Thông tin chính sách mới
Chính sách mới của Trung ương có hiệu lực từ tháng 2/2021 (02/02/2021)
-   +   A-   A+   In  
Chính phủ, Thủ tướng và các bộ ngành đã ban hành nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2021 như: không tăng lương tối thiểu vùng so với năm 2020; dừng phát hành thẻ từ ATM, thay bằng thẻ chip; người nước ngoài vào Việt Nam làm việc dưới 30 ngày không cần giấy phép;…

Không tăng lương tối thiểu vùng so với năm 2020

Nghị định 145/2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Theo điểm a khoản 1 Điều 96 Nghị định 145/2020 về chế độ của hòa giải viên lao động có nhắc đến quy định từ ngày 1/1/2021, mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Nghị định số 90/2019 ngày 15/11/2019 của Chính phủ.

Như vậy, năm 2021 giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng như năm 2020, tương đương:

Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Bãi bỏ hàng loạt Nghị định, Thông tư về tiền lương trong tháng 02/2021

Nghị định 145/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 01/02/2021. Kéo theo đó, nhiều Nghị định hướng dẫn về tiền lương theo Bộ luật Lao động năm 2012 sẽ bị bãi bỏ. Cụ thể:

- Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động;

- Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương;

- Nghị định số 121/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.

Bên cạnh đó, tại Thông tư số 22/2020/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 30/12/2020, hàng loạt các Thông tư liên tịch liên quan đến lĩnh vực tiền lương cũng sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 15/02/2021, bao gồm:

- Thông tư liên tịch 37/2011/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BNV-BNG hướng dẫn thực hiện Quyết định số 10/2011/QĐ-TTg về chế độ đối với những người trực tiếp tham gia và phục vụ công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền.

- Thông tư liên tịch 31/2014/TTLT-BLĐTBXH-BQP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Thông tư liên tịch 26/2011/TTLT-BLĐTBXH-BQP hướng dẫn thực hiện thí điểm quản lý tiền lương đối với Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội giai đoạn 2011-2013 theo Nghị định 65/2011/NĐ-CP ngày 29/7/2011.

- Thông tư liên tịch 26/2011/TTLT-BLĐTBXH-BQP hướng dẫn thực hiện thí điểm quản lý tiền lương đối với công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội giai đoạn 2011 - 2013 theo Nghị định số 65/2011/NĐ-CP ngày 29/7/2011.

Bỏ quy định cấm ca sĩ hát "nhép"

Từ ngày 01/2/2021, Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn bắt đầu có hiệu lực.

Trong đó, Điều 3 Nghị định 144 đã bỏ quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn tại Nghị định 79/2012/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Nghị định này còn quy định một số nội dung khác như: Cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu không cần đáp ứng điều kiện cần phải có danh hiệu người đẹp, người mẫu trong nước.

Nghị định 144 có hiệu lực cũng quy định Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 54/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường sẽ hết hiệu lực.

Khoản 1 Điều 6 Nghị định 54/2019 có nội dung yêu cầu các chủ của doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường chỉ sử dụng các bài hát được phép phổ biến, lưu hành

Như vậy, từ ngày 1/2/2021, khi Khoản 1 Điều 6 Nghị định 54/2019 hết hiệu lực, quán karaoke không còn bị hạn chế khi sử dụng bài hát, kể cả các bài hát từ trước năm 1975 chưa được phổ biến.

Xây nhà ở có thời hạn được cấp quyền sở hữu nhà ở

Có hiệu lực từ ngày 08/02/2021, Nghị định 148/2020/NĐ-CP ban hành ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Căn cứ khoản 14 Điều 1 Nghị định 148/2020, hộ gia đình, cá nhân trong nước được cấp giấy phép xây dựng nhà ở hoặc giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng. Như vậy, so với quy định cũ tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 43/2014, Nghị định mới đã công nhận cả giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn (xây dựng tạm).

Nghị định cũng bổ sung quy định giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý. Cụ thể, các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý được giao đất, cho thuê đất phải đáp ứng các tiêu chí sau:

+ Thuộc quỹ đất đã thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đất chưa giao, đất chưa cho thuê hoặc đất đang giao quản lý theo quy định.

+ Có diện tích, hình dạng không đủ tiêu chuẩn diện tích, kích thước tối thiểu được phép tách thửa theo quy định của UBND cấp tỉnh.

+ Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

+ Không thuộc khu vực đất thực hiện các dự án, công trình đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, công bố công khai.

