Tin KHCN nước ngoài
Tái chế thành công 95% thực phẩm thừa, Hàn Quốc đã dùng phương pháp nào? (21/02/2021)
-   +   A-   A+   In  

Hàn Quốc đã có nhiều giải pháp để nâng cao tỷ lệ tái chế thực phẩm thừa từ mức 2% năm 1995 lên 95% năm 2019.

Theo thông tin trên tờ Green Queen, ước tính, thế giới mỗi năm lãng phí khoảng 1,3 tỉ tấn thực phẩm, một nửa trong số đó đến từ các nước châu Á. Số thực phẩm thừa nói trên tạo ra 10% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, trong khi hơn 1 tỉ người trên thế giới đang thiếu ăn.

Trong bối cảnh đó, việc cần làm là chung tay đẩy lùi lãng phí thực phẩm. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Hàn Quốc đang được xem là quốc gia đi đầu điển hình về việc chống lãng phí thực phẩm. Hiện Hàn Quốc dẫn đầu về xử lý thực phẩm thừa, đẩy mạnh tỷ lệ tái chế thực phẩm bỏ đi từ mức 2% năm 1995 lên 95% năm 2019.

Theo lý giải của tờ Green Queen, sở dĩ Hàn Quốc đạt được thành tựu ấn tượng như trên là vì nước này đã áp dụng các công nghệ sáng tạo như sử dụng thùng rác thông minh, thúc đẩy sản xuất lương thực địa phương bằng cách thiết lập các trang trại đô thị, cũng như bắt buộc mỗi hộ gia đình tuân thủ kế hoạch tái chế thực phẩm thừa tại nhà.

Vậy chính xác Hàn Quốc đã làm cách nào để tái chế phần lớn thực phẩm mà họ lãng phí? Năm 2013, quốc gia Ðông Á này bắt đầu thực hiện chương trình tái chế thực phẩm thừa bắt buộc. Theo đó, các hộ gia đình phải chi 6USD/tháng để mua túi thực phẩm phân hủy sinh học để đựng thực phẩm thừa. Số thực phẩm này sau đó được thu gom để tái chế làm phân bón. Chương trình cũng khuyến khích các hộ gia đình Hàn Quốc ủ phân tại nhà và cắt giảm lượng thực phẩm thừa.

Thùng rác thông minh tái chế thực phẩm thừa được đặt tại thủ đô Seoul. Ảnh: PBS 

Ðặc biệt, Hàn Quốc đẩy mạnh khai thác các công nghệ sáng tạo, như sử dụng thùng rác thông minh. Ðến nay, Hàn Quốc đã cho lắp đặt hơn 6.000 thùng rác tự động trên khắp thủ đô Seoul. Những thùng rác này cân lượng thực phẩm thừa của cư dân thành phố và tính mức phí mà họ phải trả. Do đó, chính quyền địa phương đã khuyến khích cư dân loại bớt nước để giảm trọng lượng thực phẩm thừa trước khi bỏ vào thùng rác thông minh, bởi khoảng 80% khối lượng của thực phẩm thừa là nước. Ðiều này không chỉ giúp giảm chi phí của người dân mà còn giúp thành phố tiết kiệm tới 8,4 triệu USD chi phí thu gom rác. Giới chức Seoul cho biết, chương trình đã giúp cắt giảm 47.000 tấn thực phẩm thừa chỉ trong vòng 6 năm.

Số phân bón được tái chế từ thực phẩm thừa nói trên sau đó được Hàn Quốc sử dụng để hỗ trợ các kế hoạch sản xuất lương thực của địa phương, đưa chúng đến các trang trại đô thị và khu vườn cộng đồng. Kể từ khi chương trình tái chế thực phẩm thừa bắt buộc bắt đầu, số lượng các sáng kiến canh tác ở Seoul đã tăng gấp 6 lần, có diện tích tương đương kích thước của 240 sân bóng đá. Nhờ được trồng tại địa phương, thực phẩm ít được vận chuyển từ nơi sản xuất tới nơi bán lẻ, từ đó giảm thiểu nguy cơ thất thoát thực phẩm.

Dù chương trình đã thành công, nhưng nhu cầu cần tiếp tục giảm lãng phí thực phẩm vẫn mạnh mẽ. Các trung tâm xử lý thực phẩm thừa ở Seoul gần đây cho biết một lượng lớn phân bón khô được tái chế từ thực phẩm thừa chưa sử dụng - dấu hiệu cho thấy vẫn còn quá nhiều chất thải được tạo ra.

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra quy định, trong đó xác định phân được tái chế từ thực phẩm thừa là phân hữu cơ để thúc đẩy việc sử dụng chúng. Các chuyên gia, quan chức chính phủ và các nhà hoạt động cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp cơ bản để cắt giảm thực phẩm thừa tại nguồn.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ lãng phí thực phẩm cao nhất thế giới. Trung bình mỗi năm, cứ 1 người dân Hàn lãng phí hơn 130kg thực phẩm, cao hơn mức trung bình của người châu Âu và Bắc Mỹ lần lượt 95kg và 115kg.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 2906

Về trang trước Về đầu trang