Tin KHCN trong nước
Những tài năng Việt 'nở sớm' được vinh danh trong các cuộc thi sáng chế quốc tế 2020 (22/12/2020)
-   +   A-   A+   In  

Những tài năng trẻ Việt ngày càng phát huy được khả năng sáng tạo với những sáng chế hữu ích cho cộng đồng. Minh chứng cho điều đó là hàng loạt giải thưởng danh giá từ những cuộc thi quốc tế.

Mũ chống COVID-19 của học sinh Việt giành giải vàng thi đổi mới sáng tạo quốc tế

Ban tổ chức cuộc thi đổi mới sáng tạo quốc tế lần thứ 5 tại Canada (iCAN 2020) đã trao giải đặc biệt chung cuộc, giải top 10 thiết kế công nghệ và huy chương vàng cho 'mũ cách ly di động' Vihelm của hai nhà sáng chế trẻ người Việt.

Tác giả của sáng chế độc đáo Vihelm (ghép từ hai chữ Vietnam và helmet - chiếc mũ) là Đỗ Trọng Minh Đức (17 tuổi) và Trần Nguyễn Khánh An (13 tuổi).

mu chong covif

Ý tưởng mũ Vihelm trên thực tế là đề bài do người thầy khoa học của Đức và An là nhà sáng chế trẻ Nguyễn Đình Nam, một tên tuổi trong giới công nghệ Việt Nam, giao cho hai bạn với mục tiêu ban đầu để tham dự cuộc thi iCAN 2020.'

Để giải quyết nhiệm vụ thầy giao là nghiên cứu, cải tiến các mũ bảo hộ phòng dịch hiện có trên thị trường quốc tế, Đức cùng An bắt đầu nghiên cứu nguyên lý hoạt động của loạt mặt nạ đã có là PAPR - mặt nạ lọc không khí với các tiêu chuẩn được toàn cầu công nhận và có độ an toàn gấp 100 lần khẩu trang N99.

Từ những hiểu biết này, hai bạn nghĩ nhiều hơn về giải pháp cho các vấn đề còn tồn tại, những điều khiến mặt nạ PAPR dù chống dịch rất tốt nhưng ít khi được dùng cho phòng chống dịch bệnh. Luôn ghi nhớ lời thầy là làm khoa học với tâm thế hướng về con người, Đức và An suy nghĩ giải pháp làm ra chiếc mũ bảo hộ che kín đường hô hấp. 

Bên trong mũ, không khí được bơm liên tục qua một màng lọc virus được gọi là "hộp khử khuẩn" khiến mầm bệnh không thể xâm nhập qua trong khi đội. Chiếc mũ còn có hệ thống quạt làm thoáng khí, không đọng hơi nước bên trong để không gây cản trở tầm nhìn, đặc biệt với những người phải đeo kính.

Để khắc phục những điều có thể còn coi là nhược điểm của PAPR, Vihelm gắn thêm chiếc găng tay đặc biệt ở đáy mũ, cho phép người dùng gãi mặt, dụi mắt, thậm chí ăn uống mà vẫn giữ cách ly đường hô hấp với môi trường bên ngoài.

Với những cải tiến trên, người dùng có thể đội mũ thoải mái liên tục trong suốt một ca làm việc khoảng 4 tiếng mà không lo bị ngứa hay nóng. Thậm chí, họ còn có thể ăn uống để có thể làm việc cả ngày trong trạng thái dễ chịu.

Học sinh Việt Nam đạt giải Sáng tạo và Đổi mới quốc tế tại Malaysia

Nhóm học sinh lớp 11 Lý trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên (thuộc trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đạt Huy chương Bạc tại Cuộc thi Sáng kiến và Đổi mới quốc tế năm 2020 được tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm công nghệ Malaysia lần thứ 19 (MTE 2020)/

Đó là học sinh Đỗ Minh Đức lớp 11A1 chuyên Vật lý và 4 học sinh lớp 11A2 là Ngô Quang Tùng, Bùi Quý Minh, Nguyễn Hoàng Minh và Vũ Trọng Nguyên Khôi với đề tài “Xây dựng hệ thống nuôi trồng thủy sản bền vững.”

hoc sinh

Tình hình thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành nghề sản xuất, trong đó có nuôi trồng thủy sản. Lĩnh vực này đã không tránh khỏi những tác động như thay đổi nhiệt độ, hạn hán, mưa axit...

Ý thức được vấn đề đó, các em học sinh này đã nhen nhóm ý tưởng tạo ra một hệ thống nuôi trồng ổn định nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng thủy sản, giảm thiểu các tác động của môi trường.

Để đạt được mục tiêu đề ra, nhóm đã nghiên cứu tìm hiểu các yếu tố môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến vật nuôi như nhiệt độ, nồng độ oxy hòa tan trong nước, giá trị pH...

Đây là các đại lượng vật lý mặc dù cách thức đo đạc đơn giản, nhưng trên một diện tích rộng lớn lại ngoài môi trường thực tế nên gặp rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, nhóm đã chế tạo ra các cảm biến dùng để đo đạc các đại lượng trong môi trường nước trên diện rộng. Và trong những tình huống khẩn cấp hơn, việc sử dụng công nghệ Flycam sẽ giúp người dùng nắm được tình hình thực tế của khu vực nuôi trồng.

Học sinh Vinschool giành cú đúp Huy chương Vàng tại 2 cuộc thi Khoa học quốc tế

Đại diện Việt Nam tham gia hai cuộc thi phát minh khoa học quốc tế - Olympic Phát minh và Sáng chế Thế giới (WICO 2020) tại Hàn Quốc và The Elementz Science Project Competition & Exhibition tại Singapore, nhóm học sinh đến từ Vinschool đã tự hào mang về tổng cộng 3 giải Vàng, 1 giải Bạc.

Đây là những sân chơi khoa học quốc tế uy tín, được tổ chức thường niên tại Hàn Quốc và Singapore, thu hút hàng nghìn học sinh, sinh viên tham gia tranh tài đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canada, New Zealand, Trung quốc… Cuộc thi được tổ chức và đánh giá bởi các nhà khoa học hàng đầu. Chủ động tiếp cận và làm quen với các yêu cầu đặc thù của mỗi cuộc thi, các nhóm đã phát huy tinh thần sáng tạo trong cách trình bày báo cáo khoa học dưới hình thức video minh họa sống động dưới sự hỗ trợ của các thầy cô hướng dẫn.

hoc sinh

Bài dự thi của các nhóm không chỉ được hội đồng giám khảo đánh giá cao về chất lượng báo cáo khoa học mà còn gây ấn tượng bởi cách trình bày poster, kỹ năng dàn dựng và thiết kế video cũng như khả năng thuyết trình bằng tiếng Anh vượt trội. Đây là thành quả xứng đáng dành cho các em học sinh sau cả quá trình dài miệt mài thực hành thí nghiệm, nghiên cứu, thu thập, phân tích dữ liệu.

Nguồn: sohuutritue.net.vn

Số lượt đọc: 3855

Về trang trước Về đầu trang