+ Đất dự kiến giao, cho thuê không có tranh chấp, khiếu nại, vi phạm hoặc có tranh chấp, khiếu nại, vi phạm nhưng đã có văn bản giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Nghị định này còn một số nội dung nổi bật khác như: Được làm thủ tục cấp Sổ đỏ nhanh, tại nhà; Thêm cơ quan được quyền nhận hồ sơ cấp, cấp đổi, cấp lại Sổ đỏ là Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai…

Điều kiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

Theo Nghị định 150/2020/NĐ-CP ban hành ngày 25/12/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/02/2021, các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định thực hiện chuyển thành công ty cổ phần khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

1- Tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự đảm bảo được chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi.

2- Còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị đơn vị sự nghiệp công lập.

3- Thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ. Danh mục này không bao gồm các ngành, các lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành quy định không thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

4- Có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 111/2020/TT-BTC  hướng dẫn một số nội dung về xử lý tài chính, xác định giá trị đơn vị sự nghiệp công lập, bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, có hiệu lực thi hành từ 15/2/2021.

Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc dưới 30 ngày không cần giấy phép

Đây là một trong những nội dung tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về người lao động  nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2021.

Căn cứ Điều 7 Nghị định này, người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động gồm:

- Người lao động nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.

- Người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại ví trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 3 lần trong 01 năm…

Tiêu chí xác định dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù

Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025 có hiệu lực từ ngày 15/02/2021.

Theo đó, dân tộc còn gặp nhiều khó khăn là dân tộc thuộc đối tượng áp dụng theo quy định và đáp ứng 1 trong các tiêu chí sau: Có tỷ lệ hộ nghèo lớn hơn từ 1,5 lần trở lên so với bình quân chung tỷ lệ hộ nghèo của 53 dân tộc thiểu số; Có tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông lớn hơn 1,5 lần so với bình quân chung tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông của 53 dân tộc thiểu số; Có tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi lớn hơn 1,5 lần so với bình quân chung tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi của 53 dân tộc thiểu số.

Nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham nhũng sẽ được miễn tử hình

Theo Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán toà án Nhân dân tối cao có hiệu lực từ ngày 15/2/2021, trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ... sẽ không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử. Đây là điểm mới, cụ thể hơn so với hiện hành.

Ví dụ, ông Nguyễn Văn A có hành vi tham ô số tiền 4 tỷ đồng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền 2 tỷ đồng. Sau khi A bị khởi tố, vợ của A đã chuyển nhượng nhà đất là tài sản riêng của mình để thay A nộp lại số tiền 3 tỷ đồng thì được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô và sẽ được toà giảm mức án cao nhất từ tử hình xuống chung thân.

Dừng phát hành thẻ từ ATM, thay bằng thẻ chip

Thông tư 22/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hiệu lực từ 16/2/2021 sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.

Theo đó, từ 31/3/2021, các Tổ chức phát hành thẻ thực hiện phát hành thẻ có BIN (Bank Identification Number - số nhận dạng ngân hàng) do Ngân hàng Nhà nước cấp phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.

Ngoài ra, lùi thời hạn yêu cầu 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của Tổ chức thanh toán thẻ phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa đến ngày 31/12/2021 thay vì ngày 31/12/2020 như quy định cũ.

Như vậy, từ 31/3/2021, các ngân hàng dừng phát hành thẻ từ ATM, thay vào đó sẽ phát hành thẻ chip.

Quy định phí kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy

Từ ngày 22/02/2021, mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy được thực hiện theo quy định tại Thông tư 02/2021/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành.

Quy định mới về hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường

Có hiệu lực từ ngày 15/02/2021, Thông tư 54/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư 18/2019/TT-BCT quy định về hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường và Thông tư 20/2019/TT-BCT quy định kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường.

Quy định mới về cấp giấy phép hoạt động báo chí

Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2021, Thông tư 41/2020/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in và báo điện tử, tạp chí điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, thực hiện hai loại hình báo chí, mở chuyên trang của báo điện tử và tạp chí điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san.

Điều chỉnh tăng thù lao dịch vụ đấu giá tài sản

Có hiệu lực thi hành từ ngày 04/02/2021, Thông tư 108/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 45/2017/TT-BTC quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản.

Nguồn: baria-vungtau.gov.vn

Số lượt đọc: 1025

Về trang trước Về đầu trang