Tin KHCN trong nước
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tái chế rác thải nhựa (09/02/2021)
-   +   A-   A+   In  
Đề án 'Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025' nêu rõ, cần ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tái chế rác thải nhựa

Đề án nhằm tăng cường phối hợp giữa các ban, bộ, ngành và địa phương cùng chung tay nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử trách nhiệm của toàn xã hội trong việc sử dụng, quản lý rác thải nhựa, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chiến lược của Đảng, Nhà nước về quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa.

Thực hiện có hiệu quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế trong giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa xả thải ra môi trường.

Mục tiêu cụ thể của Đề án là người dân được cung cấp thông tin về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước qua các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thóng thông tin cơ sở trong công tác phòng, chống rác thải nhựa; chú trọng tuyên truyền cho người dân tại 28 tỉnh, thành phố ven biển, các thành phố lớn, đông dân cư và khu vực đô thị về nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa, thay đổi thói quen sử dụng, thải bỏ các sản phẩm nhựa từ đó nâng cao ý thức giữ gìn tài nguyên, môi trường biển đảo.

100% phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản trung ương và địa phương viết về lĩnh vực môi trường và xã hội; cán bộ cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về công tác phòng, chống rác thải nhựa.

90% người lao động làm việc trong các doanh nghiệp; học sinh, sinh viên các cấp học trên toàn quốc được cung cấp kiến thức, thông tin thiết yếu về phòng, chống rác thải nhựa.

Đề án nêu rõ, tập trung tuyên truyền, phổ biến những nội dung chủ yếu sau: Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến bảo vệ môi trường; phòng, chống rác thải nhựa; tác hại của chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tái chế rác thải nhựa; hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm, có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường; kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và tăng trưởng xanh,...

Kinh nghiệm trong công tác phòng, chống rác thải nhựa tại các nước trong khu vực và quốc tế; biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong phong trào thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025".Ảnh minh họa

Liên quan tới vấn đê trên, theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, các bao bì nylon đang sử dụng ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới thường được làm từ nhựa polyetylen, là một loại nhựa nhiệt dẻo. Ước tính, các đô thị mỗi ngày thải ra khoảng từ 11 - 53 tấn rác thải nhựa, nylon. Tỷ lệ chất thải nhựa ở những bãi chôn lấp chất thải rắn ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dao động từ 8,35 - 15%, trong đó có 78% chất thải nhựa là túi nylon. Đáng lo ngại, loại chất dẻo này có đặc tính khó phân hủy. Một chiếc túi nylon chỉ mất năm giây để sản xuất, song để phân hủy thì cần từ 500 - 1.000 năm. Đáng nói là, gần một phần ba số túi nylon mà con người sử dụng không được thu gom và xử lý. Điều đó được ví như thảm họa “ô nhiễm trắng”.

Việt Nam được nhận định là một trong năm quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Nhiều ý kiến cho rằng, sự tích tụ của các mảnh rác trong môi trường là vấn đề do con người tạo ra, vì vậy đòi hỏi một giải pháp đến từ con người. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của các cơ quan chức năng, khối lượng sử dụng túi nylon khó phân hủy không những không giảm mà còn tăng theo cấp số nhân. Thói quen của người dân dùng túi nylon, đồ dùng nhựa một lần ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại, người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hằng ngày.

Theo Sở Công thương Hà Nội, mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh 5.500 - 6.000 tấn rác sinh hoạt, trong đó, rác thải nhựa chiếm 8 - 10% và việc thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý số rác thải khổng lồ này là bài toán không dễ giải. Bên cạnh đó, việc chuyển từ sử dụng túi nylon khó phân hủy sang túi nylon thân thiện môi trường còn khó khăn do chênh lệch giá thành lớn. Sử dụng túi nylon thân thiện môi trường sẽ khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên, lợi nhuận giảm đi. Đây là lý do dẫn đến việc tuyên truyền sử dụng sản phẩm túi nylon thân thiện môi trường lâu nay chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

GS, TS Đặng Kim Chi, Viện Khoa học Công nghệ Môi trường (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, việc tìm hướng xử lý rác túi nylon, khuyến cáo và có chế tài với việc sử dụng túi nylon là rất cần thiết. Nếu không có biện pháp kiểm soát việc sử dụng và thải bỏ túi nylon thì không bao lâu nữa, rác thải từ túi nylon sẽ là mối đe dọa đối với không gian sống của con người.

Do vậy, cần có những biện pháp quản lý tổng hợp, hướng dẫn và khuyến khích thay thế, giảm thiểu và sử dụng hợp lý vật liệu nhựa (đặc biệt là các loại túi nylon), áp dụng các biện pháp công nghệ, kỹ thuật đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 4023

Về trang trước Về đầu trang