Tin KHCN nước ngoài
Thiết bị thông minh tạo thị lực nhân tạo giúp người mù nhìn thấy mọi vật dễ dàng (16/03/2021)
-   +   A-   A+   In  
Giáo sư Diego Ghezzi và nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ liên bang Thụy Sỹ đã nghiên cứu thành công thiết bị tạo thị lực nhân tạo cho người khiếm thị.

Nghiên cứu này được Giáo sư Diego Ghezzi và nhóm nghiên cứu Trường Đại học Bách Khoa liên bang Thụy Sỹ triển khai từ năm 2015. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát triển loại thiết bị ghép võng mạc thông minh, cung cấp thị lực nhân tạo cho người mù. Thiết bị này kích thích tế bào võng mạc của người mù bằng việc sử dụng các điện cực.

Thiết bị cấy ghép võng mạc mà nhóm phát triển chứa 10,500 điện cực, mỗi điện cực tạo ra một điểm sáng. Khoảng cách giữa các điểm này phải đủ xa để bệnh nhân có thể phân biệt được hai điểm giống nhau, số lượng điểm sáng phải đủ để đảm bảo độ phân giải.

Sau khi ghép thiết bị này vào võng mạc, người dùng đeo thêm một loại kính. Bên trong kính được gắn bộ phận có chức năng giống máy ảnh, ghi lại hình trong trường nhìn của người sử dụng, sau đó gửi dữ liệu đến phần xử lý khác, kích thước siêu nhỏ ở đầu kính. Bộ phận này chuyển đổi dữ liệu thành tín hiệu ánh sáng và truyền đến các điện cực trong thiết bị cấy ghép. Các điện cực kích thích võng mạc, cho phép người đeo nhìn thấy hình ảnh phiên bản đen trắng.

Thiết bị do các nhà khoa học Thụy Sỹ phát triển có khả năng giúp những người bị khiếm thị nhìn thấy các vật. Ảnh minh họa 

Kết quả xét nghiệm điện sinh lý cũng cho thấy, mỗi điện cực trong thiết bị có thể tạo ra một điểm sáng khác nhau. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục kiểm tra khả năng cung cấp độ phân giải của 10.500 điểm sáng này ở những trường nhìn khác nhau.

Trước đó, các nhà khoa học tại Đại học Linkoping (Thụy Điển) cũng đã phát triển thành công một thiết bị cấy ghép mới ít xâm lấn hơn và giúp người dùng loại bỏ nhu cầu đeo mắt kính vốn nhiều bất tiện.

Thiết bị được chế tạo từ collagen tổng hợp - loại protein phổ biến nhất trong cơ thể, nên có thể loại trừ nguy cơ thải ghép hoặc gây sẹo giác mạc, thường gặp với các thiết bị cấy ghép khác. Để cấy thiết bị vào mắt, kỹ thuật viên sẽ dùng tia laser tạo một lỗ hổng tại trung tâm giác mạc rồi đưa thiết bị vào trong. Khi các bề mặt bên trong lành lại, chúng sẽ ôm lấy thiết bị vào đúng vị trí. Toàn bộ quá trình phẫu thuật kéo dài chưa đầy một phút và có thể điều chỉnh về sau (nếu thị lực tiếp tục suy giảm).

Trong thử nghiệm tiến hành tại Đại học Linkoping, thiết bị đã cải thiện thị lực trên cả 6 bệnh nhân được cấy ghép. Những người tham gia các thử nghiệm tương tự tại Viện Mắt Gemini ở CH Séc và Áo cũng cho biết thiết bị đã giúp họ cải thiện thị lực đáng kể. Cuộc thử nghiệm quy mô lớn hơn trên 110 bệnh nhân ở miền Trung nước Áo dự kiến hoàn thành vào năm tới.

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 3527

Về trang trước Về đầu trang