Nếu như tại các Đại hội Đảng trước đây, khái niệm chuyển đổi số, kinh tế số,… chưa được nhắc đến thì tại Đại hội XIII của Đảng, khái niệm này đã được nhắc đến nhiều lần trong cả mục tiêu lẫn chiến lược. Như vậy, có thể thấy, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong cuộc CMCN 4.0 và quá trình áp dụng chuyển đổi số sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực khác nhau.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) thực sự được coi là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Các văn kiện lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước, Chính phủ đều đưa ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế số, chính phủ số…
Bộ trưởng cho biết, Bộ KH&CN sẽ xác định được nội hàm của chuyển đổi số, quản lý nhà nước về chuyển đổi số và đưa ra các vấn đề cần giải quyết. Bộ trưởng cũng lưu ý một số đơn vị cần có hoạt động chuyển đổi sớm, triển khai mạnh mẽ hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin… Để có kế hoạch, chiến lược triển khai hoạt động này trong thời gian tới, Bộ trưởng đã có yêu cầu cụ thể với một số đơn vị liên quan.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, chuyển đổi số thực chất là hoạt động ĐMST của một tổ chức, doanh nghiệp. Ví dụ, khi chúng ta thực hiện chuyển đổi số, ĐMST với công nghệ dệt hay công nghệ may thì cũng cần thực hiện các bước mua dây chuyền công nghệ, đổi mới quy trình công nghệ ở mức cao nhất của doanh nghiệp, cần thay đổi cả về quản lý, tổ chức, quy trình.
Tất cả các bước khi chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST cũng tương tự như khi thực hiện chuyển đổi số, từ ứng dụng, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu công nghệ mới và chuyển đổi từ cơ cấu tổ chức, cách thức làm việc, quy trình quản lý, tạo ra những phương thức mới, sản phẩm mới. “Nói một cách ngắn gọn, chuyển đổi số chính là hoạt động ĐMST sử dụng công nghệ số”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy.
Ông Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao cho biết, có 3 cấp độ của chuyển đổi số gồm: số hóa (chuyển dữ liệu Analog sang dạng số); ứng dụng công nghệ số (Quá trình ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số để đơn giản hóa, tối ưu hóa, tăng hiệu quả của các hoạt động, chưa thay đổi thực sự mô hình kinh doanh, hoặc tạo ra doanh nghiệp mới); chuyển đổi số (Quy trình, cách thức hoạt động mới; sản phẩm, dịch vụ mới; mô hình kinh doanh mới; loại hình doanh nghiệp mới).
Ví dụ, Netflix là công ty trải qua cả 3 cấp độ. Đầu tiên là số hóa, sử dụng camera số, cho người dùng thuê, mua đĩa CD, DVD tại các cửa hàng. Ở cấp độ 2 - ứng dụng công nghệ số sẽ cho phép khách hàng đặt hàng qua email, có phần mềm để người dùng lựa chọn, đăng ký thuê đĩa DVD (mô hình chờ khách hàng tìm đến). Ở cấp độ 3 – chuyển đổi số, là mô hình kinh doanh mới, cho thuê video trực tiếp, cung cấp thư viện nội dung, phục vụ trên các thiết bị cá nhân khác nhau kết hợp với gợi ý nội dung cho người dùng dựa trên sở thích, đánh giá.
Hoặc ví dụ với chính phủ điện tử, ở cấp độ 1, văn bản ở dạng file doc/pdf, số hóa các số liệu thống kê, văn bản, tài liệu, sử dụng chữ ký số. Ở cấp độ 2 có trục liên thông văn bản, eCabinet, điều hành điện tử. Ở cấp độ 3, ví dụ, xử lý kiến nghị của người dân, doanh nghiệp giảm các cơ quan/tổ chức trung gian dựa trên AI, Robots. Các dịch vụ do Chính phủ cung cấp để giải quyết vấn đề an sinh của người dân được tùy biến theo nhu cầu.
Có thể nói, chuyển đổi số nội hàm cốt lõi là ứng dụng công nghệ số. Theo các chuyên gia, chuyển đổi số có các mức khác nhau, hiện tại ở Việt Nam chủ yếu là mức số hóa và ứng dụng công nghệ số (tin học hóa). Việc thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi số tương tự thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động ứng dụng công nghệ và ĐMST với các công nghệ số.
Công nghệ cho chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau là khác nhau, ở mức chuyển đổi số toàn diện là các công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0 (AI, IoT, Blockchain, điện toán đám mây, 5G, AR, in 3D, phân tích dữ liệu lớn; thực tại ảo tăng cường (AR), thực tại ảo hỗn hợp MR,…).
Chuyển đổi số ở Bộ Khoa học và Công nghệ
Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia (Quyết định số 749/QĐ-TTg) do Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương được phân công tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan.
Theo Quyết định này, Bộ KH&CN có nhiệm vụ chủ trì triển khai các nhiệm vụ và giải pháp gồm kiến tạo thể chế; Nhiệm vụ giải pháp tạo nền móng Chuyển đổi số; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; Nhiệm vụ giải pháp tạo nền móng Chuyển đổi số; Tổ chức thực hiện và triển khai các nhiệm vụ giao chung cho tất cả bộ, ngành.
Ông Hà Quốc Trung, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin cho biết, Bộ KH&CN đã đặt ra các mục tiêu quan trọng để triển khai. Đồng thời chuyển đổi số công tác quản lý nhà nước về KH&CN; thực hiện cải cách hành chính đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ, ngành.
Cổng Thông tin điện tử của Bộ được đưa vào vận hành từ đầu năm 2017 với hơn 38 triệu lượt truy cập, trung bình 1 triệu lượt xem/tháng, nhiều năm được xếp thứ hạng cao trong các cổng thông tin bộ, ngành; đồng thời sử dụng kênh Facebook để lan tỏa thông tin. Đã có hơn 14.000 tin bài và hơn 3.000 thông báo đăng tải, đảm bảo cung cấp thông tin chính thống của Bộ KH&CN; tuân thủ đầy đủ các quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
Hệ thống dịch vụ công (DVC) trực tuyến đã kết nối với Cổng DVC quốc gia và Hệ thống giám sát quốc gia về Chính phủ số, đáp ứng đầy đủ 18 tiêu chí chức năng theo quy định và các yêu cầu của Chính phủ trong việc triển khai thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Hệ thống một cửa điện tử đã kết nối với Cổng DVC của Bộ KH&CN và Cổng DVC quốc gia. Đáp ứng đầy đủ các quy định và tịch hợp báo cáo số liệu; báo cáo tiến độ công khai trên Cổng DVC của Bộ KH&CN và quốc gia. Đồng thời, tích hợp tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận một cửa; tiếp nhận và xử lý hồ sơ nộp trực tuyến từ Cổng DVC quốc gia.