầu trang