Tin KHCN trong nước
Nghiên cứu tình trạng methyl hóa của một số gen và ứng dụng trong chẩn đoán ung thư (23/12/2014)
-   +   A-   A+   In  

Đây là kết quả của đề tài KC.04.05/11-15 được Ban Chủ nhiệm Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 – nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học (KC.04/11-15) và Văn phòng Các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước (Bộ KH&CN) tổ chức nghiệm thu ngày 15/12, tại Hà Nội.

Đề tài “Nghiên cứu tình trạng methyl hóa của một số gen và ứng dụng trong chẩn đoán ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến” (KC.04.05/11-15) do PGS.TS. Võ Thị Thương Lan cùng cộng sự Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thực hiện từ tháng 01/2012 - 10/2014 với mục tiêu xây dựng được qui trình xác định và sử dụng các chỉ thị epigenetic DNA bằng kỹ thuật epigenomic để hỗ trợ chẩn đoán, phục vụ điều trị bệnh ung thư vú và ung thư tiền liệt tuyến ở bệnh nhân người Việt Nam.

 

Sau quá trình triển khai, đến nay, đề tài đã hoàn thiện và đã tạo ra các sản phẩm chính gồm: Bộ sinh phẩm đánh giá dấu chuẩn methyl hóa ADN để hỗ trợ chẩn đoán, điều trị ung thư vú; bộ sinh phẩm đánh giá dấu chuẩn methyl hóa ADN để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị ung thư tiền liệt tuyến; qui trình xác định mức độ methyl hóa ADN bằng kỹ thuật MSP; quy trình tạo đầu dò phát hiện sản phẩm methyl hóa của phản ứng MSP; 7 bài báo/báo cáo hội nghị trong nước (vượt so với đăng ký ban đầu); 4 bài báo quốc tế (2 bài đã đăng, 2 bài đã gửi); đăng ký 01 giải pháp hữu ích; góp phần đào tạo 01 thạc sỹ và 02 tiến sỹ.

 

PGS.TS. Võ Thị Thương Lan cho biết, nhóm đã nghiên cứu, thiết kế thành công các cặp mồi đặc hiệu và tối ưu điều kiện kỹ thuật MSP để phát hiện methyl hóa promoter các gen BRCA1, RASSF1A, ER và GSTP1. Xác định được tỷ lệ methyl hóa BRCA1, RASSF1A là 13.87 % (19/137) và 56.2 % (77/137) ở bệnh nhân ung thư vú Việt Nam. Methyl hóa RASSF1A liên quan với đặc điểm mô bệnh học  (p < 0.001); methyl hóa ER liên quan với độ ung thư (p=0.02) và trạng thái di căn hạch nách (p=0.0006).

 

Đồng thời xác định được  tỷ  lệ methyl hóa GSTP1 và RASSF1A ở ung  thư  tuyến  tiền  liệt tương ứng với 66.1 % và 32.2 %; ở phì đại tuyến là 10.8 % và 27 %. Methyl hóa GSTP1 đặc hiệu với ung thư tuyến tiền liệt (p < 10-7). Xác định được độ nhạy MSP có khả năng phát hiện được 0.2 %, 0.3 % và 0.15 % BRCA1, RASSF1A và GSTP1 bị methyl hóa. Độ  nhạy MSP phát hiện hai promoter BRCA1 và RASSF1A bị methyl hóa là 3 và 30 allen/15 μl khi sử dụng đối chứng chuẩn là DNA tách từ dòng tế bào ung thư PC3 và MCF7.

 

Cùng với đó, xây dựng được hai bộ sinh phẩm thử nghiệm xác định BRCA1 và GSTP1 bị methyl hóa dựa  trên  kỹ  thuật MSP với độ nhạy kỹ thuật phát hiện 0.2 % gen đích bị methyl hóa. Xây dựng kỹ thuật lai điểm để tăng độ nhạy phát hiện sản phẩm MSP đặc hiệu với GSTP1 và RASSF1A bị methyl  hóa (phát  hiện  được 0.01 % gen đích bị methyl hóa). Lai đa điểm phát hiện đồng thời các sản phẩm MSP không cần điện di; giảm chi phí, thời gian và đơn giản thao tác.

 

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên hội đồng đều đánh giá cao những kết quả đạt được của nhóm nghiên cứu. Với những kết quả đạt được, Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí thông qua và đánh giá đề tài xếp loại xuất sắc. Đồng thời kiến nghị đề tài cần được tiếp tục đầu tư nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm và triển khai các thủ tục cần thiết khác để được phép ứng dụng trên bệnh nhân.

Nguồn: truyenthongkhoahoc

Số lượt đọc: 13137

Về trang trước Về đầu trang