Tin KHCN trong nước
Ứng dụng công nghệ GIS trong chữa cháy khẩn cấp (20/01/2015)
-   +   A-   A+   In  

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS trong công tác chữa cháy khẩn cấp ở quận Cầu Giấy, Thanh Xuân và Đống Đa, Hà Nội là đề tài nghiên cứu của các tác giả Nguyễn Thị Thoa, Nguyễn Thị Thắm, Nguyễn Thị Thùy Linh, Lương Thị Thùy Linh, Nguyễn Bá Duy và Phạm Thị Thanh Hòa, Trường Đại học Mỏ - Địa chất.

Nghiên cứu này đưa ra các giải pháp nhanh nhằm phụ vụ công tác chữa cháy khẩn cấp khu vực đô thị cho lực lượng PCCC, như xác định các tuyến đường tối ưu từ vị trí của trụ sở PCCC tới vị trí có sự cố cháy nổ. Với việc sử dụng chức năng truy vấn (query), vị trí xảy ra cháy nổ và việc xác định các tuyến đường tối ưu được mô hình hóa dựa trên khoảng cách, thời gian, độ dốc của đường bộ và sự chậm trễ trong thời gian di chuyển. Ngoài việc sử dụng những phép phân tích không gian và thuộc tính này để kịp thời đáp ứng công tác chữa cháy khẩn cấp, lực lượng PCCC còn có thể thực hiện phân tích về số lượng và phân bố không gian của khu vực lấy nước chữa cháy (trụ nước chữa cháy, hệ thống thủy văn).

 

Theo nghiên cứu này, GIS thực sự là công cụ hữu hiệu phục vụ cho công tác PCCC: GIS có khả năng truy vấn, phân tích không gian mạnh mẽ. Hệ thống có thể tự động tìm kiếm các trạm cứu hỏa gần nhất, xe cứu hỏa, thông tin các nguồn nước và các bệnh viện gần nhất với đám cháy. Công nghệ này hỗ trợ nhiều mô hình trực quan phân tích và hiển thị các nhiệm vụ phục vụ cháy, đồng thời cho phép tiếp cận với những dữ liệu (DL) quan trọng, các hình ảnh, bản vẽ hay bảng DL. GIS phân tích tính toán kết hợp với những khoảng thời gian khác nhau,  xác định các điểm nóng theo thời gian, theo ngày trong tuần và các thời gian dễ gây ra sự cố khi di chuyển. Nó cũng tính đến các trường hợp rủi ro và các vấn đề cần giải quyết xung quanh sự cố, nắm bắt được tình hình các vụ cháy, dự báo các trường hợp xảy ra, xác định các vấn đề cơ sở của sự cố, cung cấp thông tin các đội cảnh sát PCCC.

 

 

Với công nghệ này, việc xác định địa điểm cháy rất nhanh chóng, chính xác. Có 4 cách xác định:

- Thứ nhất: khi người dân báo cáo khẩn cấp, họ phải báo cáo địa chỉ của đám cháy, người điều hành hệ thống có thể truy vấn không gian trên bản đồ GIS.

- Thứ hai: nếu người dân sử dụng điện thoại cố định để báo cháy mà không biết địa chỉ cụ thể, nhà quản lý có thể trích xuất số điện thoại, và gửi số cho bên cung cấp dịch vụ viễn thông để có được địa chỉ của điện thoại, sau đó có thể xác định vị trí trên một bản đồ điện tử.

- Thứ ba: nếu người dân sử dụng điện thoại di động (smart phone) có tích hợp GPS, để báo cháy thì họ có thể gửi thông tin về vị trí đang đứng (gần điểm cháy) bằng nhiều phần mềm khác nhau.

- Thứ tư: sử dụng thiết bị báo cháy tự động. Nếu xảy ra cháy, thiết bị báo động sẽ tự động gửi tín hiệu cháy, chữa cháy trung tâm. Nếu vị trí của các thiết bị báo động đã được đăng ký và được lưu trữ trong hệ thống, vị trí đám cháy sẽ được nhanh chóng nằm trên bản đồ điện tử.

 

Nhờ dữ liệu GIS và khả năng truy vấn, phân tích không gian mạnh mẽ, hệ thống có thể tự động tìm kiếm trạm cứu hỏa gần nhất, xe cứu hỏa, thông tin nguồn nước và các bệnh viện gần nhất với vị trí đám cháy. Trong quá trình chữa cháy, người chỉ huy có thể sử dụng kết hợp GIS và ảnh viễn thám để trực tiếp tìm hiểu môi trường xung quanh các điểm cháy, đánh giá tác động của lửa, phân tích khả năng bắt cháy của đám cháy, tính toán vùng đệm, và lập kế hoạch sơ tán khẩn cấp. Nó cũng có khả năng hỗ trợ quy hoạch vị trí các trạm chữa cháy và bố trí các trụ nước.

 

Với ứng dụng công nghệ GIS, hệ thống có thể theo dõi các xe cứu hỏa, giám sát trạng thái của họ và chỉ dẫn xe cứu hỏa đi đến chỗ cháy trong thời gian ngắn nhất.

 

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác chữa cháy; xây dựng được quy trình ứng dụng công nghệ GIS hỗ trợ công tác chữa cháy khu vực đô thị. Ứng dụng công nghệ GIS vào việc hỗ trợ đưa ra phương án và xử lý thông tin PCCC trong một thời gian rất ngắn, nên công tác triển khai đến điểm cháy sẽ được rút ngắn lại, giảm thiểu thiệt hại đáng kể về tài sản và tính mạng con người. Khả năng ứng dụng của nghiên cứu là rất lớn từ cấp quận (huyện), cấp tỉnh (Thành phố) cho đến khu vực rộng lớn hơn.

 

Hệ thống giao thông được giả định là tĩnh và đồng nhất, tức là chưa tính đến tình trạng tắc đường và tốc độ xe cứu hỏa. Do vậy, nếu được nghiên cứu và khảo sát thêm về các vấn đề này, bài toán phân tích mạng trong nghiên cứu sẽ có tính thực tế cao hơn. Đặc biệt với tình hình cháy nổ tăng cao trong các năm trở lại đây việc ứng dụng nghiên cứu này vào thực tế là hoàn toàn hợp lý và rất cần thiết cần được triển khai tại các khu vực trong cả nước, đặc biệt là khu vực đô thị.

Nguồn: vista

Số lượt đọc: 13089

Về trang trước Về đầu trang