Tin KHCN trong nước
Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo (22/03/2021)
-   +   A-   A+   In  
Để tháo gỡ các điểm yếu của hệ thống đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia tại Việt Nam, nhiều đại biểu cho rằng cần khắc phục các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng và sự phù hợp của hoạt động R&D và tạo ra tri thức;…

Toàn cảnh Hội nghị.
 

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị chuyên đề quản lý nhà nước về ĐMST do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức chiều ngày 19/3/2021. Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt chủ trì Hội nghị.

 

Tại Hội nghị, báo cáo tham luận của Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ đã cho thấy bức tranh tổng quát về ĐMST, từ khái niệm, bản chất, thực trạng, thành tựu ĐMST, kinh nghiệm thúc đẩy hoạt động ĐMST của một số quốc gia, hoạt động quản lý nhà nước về ĐMST ở Việt Nam và những thay đổi về chiến lược quan trọng nhằm tháo gỡ các điểm yếu của hệ thống ĐMST quốc gia tại Việt Nam.

 

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, gần đây Ngân hàng Thế giới đưa ra một quan sát gọi là “Nghịch lý của ĐMST”, được diễn giải là những nước đi sau có thể thừa hưởng, du nhập, bắt chước những công nghệ, những đổi mới mà các nước tiên phong đã phát triển để nhanh chóng bắt kịp các nước đi trước, nhưng trên thực tế đa số các nước đi sau lại không thực hiện được, hoặc thực hiện ở mức rất khiêm tốn những cơ hội này.

 

Nghịch lý này được giải thích là ĐMST kể cả theo nghĩa rộng hay ĐMST theo kiểu bắt chước cũng không là “đương nhiên” mà đòi hỏi mức độ nhất định năng lực hấp thụ công nghệ, hấp thụ tri thức, năng lực quản lý và tổ chức, đòi hỏi doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ ĐMST ở quốc gia đó phải tích lũy được nền tảng tri thức cần thiết cho ĐMST. Nếu năng lực quản lý sản xuất còn hạn chế, rất khó để doanh nghiệp thực hiện ĐMST quan trọng. Do vậy, tùy từng giai đoạn phát triển khác nhau các quốc gia sẽ có chính sách ĐMST phù hợp.

 

Nhìn từ khía cạnh chính sách, hệ thống ĐMST quốc gia sẽ cung cấp đầu vào tri thức cho quá trình đổi mới (qua R&D, xây dựng năng lực); tạo cầu cho ĐMST (hình thành thị trường sản phẩm mới, tạo ra yêu cầu mới về chất lượng); hình thành các thành phần của hệ thống đổi mới (hình thành, thay đổi các tổ chức trực tiếp tham gia ĐMST; thúc đẩy học tập lẫn nhau, xây dựng mạng lưới và liên kết tri thức; tạo ra và hình thành các thể chế); hỗ trợ các công ty đang ĐMST, thông qua việc ươm tạo, cung cấp tài chính và tư vấn (ươm tạo, cung cấp tài chính, cung cấp dịch vụ tư vấn).

 

Tại Việt Nam, hệ thống ĐMST đang hình thành, trong đó, một số thực thể, thể chế và liên kết đã xuất hiện và hoạt động nhưng còn thiếu vắng nhiều thể chế, thực thể và liên kết khác.

 

Từ năm 2007 đến nay, mỗi năm Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Viện Quản trị Kinh doanh Châu Âu (INSEAD), Đại học Cornell (Hoa Kỳ) đều phối hợp xây dựng và xuất bản báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Những năm gần đây, kết quả GII của Việt Nam liên tục tăng và Việt Nam đã sử dụng bộ chỉ số GII như một công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động ĐMST của quốc gia. Việt Nam được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển khác trong việc thiết lập ĐMST như một ưu tiên quốc gia.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu dành nhiều thời gian trao đổi, bàn luận về vấn đề quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST. Hoạt động quản lý nhà nước của Bộ KH&CN về ĐMST được tổ chức dưới hình thức các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước (từ xác định nhiệm vụ, đến tuyển chọn thực hiện, đánh giá nghiệm thu, phổ biến, chuyển giao kết quả nghiên cứu v.v..) là hoạt động xuyên suốt trong các thời kỳ.

 

Từ đầu những năm 2000, Bộ KH&CN đã có sự chuyển hướng nhằm vào đối tượng doanh nghiệp, địa phương và thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, áp dụng những quy trình, công cụ quản lý, tiêu chuẩn mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của doanh nghiệp; hoạt động sở hữu trí tuệ cũng được đẩy mạnh hơn. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới (các luật) được xây dựng, sửa đổi, bổ sung. Các chương trình KH&CN được đề xuất và triển khai. Các đơn vị trong Bộ Khoa học và Công nghệ cũng được tái cơ cấu lại theo định hướng mới. Một số đơn vị được thành lập mới và có thêm nhiều hoạt động cùng bộ máy, cơ chế chính sách liên quan nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tài chính và các hỗ trợ khác cho doanh nghiệp. Đây thực chất là những hoạt động có tính chất quản lý nhà nước về ĐMST.

 

Trong bối cảnh mới, cần ưu tiên phát triển năng lực bắt kịp trình độ công nghệ cao nhất (đường biên công nghệ) thông qua tiếp nhận, phổ biến công nghệ tiên tiến từ nước ngoài hoặc các công ty đa quốc gia, thay vì cố gắng thúc ép tạo ra công nghệ mới thông qua hoạt động sáng chế; có thiên kiến trong phân bổ nguồn lực dành cho các chương trình nghiên cứu và triển khai với mục tiêu tạo ra công nghệ mới; cần có một loạt các yếu tố bổ trợ để các dự án ĐMST thành công; tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ và phát triển tài sản trí tuệ để thúc đẩy ĐMST; tăng cường sự điều phối và xây dựng thể chế của chính sách ĐMST.

 

Để tháo gỡ các điểm yếu của hệ thống ĐMST quốc gia tại Việt Nam, cần khắc phục các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh, gồm cả các quy định hạn chế không cần thiết, giới hạn cạnh tranh, can thiệp kinh tế, hạn chế về ĐMST và tài chính cho khởi nghiệp; nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, trước hết thông qua tiếp nhận, ứng dụng công nghệ sau đó tiến tới tạo ra công nghệ; cải thiện số lượng, chất lượng và sự phù hợp của lực lượng lao động; nâng cao chất lượng và sự phù hợp của hoạt động R&D và tạo ra tri thức;…


 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.
 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã chia sẻ, giải đáp thông tin, đề xuất của các đơn vị liên quan đến ĐMST. Đồng thời đưa ra một số định hướng hoạt động thời gian tới. Theo Bộ trưởng, cần bổ sung rõ hơn chức năng quản lý nhà nước của các đơn vị về ĐMST; đề xuất giải pháp tăng cường ĐMST trong doanh nghiệp; nâng cao vai trò, vị trí của Bộ liên quan đến quản lý nhà nước về ĐMST;…

 

Nguồn: most.gov.vn

Số lượt đọc: 2088

Về trang trước Về đầu trang