Tin KHCN nước ngoài
Máy bay không người lái tái canh rừng bị cháy rụi ở Mỹ (16/12/2020)
-   +   A-   A+   In  

Phi đội máy bay không người lái sẽ tái canh các khu vực rừng đã bị thiêu rụi trong mùa cháy rừng tàn khốc năm nay tại Mỹ, thả cac "tàu hạt giống" vào những khu vực mà chúng có cơ hội mọc trở lại tốt nhất.

Mỹ đang phải trải qua một mùa cháy rừng tàn khốc nhất từng được ghi nhận, với hơn 8 triệu mẫu đất rừng bị thiêu rụi trong năm nay. Việc tái tạo những khu rừng nằm trên những diện tích đất đó thường sẽ mất nhiều năm và phải có sự tham gia của hàng trăm người trồng lại những cây non được nuôi trong các vườn ươm chuyên dụng theo một cách thủ công.

DroneSeed, một công ty có trụ sở tại Seattle giới thiệu một giải pháp mà họ cho là nhanh và hiệu quả hơn nhiều so với cách truyền thống nói trên. Đúng như tên gọi của công ty, DroneSeed sử dụng các phi đội máy bay không người lái để tái canh các khu vực rừng đã bị thiêu rụi, thả cái mà họ gọi là "tàu hạt giống" vào những khu vực mà chúng có cơ hội mọc trở lại tốt nhất.

Giám đốc điều hành Grant Canary của DroneSeed nói với trang CNN Business rằng các máy bay không người lái của họ dài 2,4m, và công ty này có thể cho bay cùng lúc 5 chiếc máy bay trên các tuyến đường được lập trình sẵn, với độ bao phủ tới 50 mẫu đất mỗi ngày và mỗi chiếc chở được tới 25kg tàu hạt giống.

"Chúng tôi có tốc độ trồng nhanh gấp 6 lần so với một người trồng cây ngoài kia với một cái xẻng, họ chỉ làm được khoảng hai mẫu đất một ngày. Và chúng tôi đã cắt giảm chuỗi cung ứng để tạo ra những hạt giống mới trong lòng đất từ ba năm xuống ba tháng”, ông Canary cho biết.

Đầu năm nay, DroneSeed đã nhận được sự miễn trừ từ Cục Hàng không Liên bang để cho phép họ sử dụng dàn máy bay không người lái để trồng lại các khu rừng bị cháy. Công ty đã bắt đầu quá trình hồi phục các khu rừng bị ảnh hưởng bởi Đám cháy Tháng Tám ở California và Đám cháy Trang trại Holiday ở Oregon, cũng như rà soát các khu vực bị cháy khác ở trên và dọc theo bờ biển phía Tây, nơi công nghệ của họ có thể được đưa vào sử dụng.

Tái canh từ trên không không phải là một cách tiếp cận mới, với máy bay hoặc trực thăng thường được sử dụng để phát tán hạt giống. Các chuyên gia cho rằng phương pháp này rẻ hơn và dễ dàng hơn so với trồng tay truyền thống nhưng có thể sẽ không hiệu quả bằng.

Ông Ralph Schmidt, giáo sư tại Viện Trái đất thuộc Đại học Columbia, cho biết: “Chỉ cần thả hạt giống cây rừng ra khỏi máy bay là có thể đem lại thành công và phương pháp này rẻ hơn rất nhiều so với trồng thủ công. Trồng cây con trong vườn ươm và trồng thủ công sẽ luôn có tỷ lệ thành công cao hơn nhiều so với gieo hạt trên không, nhưng lại tốn kém hơn nhiều”.

Giáo sư Schimdt thêm rằng chìa khóa thành công cho phương pháp này là phải chọn đúng loại hạt giống và đúng nơi để thả chúng.

DroneSeed đang cố gắng kết hợp hai yếu tố trên vào các mạch hạt giống độc quyền của mình. Các gói hạt giống được thiết kế đặc biệt bao gồm sự kết hợp của phân bón, chất dinh dưỡng và chất ngăn ngừa sâu bệnh giúp hạt giống bén rễ hiệu quả hơn mà không cần phải chôn vùi dưới đất.

“Tàu hạt giống bản chất là một sợi khô, vì vậy nó hấp thụ độ ẩm. Nó ngấm nước và nở ra. Vì vậy, điều đó giúp nó tránh bị mất ẩm hoặc khô, một trong những nguyên nhân lớn nhất gây chết hạt”, ông Canary cho biết.

Drone không phải là công nghệ duy nhất mà công ty sử dụng để làm cho việc tái canh hiệu quả hơn. Họ cũng triển khai Lidar, công nghệ cảm biến được sử dụng bởi ô tô tự lái để lập bản đồ xung quanh nó nhằm tạo ra mô hình địa hình 3D. Kết hợp với các cảm biến đo các bước sóng ánh sáng khác nhau, công nghệ này có thể phân biệt sự khác biệt giữa các khu vực đất sỏi đá và những nơi có đất lành phù hợp cho cây cối phát triển.

DroneSeed tuyên bố họ có thể trồng tới 140 cái cây trên mỗi mẫu đất dựa trên các thử nghiệm ở New Zealand và bang Washington.

“Với mùa cháy rừng này, chúng tôi đứng trước nhu cầu trồng cây lớn chưa từng có trước đây”, ông Canary nói.

Và trong khi biến đổi khí hậu tiếp tục làm cho vấn đề cháy rừng tồi tệ hơn qua các năm, ông hy vọng công nghệ của DroneSeed sẽ giúp trồng rừng hiệu quả hơn, nhưng đây không phải là một giải pháp mang tính tổng hợp.

“Tôi không nói rằng chúng ta nên loại bỏ các vườn ươm, bởi cần phải giữ lại tất cả các vườn ươm đang hoạt động bởi chúng ta cần tất cả những mầm cây mà chúng ta có thể sẽ trồng được. Nhưng chúng ta phải làm điều này nhanh hơn”, ông Canary kết luận.

Nguồn: Báo Tin tức

Số lượt đọc: 3471

Về trang trước Về đầu trang