Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu, thiết kế và xây dựng mô hình dây chuyền bốc xếp hàng hóa tự động có khả năng ứng dụng trong công nghiệp (16/04/2021)
-   +   A-   A+   In  
Có nhiều dây chuyền công nghệ tiên tiến của nước ngoài đã được chuyển giao thành công ở nhiều đơn vị sản xuất trong nước. Việc chuyển giao công nghệ nhằm mục đích cải tạo các dây chuyền công nghệ lạc hậu, tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và nhu cầu xuất khẩu. Hiện nay, việc chuyển giao công nghệ không còn chỉ là chuyển giao những dây chuyền công nghệ của nước ngoài, mà các đơn vị khoa học kỹ thuật trong nước cũng đã tham gia nhiệt tình trong việc chuyển giao những dây chuyền công nghệ với giá thành rẻ. 

Các dây chuyền công nghệ sản xuất hiện nay đã được tự động hoá lên tới 90% từ đầu vào đến đầu ra. Tuy nhiên ở khâu bốc xếp - đóng gói vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang thực hiện thủ công với lực lượng công nhân lớn, việc bốc xếp thủ công cũng là nguyên nhân gây ra các hư hỏng cho sản phẩm, hàng hóa. Một ví dụ điển hình ở công ty kính nổi Viglacera vẫn còn cho thực hiện thủ công với lực lượng 27 công nhân làm việc 3 ca 4 kíp. Đối với công nhân đây là khâu làm việc vất vả nhất, mỗi ngày dây chuyền sản xuất được 310 - 350 tấn sản phẩm, và mỗi người công nhân phải bốc xếp khoảng trên 10 tấn sản phẩm.

Đối với Trường Đại học Sao Đỏ công tác nghiên cứu khoa học luôn được coi trọng, triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú như thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, tổ chức hội thảo khoa học, viết sách/giáo trình/bài báo... Các đề tài cấp bộ, cấp tỉnh hoặc đề tài gắn với các địa phương đều có những kiến nghị, đóng góp trực tiếp cho việc xây dựng chính sách và phát triển kinh tế xã hội của bộ, tỉnh, địa phương. Nhà trường đã có nhiều giải pháp công nghệ đã được chuyển giao cho doanh nghiệp, cũng như phục vụ đời sống sinh hoạt, tiêu biểu là công nghệ sản xuất nước uống tinh khiết nhãn hiệu FT-SDU. Sản phẩm này đã được Trung tâm phân tích và giám định thực phẩm Quốc gia đánh giá đạt tiêu chuẩn QCVN 6- 1:2010/BYT. Hiện tại sản phẩm đang được cán bộ giảng viên và sinh viên nhà trường cùng người dân trên địa bàn thị xã Chí Linh và các vùng lân cận sử dụng từ tháng 10/2015 với số lượng từ 100 - 150 bình/ngày. Tuy nhiên ở khâu bốc xếp - đóng bình vẫn đang thực hiện thủ công đòi hỏi cần phải có một lực lượng công nhân lớn, trong khi đó nhà trường không có đủ lực lượng để bố trí cho công việc này. Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Trọng Các, Trường Đại học Sao Đỏ, đứng đầu đề xuất giải pháp nghiên cứu đó là: “Nghiên cứu, thiết kế và xây dựng mô hình dây chuyền bốc xếp hàng hóa tự động có khả năng ứng dụng trong công nghiệp”.

Sau một thời gian triển khai, Đề tài đã thực hiện đảm bảo các nội dung được giao, cụ thể là:

1. Thiết kế, chế tạo và lắp ráp hoàn chỉnh mô hình dây chuyền bốc xếp hàng hóa tự động có khả năng ứng dụng trong công nghiệp đảm bảo tính khoa học giáo dục, tính thẩm mĩ, tính thực tiễn, tính kinh tế, tính năng kỹ thuật, phù với thực tế, dễ vận hành, kiểm tra và sửa chữa.

2. Thiết kế được giao diện và lập trình điều khiển dây chuyền bốc xếp hàng hóa tự động.

3. Nghiên cứu xây dựng hệ thống bài tập thực hành trên mô hình dây chuyền bốc xếp hàng hóa tự động đảm bảo tính khoa học, giáo dục tính lôgíc phù hợp với thực tế sản xuất và khả năng nghiên cứu học tập của sinh viên.

4. Đánh giá hiệu quả kinh tế và ý nghĩa về mặt sư phạm.

Mô hình do nhóm tác giả thiết kế lắp ráp có giá thành giảm so với nhập ngoại, do tự thiết kế và lắp ráp nên sản phẩm đã đảm bảo được tính thực tiễn, phù hợp với môi trường công nghiệp; đồng thời đảm bảo mục tiêu đào tạo, phục vụ tốt trong công tác giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên khoa Điện Trường Đại học Sao Đỏ. Đối với công tác giảng dạy, nội dung các bài thực hành - thực nghiệm của đề tài ngắn gọn, bao quát được kiến thức cốt lõi, các thao động tác vận hành đơn giản giúp sinh viên nâng cao khả năng tư duy, sáng tạo và ghi nhớ nội dung bài học ngay tại lớp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Kết quả thu được góp phần phát triển năng lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các thành viên trong đề tài nói riêng và của Trường Đại học Sao Đỏ nói chung. Mô hình dây chuyền bốc xếp hàng hóa tự động có khả năng thay thế con người làm việc trong môi trường khắc nghiệt, độc hại; tăng năng xuất lao động và có khả năng cạnh tranh trên thị trường, không gây ô nhiễm môi trường cũng như hiệu ứng nhà kính…

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 15547/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 2823

Về trang trước Về đầu trang