Tin KHCN trong nước
Đại học Bách khoa Hà Nội chế tạo mũ thở khí tươi ngăn nCoV (14/12/2020)
-   +   A-   A+   In  

Nhóm các nhà khoa học do PGS.TS Phan Trung Nghĩa mới đây đã chế tạo thành công một loại mũ thở khí tươi giúp bác sĩ phòng chống bệnh dịch với chi phí thấp.

Nhằm giúp các bác sỹ và nhân viên y tế có nhiệm vụ tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiễm Covid-19, nhóm nghiên cứu do PGS.TS Phan Trung Nghĩa, Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội dẫn đầu đã chế tạo một sản phẩm mũ thở khí tươi giúp hạn chế sự lây nhiễm, dễ dàng thao tác và di chuyển.

Nhận thấy hạn chế từ thiết bị nảo hộ và khẩu trang kính trang bị cho cán bộ y tế chưa thể đảm bảo an toàn sau hoạt động kết hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Vietnam Airlines chế tạo và lắp đặt Buồng áp lực dương trên chuyến bay đón các công dân Việt Nam bị nhiễm Covid-19 từ Guinea Xích đạo hồi tháng 7/2020, nhóm nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội đã bắt đầu tìm hiểu và cải tạo những thiết bị bảo hộ trên để nâng cao tính an toàn cho nhân viên y tế.

PGS.TS Phan Trung Nghĩa và các đồng sự đã nhận được tư vấn của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Viện Trang thiết bị và Công trình Y tế, Bộ Y tế, mũ thở khí tươi ngăn nCoV hoàn thiện sau 3 tháng, với các thông số kỹ thuật được kiểm chứng bởi Bộ Y tế.

mu-tho-khi-tuoi-dai-hoc-bach-khoa-ha-noi

Sản phẩm mũ thở khí tươi của Đại học Bách khoa Hà Nội có giá thành thấp hơn nhiều lần so với các sản phẩm hiện có trên thị trường. 

Sản phẩm có bốn phần chính, gồm màng siêu vi lọc ULPA và quạt hút, phần hệ thống điều khiển và pin sạc, mặt nạ và dây truyền khí và phần dây đeo. Toàn bộ mũ thở được tối ưu, có khối lượng 2 kg, giúp người đeo dễ dàng di chuyển.

Mũ thở hoạt động theo nguyên lý quạt hút không khí tươi bên ngoài và siêu màng lọc ULPA lọc hết các hạt có kích thước lớn hơn 0,15 micromet. Màng lọc này khiến virus như nCoV khi bám vào các giọt dịch bị giữ lại và không thể đi qua màng lọc. Vì vậy, không khí sau khi đi qua quạt hút và màng lọc trở thành không khí sạch và an toàn cho người sử dụng.

Phần khí sạch truyền đến phần mũ đeo nhờ hai dây ống dẫn bằng nhựa y tế đường kính 8 mm. Mặt nạ nhựa an toàn và dễ đeo giúp tạo góc quan sát tốt, không làm ảnh hưởng tới khả năng nghe và nói của người sử dụng. Hệ thống được kích hoạt bằng công tắc, có thể hoạt động trong 90 phút và báo hiệu bằng âm thanh và tín hiệu khi pin sắp hết trước 15 phút để người sử dụng kịp thay thế pin hoặc sạc khi cần.

PGS Nghĩa cho biết, mặc dù mũ thở khí tươi đã có trên thị trường, tuy nhiên sản phẩm này chưa được sử dụng rộng rãi trong y tế do giá thành nhập ngoại cao ở mức hơn 20 triệu. Nhưng mũ thở khí tươi do nhóm nghiên cứu của Đại học Bách khoa chế tạo có giá thành chỉ khoảng 2,5 triệu đồng, trong khi chất lượng lọc khí và khối lượng tương đương nhau.

Theo đánh giá của Viện Trang thiết bị và Công trình Y tế, Bộ Y tế, sản phẩm có tiêu chuẩn về hiệu suất lọc bụi 0,3 micromet đạt 80%, hiệu suất lọc bụi 0,5 micromet đạt 90%, lưu lượng khí đưa vào đạt tiêu chuẩn 0,15 l/phút. Màng lọc có thể sử dụng liên tục trong 3 tháng. Ngoài ngăn chặn nCoV, sản phẩm có phòng chống các loại bệnh truyền nhiễm khác như bệnh bạch hầu, bệnh Ebola...

Hiện sản phẩm này đã được đăng ký sở hữu trí tuệ và phối hợp với các bác sĩ bệnh viện để tiếp tục thử nghiệm và cải tiến. "Nhóm sẽ thay ống dẫn khí 8mm bằng ống dẫn kích thước 5 mm để tiết chế lượng khí truyền tới người dùng theo tư vấn của các bác sĩ", PGS Nghĩa nói.

Hiện, nhóm nghiên cứu đang chế tạo khoảng 40-50 chiếc mũ thở khí tươi để có thêm góp ý từ bệnh viện. Với số lượng nhiều hơn để hỗ trợ các bác sĩ tuyến đầu chống dịch, nhóm mong muốn nhận được sự đồng hành của doanh nghiệp, nhà đầu tư để có thể thương mại hóa sản phẩm.

Nguồn: sohuutritue.net.vn

Số lượt đọc: 2449

Về trang trước Về đầu trang