Tin KHCN nước ngoài
Chế tạo gạch xây dựng từ… đầu lọc thuốc lá (15/03/2021)
-   +   A-   A+   In  

Các nhà nghiên cứu tại Đại học RMIT đã tìm ra cách tái chế đầu lọc thuốc lá thành gạch xây dựng nhằm tiết kiệm năng lượng và giải quyết vấn đề môi trường.

Mỗi năm, toàn thế giới có hàng ngàn tỷ điếu thuốc được sản xuất. Việc vứt bỏ đầu lọc thuốc lá sau khi dùng ra môi trường đồng nghĩa với việc thải ra hàng triệu tấn chất thải độc hại. Vì đầu lọc có khả năng phân hủy sinh học kém nên phải mất rất nhiều năm để chúng phân rã.

 

Đầu lọc thuốc lá chứa nhiều hóa chất. Khi vứt ra môi trường, các kim loại nặng như asen, crom, niken và cadimi trong màng lọc có thể rỉ vào lòng đất và nước, gây ô nhiễm.

 

Theo các tác giả, gạch làm từ đầu lọc thuốc lá nhẹ hơn và cách nhiệt tốt hơn so với gạch thông thường, có nghĩa là sẽ giảm chi phí sưởi ấm và làm mát cho các hộ gia đình.

 

Năm 2016, các nhà khoa học tại Đại học RMIT đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí Waste Management về việc sử dụng đầu lọc thuốc lá làm một trong những nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất gạch đất sét nung.

 

Kết quả cho thấy, gạch đất sét chứa 1% thành phần là đầu lọc thuốc lá tái chế có độ chắc tương đương gạch thông thường nhưng sử dụng ít năng lượng để nung hơn.

 

Gần đây, nhóm nghiên cứu này đã phát triển một kế hoạch chi tiết để kết nối ngành sản xuất gạch và quản lý rác thải với nhau nhằm tái chế đầu lọc thuốc lá thành gạch trên quy mô lớn. Quy trình này mới được công bố trên tạp chí Materials, bao gồm các cách thu gom đầu lọc thuốc lá và tái chế trên quy mô công nghiệp.

 

Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra các phương pháp phối hợp đầu lọc thuốc lá vào gạch khác nhau, bao gồm: Dùng cả đầu lọc, cắt vụn đầu lọc trước khi sản xuất hoặc đầu lọc được trộn lẫn với các vật liệu làm gạch khác trước khi sản xuất. Bên cạnh đó là các yêu cầu nêu ra về sức khoẻ và an toàn trong quá trình sản xuất, bao gồm các cách để giảm thiểu nguy hiểm trong quá trình sản xuất gạch công nghiệp và thủ công.

 

Kết quả cho thấy, việc sử dụng 1% lượng đầu lọc thuốc lá vào sản xuất gạch sẽ giúp giảm lượng năng lượng cần thiết để nung gạch xuống 10%. Phó Giáo sư Abbas Mohajerani, chủ nhiệm nghiên cứu, cho biết, thông thường sẽ cần tới 30 tiếng để nung gạch nên việc giảm 10% năng lượng sẽ là một khoản tiết kiệm tài chính đáng kể.

Nguồn: chinhphu.vn

Số lượt đọc: 3153

Về trang trước Về đầu trang