Tin KHCN trong nước
Trí tuệ nhân tạo: Lợi ích và thách thức đối với lĩnh vực y tế (02/07/2021)
-   +   A-   A+   In  

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra báo cáo trong đó chỉ rõ những lợi ích cũng như rủi ro của trí tuệ nhân tạo đối với y tế.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, cũng giống như tất cả công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo (AI) có tiềm năng to lớn trong việc cải thiện sức khỏe của hàng triệu người trên thế giới. Tuy nhiên, công nghệ này cũng có thể bị lạm dụng và gây hại. Do đó, báo cáo quan trọng này cung cấp hướng dẫn có giá trị đối với các quốc gia về cách tối đa hóa lợi ích của AI, đồng thời giảm thiểu rủi ro và tránh những cạm bẫy từ việc lạm dụng công nghệ này.

Cũng theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tại một số quốc gia phát triển, AI đã được ứng dụng với mục đích cải thiện tốc độ và độ chính xác của quá trình chẩn đoán và tầm soát bệnh tật, hỗ trợ chăm sóc lâm sàng, tăng cường nghiên cứu sức khỏe và phát triển thuốc, đồng thời hỗ trợ các can thiệp sức khỏe cộng đồng đa dạng, điển hình như giám sát dịch bệnh, ứng phó với ổ dịch và quản lý hệ thống y tế.

Tuy nhiên, không nên đánh giá quá cao lợi ích của AI đối với sức khỏe. Bởi ngoài những điểm tích cực, AI còn mang tới các thách thức và rủi ro, bao gồm cả việc thu thập, sử dụng dữ liệu y tế một cách phi đạo đức, cũng như rủi ro đối với sự an toàn của bệnh nhân, an ninh mạng và môi trường.

Chẳng hạn, khi đầu tư đầu tư vào phát triển và triển khai AI (dù là tư nhân hay đầu tư công) thì việc sử dụng AI nếu không được kiểm soát có thể khiến quyền và lợi ích của bệnh nhân, cũng như cộng đồng bị phụ thuộc vào lợi ích thương mại của các công ty công nghệ, các tổ chức công.

Báo cáo của WHO chỉ rõ, các hệ thống được triển khai chủ yếu dựa trên dữ liệu thu thập từ cá nhân ở các quốc gia có thu nhập cao có thể không hoạt động tốt đối với cá nhân ở những quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Do đó, các hệ thống AI cần được thiết kế cẩn thận để phản ánh sự đa dạng của các môi trường kinh tế xã hội và chăm sóc sức khỏe. Những hệ thống này cần được đi kèm với việc đào tạo kỹ năng kỹ thuật số, sự tham gia của cộng đồng và nâng cao nhận thức đặc biệt là đối với hàng triệu nhân viên y tế - những trường hợp sẽ cần đào tạo lại về kiến thức kỹ thuật số hoặc nếu vai trò và chức năng của họ được tự động hóa.

AI cần phải được hướng dẫn bởi các luật hiện hành, các luật và chính sách mới tuân theo nguyên tắc đạo đức, các chính phủ, nhà cung cấp và nhà thiết kế phải phối hợp để giải quyết các mối quan tâm về đạo đức và nhân quyền ở mọi giai đoạn của quá trình thiết kế, phát triển và triển khai công nghệ AI.

Nhằm đảm bảo AI hướng đến lợi ích của người dân ở tất cả quốc gia, WHO đã đề ra 6 nguyên tắc, gồm: Bảo vệ quyền tự chủ của con người; thúc đẩy hạnh phúc, an toàn của con người và lợi ích cộng đồng; đảm bảo tính minh bạch, dễ giải thích và dễ hiểu; tăng cường trách nhiệm và trách nhiệm giải trình; đảm bảo tính bao trùm và công bằng; thúc đẩy AI đáp ứng nhanh và bền vững.

Liên quan tới những phân tích về lợi ích cũng như nguy cơ từ AI, theo các nhà khoa học, với sự phát triển mạnh mẽ của AI, nhân loại có hai lựa chọn cho tương lai: đến cuối thế kỷ XXI, chúng ta hoặc có thể biến mất khỏi mặt đất, hoặc trở thành bất tử. Những người bi quan lo ngại rằng một sai lầm nhỏ nhất trong hướng đi này sẽ nhanh chóng dẫn đến sự diệt vong của loài người. Ví dụ, một AI được lập trình để giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu sẽ xác định rằng con người là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ấy, và sẽ sử dụng toàn bộ kho công cụ robot của nó để loại bỏ mối đe dọa này.

Tuy nhiên, những người lạc quan tin tưởng rằng trí tuệ nhân tạo siêu việt sẽ có thể giải quyết mọi vấn đề cấp bách hằng ngày của con người. AI không chỉ đảm bảo sự thoải mái và an toàn cho cuộc sống của chúng ta, mà còn chuyên sâu hơn nhiều so với con người trong việc phát triển các lĩnh vực khoa học cơ bản và ứng dụng.

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Chiến lược đặt mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Việt Nam phấn đấu nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; xây dựng được 10 thương hiệu trí tuệ nhân tạo có uy tín trong khu vực; phát triển được 03 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; kết nối được các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ trí tuệ nhân tạo.

Hình thành được 50 bộ dữ liệu mở, liên thông và kết nối trong các ngành kinh tế, lĩnh vực kinh tế - xã hội phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đến năm 2030, Việt Nam hình thành được 3 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về trí tuệ nhân tạo; có ít nhất 01 đại diện nằm trong bảng xếp hạng nhóm 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo về trí tuệ nhân tạo dẫn đầu trong khu vực ASEAN…

Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các định hướng: Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo; phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

 

Nguồn: skhcn.bacgiang.gov.vn

Số lượt đọc: 3683

Về trang trước Về đầu trang