Tin KHCN trong nước
Chân dung PGS.TS Trương Thanh Hương: Nhà khoa học với những công trình đồ sộ (09/03/2021)
-   +   A-   A+   In  

PGS.TS Trương Thanh Hương, giảng viên cao cấp Đại học Y Hà Nội đã được vinh danh lại lễ trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 với nhiều công trình nghiên cứu đóng góp cho điều trị tim mạch ở Việt Nam và thế giới.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trương Thanh Hương (sinh năm 1961 ở Hà Nội). Chị là cá nhân duy nhất được nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 dành cho các nhà khoa học nữ xuất sắc.

truong thanh huong2

 Phó giáo sư, tiến sĩ Trương Thanh Hương nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 

Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, chị Hương thi đỗ Đại học Y Hà Nội. Sinh viên trường y ngày đó còn vô vàn khó khăn, chủ yếu các môn học đều là lý thuyết, quan sát các bộ phận cơ thể người qua hình vẽ, mô hình, ít được tiếp xúc với bệnh nhân và thực hành lâm sàng không nhiều. Chị thường xuyên phải tự nghiên cứu thêm các tài liệu trên thư viện và trao đổi với các thầy cô bộ môn để hiểu bài.

Năm 1984, khi tốt nghiệp chuyên ngành Y đa khoa, Đại học Y Hà Nội loại giỏi, chị quyết định tiếp tục thi lên bậc bác sĩ nội trú chuyên về tim mạch.

Sau hơn 2 năm học, chị tốt nghiệp bác sĩ nội trú với số điểm cao và được tiếp nhận công tác tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, đồng thời là giảng viên tại Đại học Y Hà Nội.

Là một trong hai bác sĩ nội trú tim mạch khóa đầu tiên của Đại học Y Hà Nội, phó giáo sư Hương khi ấy được nhà nước cử đi học chuyên sâu hơn về tim mạch học lâm sàng và siêu âm – doppler tim tại Đại học Paris VI (Pháp).

Năm 1997, trở về nước, chị là một trong số rất ít bác sĩ hồi đó có kiến thức chuyên môn cận lâm sàng chuẩn chỉnh, tiệm cận với y học hiện đại trên thế giới. Các thầy, các giáo sư gạo cội của ngành y lúc đó hầu hết đều mong muốn phát triển chị theo con đường siêu âm tim.

35 năm công tác tại Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai và Bộ môn Tim mạch, Đại học Y Hà Nội, phó giáo sư Trương Thanh Hương đã nghiên cứu, chuyển giao nhiều công trình khoa học có liên quan tới bệnh lý tim mạch bẩm sinh và di truyền, phát triển các kỹ thuật mới về siêu âm tim.

Với định hướng nghiên cứu chính là lĩnh vực Bệnh lý tim mạch bẩm sinh và di truyền, Dược lý học di truyền trong cá thể hóa điều trị bệnh tim mạch, Phát triển các kỹ thuật mới về siêu âm tim, điện tim, PGS.TS. Trương Thanh Hương từng tham gia và chủ trì 19 đề tài khoa học các cấp, công bố 75 bài báo khoa học trong và ngoài nước. Chị cũng tham gia đào tạo cho nhiều học viên, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa và là chủ biên và thành viên soạn thảo của 20 giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu y khoa có giá trị.

Những công trình nghiên cứu khoa học nổi bật của TS. Trương Thanh Hương có thể kể đến là công trình "Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam" và công trình "Khảo sát một số đa hình thường gặp của gen CYP2C19 liên quan đến đáp ứng thuốc clopidogrel ở người mắc bệnh động mạch vành tại Việt Nam".

truong thanh huong1

Kết quả nổi bật của công trình "Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam" là quy trình sàng lọc, chẩn đoán, xét nghiệm gen, hướng dẫn tư vấn di truyền và mô hình quản lý bệnh tăng cholesterol máu gia đình tại Việt Nam. Các kết quả này đã chuyển giao đến các cơ sơ y tế phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cần biết rằng, tăng cholesterol máu gia đình là di truyền ảnh hưởng đến các thế hệ trong gia đình, từ người lớn đến trẻ nhỏ, gây biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở người trẻ tuổi. 

Đáng lo ngại khi tại Việt Nam có gần 500 nghìn bệnh nhân mắc bệnh này, nhưng trước đây hầu như rất ít người bệnh được phát hiện và điều trị sớm. Nhờ công trình nghiên cứu này, bệnh nhân và gia đình họ có thể có cơ hội được tiếp cận việc chẩn đoán, điều trị tối ưu, nhờ đó có thể hạn chế xảy ra các biến chứng tim mạch, nhất là ở thanh thiếu niên, qua đó giúp bảo vệ sức khỏe cho người dân, góp phần bảo toàn năng suất lao động, ổn định kinh tế - xã hội cho đất nước.

Công trình thứ hai là "Khảo sát một số đa hình thường gặp của gen CYP2C19 liên quan đến đáp ứng thuốc clopidogrel ở người mắc bệnh động mạch vành tại Việt Nam" của chị đã được chuyển giao để chế tạo chíp sinh học chẩn đoán nhanh đa hình gen CYP2C19 liên quan đến đáp ứng thuốc Clopidogrel đặc hiệu cho người Việt Nam. Điều này có ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn, mở ra cơ hội hiện thực hóa việc cá thể hóa điều trị thuốc chống ngưng tập tiểu cầu Clopidogrel tại Việt Nam. 

Với hàng trăm nghìn bệnh nhân mắc bệnh mạch vành, việc sử dụng chíp sinh học này trong cá thể hóa điều trị hứa hẹn góp phần giảm tối đa biến chứng và tử vong cho người bệnh. Từ đó có thể tiết kiệm đáng kể chi phí chăm sóc y tế hàng năm cho đất nước.

Là giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội, bên cạnh việc giảng dạy, PGS.TS. Trương Thanh Hương còn tích cực đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành Y tế, thông qua hướng dẫn khoa học cho hơn 40 tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ nội trú và trực tiếp giảng dạy, chuyển giao các công nghệ tiên tiến trong thăm dò, chẩn đoán, điều trị bệnh lý tim mạch cho hàng trăm bác sỹ, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế trong cả nước.

PGS. TS. Trương Thanh Hương góp phần là cầu nối của ngành y tế Việt Nam với quốc tế thông qua các đóng góp ngang tầm trong NCKH và hợp tác sáng tạo với các nhà khoa học, các nghiệp đoàn khoa học lớn trên thế giới như Pháp, Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản... Từ những kết nối quan trọng đó, nhiều bác sĩ, nhà khoa học trẻ đã có cơ hội tiếp cận, học tập và phát triển năng lực trong môi trường khoa học quốc tế, là tiền đề quan trọng để nâng cao năng lực khoa học của Việt Nam. Bên cạnh đó PGS. Trương Thanh Hương còn là chủ biên và thành viên soạn thảo của 20 giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu y khoa có giá trị.

Nguồn: sohuutritue.net.vn

Số lượt đọc: 767

Về trang trước Về đầu trang