Tin KHCN trong tỉnh
2 năm kỳ công khôi phục rạn san hô Côn Đảo (23/04/2021)
-   +   A-   A+   In  

Sau 2 năm triển khai dự án “Lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại khu ramsar VQG Côn Đảo”, độ phủ của san hô ở vùng biển này đã được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ sống của san hô ghép đạt 60-80%...

PHỤC HỒI 7 LOẠI SAN HÔ

Vùng biển Côn Đảo được đánh giá là nơi có sự đa dạng sinh học biển vào nhóm bậc nhất Việt Nam với rạn san hô đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, từ năm 1997, san hô ở vùng biển Côn Đảo phát triển chậm, nhiều nơi san hô bị chết và bị tẩy trắng. Do đó, UBND tỉnh “đặt hàng” VQG Côn Đảo và Viện Hải dương học dự án “Lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại khu ramsar VQG Côn Đảo”.

PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, Nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) - chủ nhiệm dự án cho biết, việc phục hồi rạn san hô được thực hiện tại 3 khu vực là: Đất Dốc, Tây Nam hòn Tài (phục hồi trên nền đáy tự nhiên) và Bãi Cát lớn (phục hồi trên nền đáy nhân tạo). Hoạt động phục hồi bao gồm: đánh giá hiện trạng, di dời và cố định san hô, theo dõi tỷ lệ sống và tăng trưởng (tiến hành 5 lượt trong thời gian 2 năm). Theo đó, có 7 loại san hô thuộc 3 giống: Acopora, Montipora và Pocillopora được lựa chọn phục hồi ở vùng biển Côn Đảo. Ngoài ra, một số loại có hình thái và màu sắc đẹp như: Echinophyllia echinoporoides, Oxypora glabra, Echinophyllia cehinoporoides cũng được thử nghiệm nhằm tạo các sinh cảnh đa dạng phục vụ du lịch sinh thái.

Ở khu vực phục hồi san hô trên nền đáy nhân tạo, các nhà khoa học đã pháp tách mảnh sau đó cố định san hô vào 150 bồn bê tông dạng vòm. Ở các khu vực có nền đáy tự nhiên bảo đảm cho san hô phát triển tốt, các nhà khoa học thực hiện cố định trực tiếp trên nền san hô chết bằng dây cước hoặc dây rút. Để tạo sự chắc chắn, nhóm đã dùng cọc sắt 35cm hoặc đinh thép 10cm đóng trên nền san hô chết làm điểm tựa.

Kể về quá trình thực hiện dự án, PGS-TS Võ Sĩ Tuấn cho biết, nhóm thực hiện dự án lên đến 20 người (gồm các nhà khoa học từ Nha Trang, cán bộ VQG Côn Đảo và cả ngư dân) không quản ngại ngày đêm, sóng gió để làm việc cả trên biển và dưới lòng đại dương. Trong đó, vất vả nhất là việc đưa 150 bồn bê tông dạng vòm kích thước 100x60cm ra biển. Sau khi được sản xuất tại Côn Đảo, 150 bồn này đã được nhóm thực hiện dự án thuê xe cẩu ra cảng Bến Đầm. Từ đây, phải mất thêm 25 chuyến đò để chở số bồn bê tông này sang hòn Bảy Cạnh. Hàng chục ngư dân khỏe mạnh được huy động để thực hiện việc đưa bồn bê tông xuống bãi Cát Lớn (hòn Bảy Cạnh) và đặt vào đúng vị trí yêu cầu (khoảng cách từ 0,5-1m). 

Theo ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc VQG Côn Đảo, cơ quan chủ trì dự án cho biết, ông đã cùng đồng hành với các nhà khoa học của Viện Hải dương học suốt 2 năm thực hiện dự án. Dự án được thực hiện hoàn toàn trên biển, dưới lòng đại dương nên rất khó khăn, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. “Có  khi, chúng tôi đang triển khai công việc thì thời tiết bất lợi, sóng to, gió lớn, phải nằm lại 10 ngày mới có thể triển khai tiếp”, ông Huệ kể.

CẢI THIỆN RÕ RỆT

Sau 2 năm (từ tháng 10/2018 đến tháng 9/2020) triển khai thực nghiệm phục hồi san hô tại vùng biển Côn Đảo cho thấy, san hô đã phục hồi tốt. Cụ thể, theo đánh giá chi tiết hiện trạng nền đáy khu vực phục hồi san hô vào tháng 9/2020 cho thấy, lượng san hô đã được cải thiện rõ rệt thông qua các số liệu độ phủ của san hô sống. Theo đó, tại khu vực Bãi Cát Lớn độ phủ san hô cứng thay đổi từ 0-13,1%. Khu vực Hòn Tài độ phủ của san hô cứng tăng từ 3,8% lên 13,1%. Tương tự đối với khu vực Đất Dốc độ phủ của san hô cứng tăng từ 0,6% lên 10%. Như vậy sau 2 năm phục hồi san hô, độ phủ của san hô cứng trung bình tại ba điểm phục hồi tăng từ 1,5 lên 12% với số lượng hơn 4.400 tập đoàn san hô đã được phục hồi trên nền đáy tự nhiên và 1.600 tập đoàn san hô đã được phục hồi trên rạn nhân tạo.

Ông Nguyễn Công Danh, Giám đốc Sở KH-CN nhận định, dự án “Lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại khu ramsar VQG Côn Đảo” là một dự án thực nghiệm có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh và cả nước. Trong đó, việc phục hồi san hô và phát triển cho vùng ramsar Côn Đảo đã đạt được mục tiêu chính là cải thiện các vùng rạn san hô bằng cách làm gia tăng độ phủ của san hô, gia tăng giá bám bền vững cho san hô tái phục hồi và tạo môi trường ổn định cho sự phát triển của quần xã sinh vật rạn san hô. Từ đó góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi nguồn lợi tự nhiên, cải thiện chất lượng hệ sinh thái.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 3796

Về trang trước Về đầu trang