Tin KHCN trong nước
Tổ chức nghiên cứu các vấn đề khoa học về kỹ thuật bảo quản mẫu vật (20/05/2021)
-   +   A-   A+   In  
Mẫu vật luôn là vấn đề sống còn của một bảo tàng. Do vậy, bảo quản mẫu vật là hoạt động không thể thiếu, giúp duy trì trạng thái tốt nhất của mẫu vật trong mỗi bảo tàng. Trạng thái tốt nhất được hiểu dưới cả góc độ khoa học cũng như thẩm mỹ. Bảo quản mẫu vật được hiểu là hoạt động giúp các mẫu vật tránh hoặc giảm thiểu các tác động của các tác nhân làm thay đổi thành phần, trạng thái, hình dạng của mẫu vật.

Thực tế, các quá trình thay đổi trong mẫu vật là quá trình diễn ra tự nhiên, chúng ta có thể quan sát được bằng mắt thường, cũng có thể không thể quan sát bằng mắt thường. Những thay đổi này tích luỹ dần theo thời gian. Chúng ta có thể chia các tác nhân gây ra những thay đổi mẫu vật thành các loại sau: (1) các tác nhân vật lý trực tiếp như sốc, rung động, mài mòn (có thể làm vỡ, biến dạng, thủng, trầy xước các mẫu); trộm cắp, cá nhân bất cẩn hoặc phá hoại; cháy; nước (có thể làm cho các chất hữu cơ bị trương lên, ăn mòn kim loại, làm lỏng các thành phân liên kết…); (2) các tác nhân sinh học như côn trùng, nấm mốc, vi khuẩn có thể ăn lông, da, phá thủng các mẫu vật, giá đỡ mẫu vật làm hư hỏng mẫu vật; (3) các chất gây ô nhiễm (NOx, SO2, bụi ) có thể làm mất màu, ăn mòn các mẫu vật; (4) bức xạ (tia tử ngoại và ánh sáng nhìn thấy), tia tử ngoại có thể làm mờ, tối hoặc vàng các mẫu vật hữu cơ hoặc vật liệu vô cơ có màu. Ánh sáng nhìn thấy có thể làm mất màu gỗ, sơn; (5) nhiệt độ không đúng, có thể quá cao (gây ra sự phân rã hoặc sự đổi mầu của chất hữu cơ), có thể quá thấp (làm giòn, gẫy vật liệu polyme), dao động nhiệt độ lớn (làm giòn, gãy vật liệu), hơn nữa dao động nhiệt độ còn gây ra những thay đổi về độ ẩm. Nhiệt độ ảnh hưởng đến chuyển động của các phân tử trong vật liệu, nhiệt độ tăng, chuyển động các phân tử nhanh hơn, vật liệu sẽ dãn ra, và ngược lại đối với nhiệt độ giảm.

Với tầm quan trọng của công tác bảo quản trong bảo tàng, việc xây dựng các quy trình, kỹ thuật bảo quản mẫu vật chuẩn xác có thể loại trừ các tác nhân gây hư hỏng mẫu vật đảm bảo duy trì, lưu giữ mẫu vật được lâu dài, thậm chí là vĩnh cửu. Do đó việc nghiên cứu xây dựng các quy trình kỹ thuật bảo quản mẫu vật phục vụ nghiên cứu hay trưng bày là cực kỳ quan trọng. Vì thế, PGS.TS. Phạm Văn Lực cùng các cộng sự tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (TNVN) đã thực hiện đề tài: “Tổ chức nghiên cứu các vấn đề khoa học về kỹ thuật bảo quản mẫu vật”.

Đề tài đã thu được những kết quả sau:

- Đã tập hợp được một danh mục các tài liệu cơ sở tương đối phong phú do các bảo tàng, các cơ quan, tổ chức quốc tế soạn thảo và ban hành, làm tài liệu tham khảo để xây dựng bộ tài liệu về kỹ thuật bảo quản vật mẫu của mình.

- Về thực trạng các bộ sưu tập mẫu: kết quả nghiên cứu cho thấy ngoài một số bộ sưu tập mẫu thuộc hệ thống bảo tàng TNVN (Bảo tàng TNVN, bảo tàng địa chất, Bảo tàng Hải dương học…), còn lại đều trong tình trạng bảo quản chưa tốt, mẫu vật bảo tàng ngày càng bị xuống cấp do chưa có một quy định chặt chẽ, khoa học và hiệu quả thống nhất;

- Chưa có bất cứ bảo tàng hay đơn vị nào ban hành được một quy định hay quy trình để sử dụng trong việc bảo quản các sưu tập vật mẫu bảo tàng của mình đang quản lý.

- Đã xây dựng quy trình kỹ thuật bảo quản vật mẫu cho tất cả các nhóm mẫu vật đã và sẽ có của các bảo tàng trong hệ thống Bảo tàng TTNVN.

- Đã xây dựng được danh mục gồm 77 quy trình kỹ thuật bảo quản (đày đủ và tóm tắt) cho 77 nhóm mẫu vật, bao gồm 65 nhóm mẫu sinh vật, 8 nhóm mẫu địa chất và 4 nhóm mẫu thổ nhưỡng. Đây là tài liệu đầu tiên đầy đủ và có tính khoa học về phương pháp, quy trình bảo quản vật mẫu bảo tàngđược nghiên cứu xây dựng ở Việt Nam.

- Một kết quả mới của DATP là đã phát hiện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ta về bảo quản tài sản quốc gia, chưa có văn bản nào đề cập đến nhóm mẫu chuẩn và nhóm mẫu quý hiếm và đặc biệt quý hiếm trong sinh học.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15138) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 3562

Về trang trước Về đầu trang